Bạo lực gia đình bị xử phạt như thế nào? (Công ty luật tại Tân Bình)

12/07/2022 - 1190 lượt xem

Bạo lực gia đình luôn là một đề tài nóng bỏng của xã hội, sau những cuộc bạo lực gia đình đã để lại những hậu quả, những mất mát thậm chí có những hậu quả khi nhận ra đã quá muộn màng và không thể cứu vãn. Để xã hội ngày càng phát triển và văn minh, pháp luật đã sớm ghi nhận những “vết thương” do bạo lực gây ra cho từng cá thể, từ đó đưa ra những chế tài nhằm điều chỉnh các vấn đề về bạo lực.

-Căn cứ pháp lý:

Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007

Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021

-Nội dung:

Hành vi bạo lực gia đình

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, các hành vi bạo lực bao gồm:

-Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng.

-Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

-Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng.

-Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.

-Cưỡng ép quan hệ tình dục.

-Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.

-Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình.

-Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính.

-Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Chế tài áp dụng cho hành vi bạo lực gia đình

Mức xử phạt hành chính đối với hành vi bạo lực gia đình:

Tại khoản 1 Điều 42 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định:

Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 52 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP về hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.”

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;

b) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này.

Nếu hậu quả của hành vi bạo lực gia đình gây ra thương tích nặng đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cơ quan cảnh sát điều tra có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành.

Xử lý thế nào khi bản thân gặp phải tình trạng bạo lực gia đình

Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007, quy định về phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình:

1. Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.

2. Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình.

Như vậy, khi phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực và ngược lại các cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình.

Trường hợp người có hành vi bạo lực tiếp tục uy hiếp, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình

Người có hành vi bạo lực gia đình lại tiếp tục uy hiếp, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình, đối với trường hợp này, tùy theo mức độ nạn nhân có thể lựa chọn các cách sau để bảo vệ bản thân cũng như sức khỏe và tính mạng của mình:

-Yêu cầu chủ tịch UBND xã hoặc Tòa án ra quyết định cấm tiếp xúc với người có hành vi bạo lực theo Khoản 1 Điều 20 và Khoản 1 Điều 21 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007.

-Tùy theo mức độ, nạn nhân có thể tố cáo hành vi theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.

Công ty Luật HT Legal VN – Hotline: 096161.4040 – 094517.4040

 

Hà Nữ