BẢO VỆ QUYỀN SỬ DỤNG HÌNH ẢNH CÁ NHÂN (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

04/01/2024 - 801 lượt xem

Thế kỷ 21 là kỷ nguyên hiện đại số với hàng loạt hình ảnh được chia sẻ và tiếp cận hàng triệu người trong một khoảng thời gian ngắn. Song hành với lợi ích, sự nhanh chóng này cũng đồng thời dẫn đến nguy cơ hình ảnh cá nhân, tổ chức dễ dàng bị xâm phạm hơn bao giờ hết.

Việc sử dụng hình ảnh theo chiều hướng tiêu cực thường phục vụ cho mục đích bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức trong hình ảnh.

Như vậy, bảo vệ quyền sử dụng hình ảnh cá nhân trở thành mối quan tâm trong thế giới hiện đại. Thông qua bài viết này, HT Legal VN cung cấp thông tin pháp lý để Quý khách hàng có thể chủ động bảo vệ quyền lợi của bản thân.

Cơ sở pháp lý:

- Bộ luật Dân sự năm 2015;

- Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;

- Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Nội dung:

1. Đối với hình ảnh cá nhân, cá nhân có quyền gì ?

Quyền của cá nhân đối với hình ảnh được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015:

- Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

- Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

- Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Về việc sử dụng hình ảnh với mục đích thương mại, có thể hiểu như sau:

Theo Khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005, hoạt động thương mại được hiểu là: “… hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.” Cho nên, mục đích thương mại có thể hiểu là mục đích nhằm sinh ra lợi nhuận về kinh tế hoặc các lợi ích khác. Ví dụ: Người chơi tham gia chương trình truyền hình/ người vô tình bị chụp ảnh và hình ảnh được đem lên mạng xã hội để trang mạng đó được nổi tiếng, …

2. Hình ảnh cá nhân được sử dụng mà không cần sự đồng ý của chính cá nhân đó khi nào?

Nếu rơi vào các trường hợp dưới đây, hình ảnh cá nhân được sử dụng mà không cần sự đồng ý của chính cá nhân đó hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó:

- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng: bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Một số ví dụ: Hình ảnh của quân nhân trong lễ duyệt binh, hình ảnh của vận động viên, khán giả trên khán đài.

3. Khi bị sử dụng hình ảnh cá nhân trái phép, cá nhân có thể làm gì?

Vì cá nhân có quyền sử dụng hình ảnh nên khi hình ảnh bị sử dụng trái phép, cá nhân có quyền:

- Buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh.

- Bồi thường thiệt hại do hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân trái phép (nếu có).

Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại số ngày nay, việc tìm kiếm người sử dụng hình ảnh cá nhân trái phép là không hề dễ dàng. Và, cá nhân cũng rất khó thực hiện những hành động nêu trên nếu như người này không hợp tác. Trong trường hợp này, cá nhân có thể liên hệ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm xử lý vụ việc, bao gồm:

- Tòa án theo khoản 3 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015;

- Cơ quan Công an theo điểm e, khoản 3, điều 102, khoản 2 Điều 120 Nghị định 15/2020/NĐ-CP;

Đối với hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”, người vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng theo khoản 3 Điều 4, điểm e, khoản 3, điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Thẩm quyền xử phạt thuộc về các đơn vị công an nhân dân theo khoản 2 Điều 120 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

- Cơ quan Công an theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017

- Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi sử dụng hình ảnh trái phép gây ảnh hưởng lớn đến xã hội, nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bị sử dụng hình ảnh, các cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hành vi này theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể Điều 155 quy định về Tội làm nhục người khác. Đối với tội danh này, khung hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Nếu có nhu cầu tư vấn, vui lòng liên hệ: Luật sư chuyên tư vấn lĩnh vực sở hữu trí tuệ

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

Trụ sở chính: 207B Nguyễn Phúc Chu, Phường 15, quận Tân Bình, Tp. HCM.

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, Phường 22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22).

VP2: Số 5 Ngách 252/115 phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội
Email: info@htlegalvn.com      Hotline: 0961614040 – 0922224040

Nhu Quynh
Theo HT Legal VN