CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN CÓ ĐƯỢC TỪ CHỐI TIẾN HÀNH HÒA GIẢI TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI HAY KHÔNG? (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

14/03/2023 - 843 lượt xem

Nhiều trường hợp các bên xảy ra tranh chấp đất đai, có yêu cầu tổ chức hòa giải đến ủy ban nhân dân cấp xã nơi mà có phần đất đang tranh chấp. Tuy nhiên, thực tiễn lại cho thấy nhiều trường hợp ủy ban nhân dân cấp xã từ chối và không tiến hành tổ chức hòa giải cho các bên. Vậy vấn đề đặt ra là Ủy ban nhân dân cấp xã có được quyền từ chối tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai không? Để giải đáp thắc mắc này, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ đến Quý Khách hàng cụ thể nội dung như sau:

Cơ sở pháp lý:

- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Luật Đất đai năm 2013;

- Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 05 năm 2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Nội dung

1. Hòa giải là gì? Vì sao cần phải tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai?

Hòa giải tranh chấp đất đai được hiểu khái quát đó giải quyết tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hay nhiều người sử dụng đất thông qua con đường đối thoại, thỏa thuận, thương lượng. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, sửa đổi bổ sung năm 2018 (sau đây xin gọi là Luật Đất đai), hòa giải tranh chấp đất đai được chia làm ba nhóm lần lượt đó là (1) Tự hòa giải (2) Hòa giải cơ sở và (3) Hòa giải tranh chấp đất đai tại cơ quan có thẩm quyền.

(1) Đối với tự hòa giải, dựa theo quy định tại khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai. Thì có thể hiểu là việc các bên trong quan hệ tranh chấp tự dàn xếp để thỏa thuận, thương lượng, đối thoại với nhau để đi đến sự thống nhất giải quyết tranh chấp mà không có sự can thiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Ủy ban nhân dân cấp xã, huyện, tỉnh hay Tòa án hay thông qua cơ chế hòa giải cơ sở theo Luật Hòa giải cơ sở năm 2013.

(2) Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Hòa giải cơ sở năm 2013. Có thể hiểu hòa giải cơ sở về tranh chấp đất đai tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác; đó chính là việc Hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hay nhiều người sử dụng đất. Hay nói cách khác là các bên trong tranh chấp đi đến thỏa thuận, thống nhất giải quyết tranh chấp đất đai theo hướng dẫn, giúp đỡ của hòa giải mà không thông qua các thiết chế quyền lực nhà nước như Ủy ban nhân dân hay Tòa án nhân dân.

(3) Loại hòa giải cuối cùng được đề cập đến trong Luật Đất đai đó chính là hòa giải thông qua cơ quan nhà nước là Ủy ban nhân dân cấp xã. Đây là một loại hòa giải mang tính quan trọng, được tiến hành bởi cơ quan hành chính  nhà nước là Ủy ban nhân dân cấp xã. Loại hòa giải này là một thủ tục tiền tố tụng làm căn cứ cho việc có hay không khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án.

Nhìn chung, dù là loại thủ tục hòa giải nào thì cũng đều phải tuân theo nguyên tắc căn bản của tất cả các thủ tục hòa giải đó là sự tự do, tự nguyện hòa giải của các bên trong giải quyết tranh chấp.

Vấn đề tiếp theo cần đề cập là liệu có bắt buộc tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai hay không? Câu hỏi này có thể trả lời như sau. Đó là tùy vào loại hòa giải mà pháp luật sẽ có những quy định khác nhau.

Đối với tự hòa giải và hòa giải cơ sở, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai với hai hình thức này Nhà nước chỉ khuyến khích các bên trong tranh chấp thực hiện mà không mang tính ép buộc.

Riêng đối với hòa giải tại ủy ban nhân dân cấp xã, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 202 và Điều 202 Luật Đất đai, căn cứ quy định tại Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 4 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/05/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Để được tiến hành giải quyết tranh chấp đất đai thông qua con đường tố tụng thì trước đó phải tranh chấp này phải được tiến hành thủ tục tiền tố là hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

Vậy, cần phải hòa giải tranh chấp đất tại Ủy ban nhân dân cấp xã bởi vì đây là thủ tục bắt buộc để tranh chấp có thể được giải quyết bằng con đường tố tụng tại tòa án.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã có hay không quyền được từ chối hòa giải tranh chấp đất đai hay không?

Căn cứ quy định tại khoản 1, 2 Điều 202 Luật Đất đai, theo quy định nhà nước có chính sách để các bên tự thỏa thuận hòa giải với nhau để giải quyết tranh chấp, trong trường hợp không tự hòa giải được với nhau thì có thể tiến hành hòa giải tại ủy ban nhân dân cấp xã nơi mà có đất đang tranh chấp. Trình tự thủ tục, thời gian tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã được quy định một cách chặt chẽ tại Điều 88 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung năm 2020 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Đất đai 2013 sửa đổi, bổ sung năm 2018.

Về nguyên tắc, công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm, còn cán bộ, công chức, viên chức chỉ được làm những gì mà pháp luật quy định, nếu Ủy ban nhân dân xã muốn từ chối tiến hành hòa giải thì phải viện dẫn được căn cứ, cơ sở pháp lý để từ chối. Tuy nhiên, với thủ tục hòa giải tranh chấp Luật Đất đai và các Nghị định được ban hành để hướng dẫn Luật Đất đai lại không có bất kỳ điều khoản nào quy định về các trường hợp được quyền từ chối tiến hành hòa giải.

Do không có bất kỳ quy định nào cho phép Ủy ban nhân dân cấp xã từ chối yêu cầu về hòa giải về tranh chấp đất đai. Hơn nữa, đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện ra Tòa án. Do vậy, khi ủy ban nhân dân cấp xã từ chối tiến hành hòa giải vì bất kỳ lý do gì đi chăng nữa thì đều bị xem là hành vi trái pháp luật.

Nên từ đó có thể khẳng định Ủy ban nhân dân cấp xã không được quyền từ chối tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai khi có yêu cầu từ phía người đang có tranh chấp.

Trên đây là một số nội dung chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về vấn đề từ chối tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân cấp xã. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040

 

Quoc Huynh
Theo HT

Cùng chuyên mục