MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ĐĂNG KÝ SÁNG CHẾ (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

29/12/2023 - 1214 lượt xem

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên

Để được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với Sáng chế thì cá nhân hoặc tổ chức phải được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Văn bằng bảo hộ. Quyền sở hữu công nghiệp đối với Sáng chế được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ theo thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế. Do đó, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ về một số vấn đề liên quan đến đăng ký sáng chế trong bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022).

Nội dung:

1. Điều kiện để sáng chế được bảo hộ

Đối với sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế cần đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ như sau:

- Có tính mới;

- Có trình độ sáng tạo;

- Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Đối với sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường cần đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ như sau:

- Có tính mới;

- Có khả năng áp dụng công nghiệp.

2. Đối tượng có quyền đăng ký sáng chế

Căn cứ theo khoản 1 Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ, đối tượng có quyền đăng ký sáng chế gồm:

- Tác giả tạo ra sáng chế bằng công sức và chi phí của mình;

- Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, tổ chức, cá nhân được giao quản lý nguồn gen cung cấp nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen theo hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc trường hợp quyền đăng ký sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại Điều 86a Luật này.

Lưu ý:

- Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

- Tổ chức, cá nhân trên có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.

3. Thủ tục đăng ký sáng chế

Bước 1: Tra cứu khả năng bảo hộ của sáng chế

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký theo quy định tại khoản 1 Điều 100 và Điều 102 Luật Sở hữu trí tuệ như sau:

- Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;

- Bản mô tả sáng chế và yêu cầu bảo hộ sáng chế;

- Bản tóm tắt sáng chế;

- Tài liệu xác nhận quyền đăng ký nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký của người khác;

- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;

- Tài liệu thuyết minh về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen trong đơn đăng ký sáng chế, đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen;

- Chứng từ nộp phí, lệ phí;

- Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện).

Bước 3: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Bước 4: Thẩm định hình thức đơn sáng chế

- Trường hợp đơn hợp lệ: Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;

- Trường hợp đơn không hợp lệ: Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 02 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót/sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu/không có ý kiến phản đối/ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.

Bước 5: Công bố đơn đăng ký sáng chế

Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

Bước 6: Thẩm định nội dung đơn sáng chế

- Được tiến hành khi có yêu cầu thẩm định nội dung;

- Thời hạn nộp yêu cầu thẩm định nội dung: 02 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký bằng sáng chế. Nếu trong thời hạn quy định nêu trên, không có yêu cầu thẩm định thì đơn được coi như đã rút tại thời điểm kết thúc thời hạn đó.

Bước 7: Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ

- Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;

- Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sáng chế và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.

Bước 8: Duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam

Để duy trì hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí duy trì hiệu lực hàng năm.

Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về một số vấn đề liên quan đến đăng ký sáng chế. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ Luật sư chuyên sở hữu trí tuệ

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

Van Anh
Theo HT Legal VN