QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM? NGƯỜI VIỆT NAM CÓ QUYỀN MUA LẠI NHÀ Ở CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI KHÔNG? (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

03/12/2024 - 158 lượt xem

1) Người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở thông qua việc (sở hữu trực tiếp): Mua, thuê mua nhà ở thương mại của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở; Nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở không thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định tại Điều 16 của Luật này...

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM? NGƯỜI VIỆT NAM CÓ QUYỀN MUA LẠI NHÀ Ở CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI KHÔNG?

(CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

 

Với sự phát triển xã hội ngày nay, nhu cầu về nhà ở của người dân ngày càng tăng cao, vì nhà ở không chỉ là tài sản có giá trị lớn của mỗi gia đình, cá nhân mà nó còn được coi là điều kiện cần thiết thứ ba chỉ sau ăn, mặc giúp con người có thể yên tâm lao động, sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Với xu hướng hội nhập quốc tế, lĩnh vực lao động được quốc tế hoá không chỉ giới hạn trong mỗi quốc gia, do đó nhu cầu sỏ hữu nhà ở của người nước ngoài tại quốc gia nơi mình làm việc/muốn sinh sống cũng tăng. 

Vậy câu hỏi đặt ra là “Quy định pháp luật về quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam như thế nào? Người Việt Nam có quyền mua lại nhà ở của người nước ngoài không?” Bài viết dưới đây Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẽ một số quy định pháp luật về vấn đề này.

I. Căn cứ pháp lý 

- Luật Nhà ở 2023;

- Nghị định số 95/2024 ngày 24 tháng 7 năm 2024 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.

II. Nội dung

1. Người nước ngoài phải đáp ứng những gì để được sở hữu nhà ở Việt Nam? 

Căn cứ theo điểm Điều 8 Luật Nhà ở 2023, người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. 

Điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ thông qua hai hình thức sau đây:

1) Người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở thông qua việc (sở hữu trực tiếp): Mua, thuê mua nhà ở thương mại của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở; Nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở không thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định tại Điều 16 của Luật này;
2) Người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, không thuộc trường hợp được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật được sở hữu nhà ở thông qua việc (Sở hữu gián tiếp):

- Mua, thuê mua nhà ở của cá nhân nước ngoài đã sở hữu nhà ở thuộc hình thức 1) nêu trên; hoặc

- Mua, thuê mua nhà ở của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài) đã sở hữu nhà ở thông qua việc mua, thuê mua nhà ở thương mại của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoặc đã nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở không thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định tại Điều 16 của Luật này.

 

2. Số lượng nhà ở mà người nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam

Căn cứ theo Điều 19 Luật Nhà ở quy định cá nhân nước ngoài đáp ứng điều kiện về sở hữu nhà ở tại Việt Nam:

- Đối với căn hộ chung cư: chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư

- Đối với nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có quy mô về dân số tương đương một phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà.

Trường hợp trong một khu vực có số dân tương đương một phường mà có nhiều nhà chung cư hoặc đối với nhà ở riêng lẻ trên một tuyến phố thì cá nhân nước ngoài được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá số lượng căn hộ, số lượng nhà ở riêng lẻ quy định tại khoản 1 Điều này.

 

3. Quyền của chủ sở hữu nhà ở là người nước ngoài

Căn cứ theo Điều 20 Luật Nhà ở 2023, người nước ngoài đáp ứng điều kiện sở hữu nhà ở tại Việt Nam có quyền của chủ sở hữu đối với nhà ở như công dân Việt Nam nhưng phải tuân thủ các quy định sau:

- Chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu nhà ở theo đúng số lượng quy định tại Mục 2 và được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó;

- Trường hợp được tặng cho, được thừa kế nhà ở không thuộc trường hợp quy định tại hình thức sở hữu số 1) nêu tại Mục 1 trên hoặc vượt quá số lượng nhà ở quy định tại Mục 2 hoặc thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc phòng thì không được sở hữu nhà ở mà chỉ được hưởng giá trị của nhà ở;

- Được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong giao dịch mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở nhưng không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và được gia hạn một lần với thời hạn không quá 50 năm nếu có nhu cầu; thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong Giấy chứng nhận.

Lưu ý:

  • Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam thì được sở hữu nhà ở và có quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam (thời hạn sở hữu ổn định, lâu dài).
  • Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được sở hữu nhà ở và có quyền của chủ sở hữu nhà ở như người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

- Trước khi hết thời hạn sở hữu nhà ở theo quy định trên, chủ sở hữu có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện quyền tặng cho hoặc bán nhà ở này cho đối tượng thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; nếu quá thời hạn được sở hữu mà chủ sở hữu không bán, tặng cho thì nhà ở đó thuộc tài sản công;

Trường hợp bên được tặng cho, mua nhà ở là tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch thì có quyền như chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở.

 

4. Nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở là người nước ngoài

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Nhà ở:

- Được cho thuê nhà ở để sử dụng vào mục đích mà pháp luật không cấm nhưng trước khi cho thuê nhà ở, chủ sở hữu phải có văn bản thông báo về việc cho thuê nhà ở với cơ quan quản lý nhà ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) nơi có nhà ở theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và phải nộp thuế từ hoạt động cho thuê nhà ở này theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam thì có nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.

Trường hợp người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì có nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở như người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

- Thực hiện thanh toán tiền mua, thuê mua nhà ở thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam

- Trong trường hợp cá nhân nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quyết định buộc xuất cảnh hoặc trục xuất do vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam trong sử dụng nhà ở thuộc sở hữu của mình thì nhà ở này bị xử lý theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

1

5. Vậy Người Việt Nam có thể mua lại nhà của người nước ngoài hay không?

Theo các quy định đã được trình bày ở trên, pháp luật không giới hạn quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam mà chỉ giới hạn quyền và điều kiện đối với người nước ngoài khi muốn sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Do đó, người Việt Nam hoàn toàn có quyền mua lại nhà ở của người nước ngoài nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, theo các quy định nêu trên, dù người nước ngoài bị giới hạn về thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhưng khi chuyển nhượng cho người Việt Nam thì có quyền sở hữu nhà ở như quyền cua Chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân trong nước, không bị giới hạn thời hạn sở hữu trước đó.

Trên đây là một số chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về: “Một số quy định pháp luật về quyền sở hữu nhà ở của Người nước ngoài? Người Việt Nam có quyền mua lại nhà ở của người nước ngoài không?”. Trường hợp Quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào hay cần tư vấn, hãy liên hệ đến chúng tôi.

 

Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh 

VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: info@htlegalvn.com          Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Lan Anh
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục