LƯU Ý QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ YẾU TỐ XÂM PHẠM QUYỀN ĐỐI VỚI KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP VÀ NHÃN HIỆU (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

02/01/2025 - 71 lượt xem

Khoản 1 Điều 76 Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định: “Yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp là sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp mà hình dáng bên ngoài không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.”

LƯU Ý QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ YẾU TỐ XÂM PHẠM QUYỀN ĐỐI VỚI KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP VÀ NHÃN HIỆU

(CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

 

Trong thời đại kinh tế tri thức, quyền sở hữu trí tuệ được xem là một loại tài sản vô hình vô cùng quý giá của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Quyền sở hữu công nghiệp (một loại quyền sở hữu trí tuệ) gồm: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.

Trong đó kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định bản sắc, tạo dựng uy tín và cạnh tranh trên thị trường của chủ sở hữu. Tuy nhiên, việc xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu như "đạo nhái" đang diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế cho các chủ sở hữu. 

Trong phạm vi bài viết này, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ đến quý khách hàng một số quy định pháp luật liên quan về yếu tố bị cho là xâm phạm đến quyền đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu.

I. Cơ sở pháp lý:

- Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022);

- Nghị định 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp

II. Nội dung 

1. Đối với quyền sở hữu công nghiệp về kiểu dáng công nghiệp

a. Khái niệm

Khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy định: 

"Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp."

Để trở thành chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp: Cá nhân, tổ chức phải được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp hoặc có kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký quốc tế được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

b. Yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp

Khoản 1 Điều 76 Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định:

“Yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp là sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp mà hình dáng bên ngoài không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.

- Căn cứ xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp:

+ Phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được xác định theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp

+ Quyết định chấp nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế hoặc bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.

- Những sản phẩm, phần sản phẩm bị coi là yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Trên sản phẩm hoặc phần sản phẩm bị xem xét, kể cả trường hợp đã được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, có tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao (gần như không thể phân biệt được sự khác biệt) của kiểu dáng công nghiệp của chủ sở hữu khác đã được bảo hộ mà không được sự đồng ý của người đó.

+ Trên sản phẩm hoặc phần sản phẩm bị xem xét có tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao của kiểu dáng công nghiệp của ít nhất một sản phẩm trong bộ sản phẩm được bảo hộ của người khác.

2. Đối với quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu

a. Khái niệm:

Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ:

"Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau."

b. Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu

Khoản 1 Điều 77 Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định:

“Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là dấu hiệu gắn với hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ.”

- Căn cứ xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu

+ Phạm vi bảo hộ nhãn hiệu, gồm mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ được xác định tại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc Giấy xác nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam hoặc bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp hoặc thông qua việc đánh giá chứng cứ chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ.

- Điều kiện để khẳng định có yếu tố xâm phạm 

Chỉ có thể khẳng định có yếu tố xâm phạm khi đáp ứng cả hai điều kiện sau đây:

+ Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo và cách thức thể hiện; một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số thành phần hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc đối với dấu hiệu nhìn thấy được, nhạc điệu, âm điệu đối với dấu hiệu âm thanh và việc sử dụng dấu hiệu có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

+ Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ; hoặc có mối liên quan với nhau về bản chất hoặc chức năng hoặc phương thức thực hiện.

- Đối với nhãn hiệu nổi tiếng, dấu hiệu bị nghi ngờ bị coi là yếu tố xâm phạm

+ Dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 3 Điều này

+ Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản 3 Điều này hoặc hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự, không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Trên đây là những chia sẻ pháp lý của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu. Hy vọng bài viết sẽ mang lại thông tin hữu ích, giúp bạn nắm rõ các quy định để tránh xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu. 

 

Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh 

VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: [email protected]          Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Tú Quyên
Theo HT Legal VN