TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT DO XÂM PHẠM TÍNH MẠNG, SỨC KHOẺ, NHÂN PHẨM NGƯỜI KHÁC (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP HỒ CHÍ MINH)

02/12/2022 - 1140 lượt xem

TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT DO XÂM PHẠM TÍNH MẠNG, SỨC KHOẺ, NHÂN PHẨM NGƯỜI KHÁC (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP HỒ CHÍ MINH)

Trong cuộc sống thường ngày có rất nhiều vấn đề làm phát sinh những trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do các hành vi trái pháp luật của các chủ thể. Trong trường hợp này, bên bị ảnh hưởng được quyền yêu cầu bên vi phạm bồi thường những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm , uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp,… Sau đây, Công ty Luật HT Legal VN xin chia sẻ về những quy định của pháp luật về Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm người khác.  

Căn cứ pháp lý:

+ Bộ luật dân sự 2015

Nội dung:

1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì ?

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự của bên có lỗi (cố ý hoặc vô ý), gây hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, gây hại đến danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc các chủ thể khác.

2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Bộ luật dân sự 2015 quy định Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hướng có lợi cho bên bị hại. Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo đó, bên nào vi phạm pháp luật gây thiệt hại có nghĩa vụ bù đắp toàn bộ thiệt hại mà bên bị vi phạm đã phải gánh chịu. Căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là hành vi vi phạm pháp luật, thiệt hại xảy ra, quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật với thiệt hại và lỗi của bên vi phạm.

Trong một số trường hợp, người chịu trách nhiệm bồi thường phải bồi thường thiệt hại xảy ra không phải do lỗi của mình như chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ, chủ sở hữu súc vật, chủ sở hữu nhà cửa... ngoại trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng.

3. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

4. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

a. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 quy định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau:

- Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

- Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

b. Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra

Điều 587 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra. Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

5. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Điều 588 Bộ luật dân sự 2015 quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. 

6. Mức thiệt hại tối đa được yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định mức thiệt hại phải bồi thường

a. Bồi thường thiệt hại về sức khoẻ

Căn cứ Điều 590 Bộ luật dân sự 2015, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khoẻ của người khác bị xâm phạm phải đền bù những khoản sau đây:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

- Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. (Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khoẻ bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định);

- Thiệt hại khác do luật quy định.

b. Bồi thường thiệt hại về tính mạng

Căn cứ Điều 591 Bộ luật dân sự 2015, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải đền bù những khoản sau đây:

- Tất cả các chi phí bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015.

- Chi phí hợp lý cho việc mai táng

- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng

- Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này; mức tối đa không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định);

- Thiệt hại khác do luật quy định.

c. Bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín

Căn cứ Điều 592 Bộ luật dân sự 2015, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải đền bù những khoản sau đây:

- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

- Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. (Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khoẻ bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định);

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Trên đây là những nội dung chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm người khác. Để được hiểu rõ hơn về vấn đề này, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.

Email: info@htlegalvn.com          Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040

Như Quỳnh
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục