Xác định chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19

04/08/2021 - 1567 lượt xem

Xác định chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19

Việc xác định chi phí Hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp là vấn đề quen thuộc đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chính phủ mới ban hành nghị định Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19;

Vậy doanh nghiệp sẽ ghi nhận những khoản chi phí phát sinh này như thế nào?

Thuế thu nhập doanh nghiệp (Tiếng Anh là Corporate Tax) là loại thuế trực thu, được thu dựa trên kết quả cuối cùng của hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp. Nghĩa là tổng doanh thu của doanh nghiệp trừ đi các khoản chi phí hợp lý rồi sẽ tính số thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng theo quy định của pháp luật.

Vậy chi phí hợp lý được trừ là những khoản nào? Đó là những chi phí cần thiết trong quá trình sản xuất, kinh doanh của Doanh nghiệp như: Chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí mua nguyên vật liệu, chi phí tiền lương, chi trợ cấp… và có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Đối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là những đối tượng nào?

  1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;

  2. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;

  3. Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã;

  4. Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;

  5. Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.

Các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi tính thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp như sau:

1. Khoản chi được trừ

- Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật; 

- Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng - GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

- Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế GTGT…

2.Các khoản chi không được trừ 

Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi sau: Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như:

Chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động...

Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của DN…

Cách tính thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp năm 2021

Mức thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp năm 2021 được quy định tại Điều 11 của Thông tư số 78/2014/TT-BTC. Theo đó, mức thuế suất áp dụng cho tất cả các Doanh nghiệp được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam là 20%.

Tại Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ, hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thêm một khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp.

Nghị định số 44/2021/NĐ-CP áp dụng đối với tổ chức, Doanh nghiệp nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp có khoản chi ủng hộ, tài trợ (bằng tiền, bằng hiện vật) cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam và các khoản chi ủng hộ, tài trợ này phải được gửi thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ.

Chi phí phát sinh liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nên chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Các hoạt động sản xuất, cung ứng và lưu chuyển thương mại, hàng không, du lịch, lao động và việc làm bị đình trệ, gián đoạn. Doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều Doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến còn phức tạp, các Doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phát sinh một số chi phí để hỗ trợ và tuân thủ yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong đó bao gồm các khoản chi phí sau:

Chi phí cách ly tập trung cho các chuyên gia nước ngoài; Chi phí xét nghiệm khám, điều trị cho các chuyên gia nước ngoài; Chi cho người lao động bị ảnh hưởng trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19; Chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; Chi phí khấu hao tài sản cố định tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Ngày 26/11/2020, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 5032/TCT-CS về chi phí cách ly phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của chuyên gia nước ngoài cho mục đích thuế Thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Trong đó, hướng dẫn cụ thể, đối với các chi phí phát sinh cho chuyên gia người nước ngoài nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như: chi phí cách ly tai khách sạn, chi phí mua vé máy bay, chi phí xét nghiệm Covid-19, nếu thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về thuế Thu nhập doanh nghiệp (Thông tư số 78/2014/ TT-BTC, Thông tư số 96/2015/TT-BTC) và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán, sẽ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp

Trường hợp trong đợt dịch Covid-19, Doanh nghiệp có phát sinh một số khoản chi như mua khẩu trang, nước sát khuẩn, một số phụ kiện bảo hộ và chi xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm cho nhân viên để phòng ngừa lây nhiễm vi rút Covid-19… nếu khoản chi ghi rõ tên cá nhân hưởng thì khoản chi này tính vào thu nhập chịu thuế Thu nhập cá nhân; nếu khoản chi không ghi rõ tên cá nhân hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế Thu nhập cá nhân.

Các khoản chi trên là các khoản chi trực tiếp cho người lao động ngoài các khoản chi lương thưởng đã thỏa thuận và phù hợp với quy định của pháp luật nhằm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động được xác định là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng quy định tại Khoản 1, Điều 4 Thông tư số 96/2015/ TT-BTC nêu trên và tổng số chi có tính chất phúc lợi không quá 1 tháng lương bình quân thực tế trong năm tính thuế của Doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2014), Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19;

3. Bộ Tài chính (2015), Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014, Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính;

4. Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;

Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 09 7117 4040

Cùng chuyên mục