THỦ TỤC, TRÌNH TỰ TỐ TỤNG VỤ ÁN HÌNH SỰ (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

23/12/2022 - 388 lượt xem

Bất cứ vụ án hình sự nào đều cũng phải được giải quyết tuân theo trình tự quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự. Và quá trình giải quyết một vụ án hình sự bao gồm các giai đoạn: khởi tố, điều tra; truy tố; xét xử và thi hành án. Sau đây, hãy cùng Công ty Luật HT Legal VN tìm hiểu về thủ tục, trình tự tố tụng vụ án hình sự qua bài viết sau đây.

Căn cứ pháp lý:

- Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017;

- Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2021.

Nội dung:

1. Thuật ngữ tố tụng hình sự và sự khác biệt giữa Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015

1.1. Thuật ngữ tố tụng hình sự.

Thuật ngữ thủ tục tố tụng hình sự được hiểu là trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Quá trình này được diễn ra bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp người dân, giáo dục mọi người chấp hành pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

1.2. Sự khác biệt giữa Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Căn cứ Điều 1 Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 2 Bộ luật Hình sự 2015, chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây chính là cơ sở để một người chịu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ Điều 1 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự.

Theo đó, sự khác biệt cơ bản nhất giữa hai bộ luật là Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội phạm và hình phạt đối với người phạm tội còn Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về trình tự, thủ tục giải quyết một vụ án hình sự.

2. Thủ tục, trình tự tố tụng vụ án hình sự

Tùy vào tính chất của từng vụ án hình sự mà có những vụ án hình sự sẽ không trải qua đầy đủ các giai đoạn nêu trên, một vụ án hình sự thường sẽ qua 5 giai đoạn cơ bản là Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

2.1. Khởi tố vụ án hình sự

Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn mở đầu của tố tụng hình sự, ở giai đoạn này cơ quan thẩm quyền sẽ xác định có hay không dấu hiệu phạm tội để ra quyết định có khởi tố vụ án hình sự hay không.

Điều 143 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có quy định rõ căn cứ khởi tố vụ dựa trên: có tố giác của cá nhân; tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trên thông tin đại chúng; kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước; cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; người phạm tội tự thú.

Ngoài ra, căn cứ Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2021, trong trường hợp các vụ án hình sự về tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 134:“Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, Điều 135 “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, Điều 136  “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội”, Điều 138 “Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, Điều 139 “Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”, Điều 141 “Tội hiếp dâm”, Điều 143 “Tội cưỡng dâm”, Điều 155 “Tội làm nhục người khác” và Điều 156  “Tội vu khống" của Bộ luật Hình sự, Cơ quan điều tra chỉ được khởi tố vụ án hình sự đối với các tội phạm khi có yêu cầu của bị hại.

2.2. Điều tra vụ án hình sự

Thẩm quyền điều tra vụ án hình sự căn cứ theo Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 bao gồm:

- Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự;

- Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật Hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp;

- Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.

Các hoạt động điều tra vụ án hình sự bao gồm:

- Khởi tố và hỏi cung bị can;

- Lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, đối chất và nhận dạng;

- Khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật;

- Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra;

- Giám định và định giá tài sản. Khi kết thúc điều tra cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố nếu có đủ chứng cứ, hoặc đình chỉ điều tra nếu có một trong các căn cứ quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự hay đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can là người thực hiện tội phạm.

2.3. Truy tố vụ án hình sự

Truy tố vụ án hình sự là giai đoạn thứ ba trong quy trình giải quyết vụ án hình sự. Đây là giai đoạn sau khi nhận đươc hồ sơ vụ án hình sự và bản kết luận điều tra đề nghị truy tố, Viện kiểm sát sẽ nghiên cứu hồ sơ và ra một trong ba quyết định sau:

- Truy tố bị can trước Tòa án;

- Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;

- Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.

Nếu xét thấy đủ điều kiện để tiến hành truy tố bị can, Viện kiểm sát sẽ quyết định truy tố bị can trước Tòa bằng bản cáo trạng theo Điều 243 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

2.4. Xét xử vụ án hình sự

Sau khi Viện kiểm sát ra quyết định truy tố, Tòa án sẽ bắt đầu xét xử vụ án hình sự. Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án được quy định tại Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Trường hợp bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn quy định thì  sẽ có hiệu lực pháp luật và được thi hành án. Ngược lại, trường hợp bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị phải tiến hành xét xử phúc thẩm.

Việc xét xử phúc thẩm vụ án sẽ được thực hiện khi bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị. Thẩm quyền xét xử phúc thẩm được giao cho cấp cao hơn xét xử lại bản án bị kháng cáo, kháng nghị của cấp dưới và được quy định cụ thể tại Điều 344 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.

2.5. Thi hành bản án

Giai đoạn thi hành bản án và quyết định của Tòa án được thực hiện sau giai đoạn xét xử, khi bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Công việc này do Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Ủy thác Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án.

Việc thực hiện sẽ giao cho cơ quan thi hành án hình sự thực hiện căn cứ Điều 364 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định.

Trên đây là một số nội dung về quy trình giải quyết vụ án hình sự Công ty Luật HT Legal VN giới thiệu. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, quý khách và quý bạn đọc có thể liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040

 

 

Phượng Tường
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục