THẾ NÀO LÀ PHẠM TỘI 02 LẦN TRỞ LÊN? (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TP HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

26/04/2024 - 774 lượt xem

Bộ luật Hình sự 1999 đã sử dụng thuật ngữ “phạm tội nhiều lần” là tình tiết định khung tăng nặng trong phần lớn các quy định về tội phạm. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã thay đổi thuật ngữ “phạm tội nhiều lần” thành “phạm tội 02 lần trở lên” và ghi rõ số lần phạm tội cụ thể ngay trong điều luật.

Bộ luật Hình sự 1999 đã sử dụng thuật ngữ “phạm tội nhiều lần” là tình tiết định khung tăng nặng trong phần lớn các quy định về tội phạm. Qua thực tiễn quá trình khởi tố điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, nảy sinh những vướng mắc và nhận thức khác nhau khi áp dụng thuật ngữ này, khiến việc áp dụng pháp luật liên quan đến tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trở nên không đồng nhất.

Do đó, để khắc phục những bất cập trên, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã thay đổi thuật ngữ “phạm tội nhiều lần” thành “phạm tội 02 lần trở lên” và ghi rõ số lần phạm tội cụ thể ngay trong điều luật.

Bài viết sau đây, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ thế nào là hành vi phạm tội hai lần trở lên theo quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành:

I – Cơ sở pháp lý

Bộ luật Hình sự 1999

Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017

Thông tư liên liên tịch số 01/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 02/01/1998 của TANDTC-VKSNDTC-BNV

Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của HĐTP TANDTC

II – Nội dung

Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn chưa định nghĩa thế nào là hành vi “phạm tội 02 lần trở lên”. Cho đến thời điểm hiện tại, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn đang áp dụng tinh thần của những văn bản hướng dẫn áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần” quy định trong BLHS năm 1999. Theo Thông tư liên liên tịch số 01/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 02/01/1998 của TANDTC-VKSNDTC-BNV “hướng dẫn áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần đối với một số tội phạm có tính chất tham nhũng và tội phạm liên quan đến tình dục” như sau:

“Tình tiết “phạm tội nhiều lần” quy định tại khoản 2 Điều 185b, khoản 2 Điều 185c, khoản 2 điều 185d, khoản 2 Điều 185e, khoản 2 Điều 185g, khoản 2 Điều 185h, khoản 2 Điều 185i, khoản 2 Điều 185k, khoản 2 Điều 185m, khoản 2 Điều 185n được hiểu là đã có tất cả từ hai lần phạm tội trở lên (hai lần sản xuất trái phép chất ma túy trở lên, hai lần tàng trữ trái phép chất ma túy trở lên…) mà mỗi lần phạm tội có đầy đủ yếu tố cấu thành quy định tại khoản 1 Điều luật tương ứng; đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số lượng chất ma túy của các lần cộng lại, nếu Điều luật có quy định về số lượng chất ma túy được định khung hình phạt.”

Tương tự, Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của HĐTP TANDTC cũng có hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS 1999, trong đó, tại tiểu mục 3.3 mục 3 phần I hướng dẫn việc áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS “phạm tội nhiều lần” đối với người phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả được quy định tại Điều 180 BLHS 1999 như sau:

 “Đối với người nhiều lần làm hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả thì cần phải lấy tổng số lượng tiền giả của tất cả các lần phạm tội cộng lại để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ; nếu trong các lần phạm tội đó có trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không xem xét trách nhiệm hình sự đối với trường hợp đó (không cộng số lượng tiền giả của lần phạm tội đó); nếu có hai lần phạm tội làm hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả trở lên thì ngoài việc cộng số lượng tiền giả của các lần phạm tội để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ, còn phải áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự”.

Việc Bộ luật Hình sự năm 2015 bỏ thuật ngữ “Phạm tội nhiều lần” nhằm tránh nhầm lẫn với thuật ngữ “nhiều lần phạm tội” và bao nhiêu lần phạm tội thì được xem là  “Phạm tội nhiều lần” nên đã thay thế bằng thuật ngữ “Phạm tội 02 lần trở lên” là cụ thể, rõ ràng, đảm bảo việc áp dụng thống nhất pháp luật của những cơ quan tiến hành tố tụng.

Ngoài những văn bản hướng dẫn nêu trên, thực tế vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về việc định nghĩa thế nào là “phạm tội 02 lần trở lên”, khiến cho Tòa án gặp nhiều vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án. Tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” thường bị nhầm lẫn với nhiều thuật ngữ khác như thuật ngữ “phạm tội liên tục”. Tuy nhiên, 2 thuật ngữ này có sự khác biệt nhất định về tính chất, mức độ của hành vi phạm tội. 

Qua nghiên cứu, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin khái quát khái niệm thuật ngữ “Phạm tội 02 lần trở lên” như sau:

Phạm tội 02 lần trở lên là việc chủ thể đã thực hiện ít nhất 2 lần phạm tội trở lên nhưng đều chưa bị xét xử. Đây là trường hợp chủ thể đã phạm ít nhất hai lần về cùng một tội phạm (cùng một tội danh) và cả hai lần đó đều chưa bị xét xử. Các lần phạm tội đó có thể có cùng đối tượng hoặc khác đối tượng, có thể thuộc cùng khung hình phạt hoặc thuộc các khung hình phạt khác nhau mà nếu tách các lần phạm tội thì các hành vi phạm tội đó đều có thể cấu thành một tội phạm độc lập hoàn chỉnh.

Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về khái niệm thuật ngữ “Phạm tội 02 lần trở lên”. Trường hợp Quý khách hàng còn thắc mắc hay cần tư vấn pháp lý xin liên hệ:

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, Q. Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP3: 5 Ngách 252/115 Tây Sơn, P. Trung Liệt, Q. Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: info@htlegalvn.com      Hotline: 0961614040 - 0922224040 - 0945174040

Bảo Phương
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục