Hiện nay, nhu cầu sử dụng người lao động làm việc không trọn thời gian (hay còn gọi là nhân viên part-time) ngày càng trở nên phổ biến đối với người sử dụng lao động bởi các lợi ích như sự linh hoạt trong sắp xếp, tổ chức lao động, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. Theo đó, trong bài viết này, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin gửi đến quý khách một số thông tin chung liên quan vấn đề hợp đồng và bảo hiểm đối với những người lao động làm việc không trọn thời gian như sau:
I. Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật lao động 2019;
- Luật Bảo hiểm xã hội 2014;
- Luật Việc làm 2013;
- Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/01/2022 (“Nghị định 12/2022/NĐ-CP”);
- Quyết định 595/QĐ-BHXH do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành ngày 14/04/2017 (“Quyết định 595/QĐ-BHXH”).
II. Nội dung:
1. Định nghĩa về người lao động làm việc không trọn thời gian
Người lao động làm việc không trọn thời gian được định nghĩa tại quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật lao động 2019 như sau:
“1. Người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.”
Trong đó, “thời giờ làm việc bình thường” được quy định tại Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 là không quá 8 giờ/ngày hoặc không quá 10 giờ/ngày (trường hợp quy định thời giờ làm việc theo tuần). Tuy nhiên, dù quy định thời giờ làm việc theo ngày hay theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường của người lao động mỗi tuần sẽ không vượt quá 48 giờ.
Như vậy, người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ít hơn thời giờ làm việc bình thường nêu trên.
2. Nghĩa vụ ký hợp đồng lao động đối với người lao động làm việc không trọn thời gian:
Theo quy định tại Điều 32.3 của Bộ luật Lao động 2019, “người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương; bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”.
Dựa theo nguyên tắc trên, các quy định về hợp đồng lao động của người lao động làm việc không trọn thời gian cũng sẽ được áp dụng tương tự như người lao động làm việc trọn thời gian.
Nghĩa vụ ký hợp đồng lao động được quy định tại Điều 13 và Điều 14 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
“Điều 13. Hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
2. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.”
“Điều 14. Hình thức hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này.”
Dựa trên các quy định trên, có thể hiểu rằng, trước khi nhận người lao động làm việc không trọn thời gian vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Đồng thời, hình thức của hợp đồng lao động phải là bằng văn bản và không được giao kết bằng lời nói đối với các hợp đồng có thời hạn từ 01 tháng trở lên.
3. Nghĩa vụ đóng bảo hiểm đối với người lao động làm việc không trọn thời gian:
Quy định chung về nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động được quy định tại Điều 186 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
“Điều 168. Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động tham gia các hình thức bảo hiểm khác đối với người lao động.
2. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.”
- Vấn đề đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động làm việc không trọn thời gian được quy định tại Điều 2.1 và Điều 85.3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.”
“Điều 85. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
3. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.”
Như vậy, người lao động làm việc không trọn thời gian sẽ được đóng bảo hiểm xã hội với 02 điều kiện:
(i) Hợp đồng lao động của họ có thời hạn từ đủ 01 tháng; và
(ii) Thời gian làm việc trong tháng phải từ 14 ngày làm việc trở lên.
- Đối với bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, hợp đồng lao động của người lao động làm việc không trọn thời gian phải có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên theo quy định tại Điều 17.1.1 của Quyết định 595/QĐ-BHXH và Điều 43.1(c) Luật Việc làm 2013.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, mức lương để tính các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được quy định là “mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.” (Điều 6.2.6, Điều 18.1 của Quyết định 595/QĐ-BHXH).
Tuy nhiên, người lao động làm việc không trọn thời gian thường thường được hưởng mức lương tính theo giờ. Trong một số trường hợp, nếu tổng lương tính theo giờ của tháng đó không không đạt đến mức lương tối thiểu vùng, người sử dụng lao động sẽ không có nghĩa vụ phải đóng bảo hiểm cho người lao động làm việc không trọn thời gian đó.
4. Rủi ro pháp lý nếu không thực hiện ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm theo quy định cho người lao động làm việc không trọn thời gian:
Mức phạt đối với hành vi không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động làm việc không trọn thời gian được quy định tại Điều 9.1, 9.3 và Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
“Điều 9. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên; giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng cho nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật Lao động; giao kết không đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động khi có hành vi giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên quy định tại khoản 1 Điều này;”
“Điều 6. Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Chương V Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân.”
Như vậy, mức phạt tiền sẽ từ 2.000.000 đồng đến tối đa 25.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 4.000.000 đồng đến tối đa 50.000.000 đồng đối với tổ chức, tùy theo mức độ vi phạm thể hiện qua số lượng người lao động.
Ngoài ra, quy định tại Điều 39.5 và Điều 39.7 Nghị định 12/2022/NĐ-CP cũng quy định mức xử phạt hành vi không đóng bảo hiểm và trốn đóng bảo hiểm như sau như sau:
“6. Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.” (Tương ứng mức phạt tối đa cho tổ chức là 150.000.000 đồng).
“7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;” (Tương ứng mức phạt tối đa cho tổ chức là từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng).
Đồng thời, người sử dụng lao động cũng sẽ bị áp dụng các biện pháp khác phục hậu quả như buộc đóng lại và nộp lãi theo quy định tại Điều 39.10 Nghị định trên.
Trên đây là bài viết tư vấn vấn đề có cần ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm cho người lao động không trọn thười gian không. Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẵn sàng cung cấp các dịch vụ tư vấn và soạn thảo, rà soát các văn bản và tài liệu lao động, hợp đồng lao động để đảm bảo vấn đề tuân thủ của doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật Việt Nam. Để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22).
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 0161 4040