Độ tuổi cho phép kết hôn? và Hình phạt đối với hành vi kết hôn với người không đủ tuổi

11/01/2021 - 1487 lượt xem

Độ tuổi cho phép kết hôn? và Hình phạt đối với hành vi kết hôn với người không đủ tuổi

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Hôn nhân và Gia đình 2014;
  • Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Giải đáp:

Để tiến đến hôn nhân hợp pháp, không chỉ phụ thuộc vào yếu tố tình cảm giữa hai người mà còn phải đáp ứng đủ các yếu tố khác của pháp luật. Trong đó, độ tuổi kết hôn là một trong các điều kiện cơ bản nhất. Hiện nay, tỷ lệ kết hôn sớm vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn, nguyên nhân của tình trạng đó như: ép cưới, gả hay các hủ tục lạc hậu ở một số địa phương mà thời gian qua chúng ta đã chứng kiến.Vậy độ tuổi nào được pháp luật cho phép để kết hôn? Nếu kết hôn mà chưa đủ tuổi thì có bị xử phạt hay không?

Vấn đề thứ nhất, độ tuổi nào được pháp luật cho phép kết hôn?

Điểm a, khoản 1, Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:

“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

  1. Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;”

Vậy theo pháp luật hiện hành, độ tuổi để đủ điều kiện kết hôn hợp pháp của nam là ĐỦ 20 tuổi, nữ ĐỦ 18 tuổi. Điều cần chú ý ở đây là các độ tuổi này phải đáp ứng “đủ”, tức phải đủ ngày, đủ tháng và đủ năm đạt độ tuổi này.

Vấn đề thứ hai, nếu kết hôn mà chưa đủ tuổi thì có bị xử phạt hay không?

Khoản 8, Điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:

“8. Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 8 Luật này.”

Trong đó điểm a,  Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình đã dẫn chứng ở trên (Nam đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi)

Quy định tại Điều 58, Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp ; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình ; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã:

“Điều 58. Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn:

  1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn;
  2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”

Có thể thấy, thực hiện kết hôn nhưng không đủ độ tuổi theo luật định được xem là tảo hôn. Và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với người tổ chức cho người chưa đủ tuổi kết hôn và đối với người duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn.

Ngoài ra, nếu kết hôn với người dưới 16 tuổi hay 13 tuổi mà sau đó thực hiện giao cấu thì còn tùy trường hợp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu với trẻ em.

Hỏi: Chào các luật sư, tôi có vấn đề sau nhờ các Luật sư tư vấn giúp tôi:

Cháu tôi là nam (23 tuổi), trong khoảng thời gian đi học đại học thì cháu tôi có yêu một bạn nữ 16 tuổi. Hai cháu và gia đình có nguyện vọng cho hai cháu kết hôn do cháu trai tôi cũng đã lớn tuổi. Vậy xin hỏi hai cháu tôi được kết hôn không? Trường hợp không được kết hôn thì hai cháu có thể làm lễ kết hôn trước, sau khi đủ điều kiện mới thực hiện đăng ký kết hôn thì có bị xử phạt hay không?

Đáp:

  1. Theo luật hiện hành, hai cháu của bạn có được kết hôn không?

Như đã phân tích ở phần lý luận cũng như căn cứ pháp lý phía trên.

Theo Điểm a, khoản 1, Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:

“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

  1. Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;”

            Vậy, cháu trai bạn đã đủ tuổi kết hôn (đủ 20 tuổi), nhưng bạn nữ chưa đủ tuổi để kết hôn theo quy định của pháp luật (chưa đủ 18 tuổi). Vì vậy hai người không thể kết hôn hợp pháp và không được pháp luật công nhận và bảo vệ quan hệ hôn nhân này.

  1. Trường hợp không được kết hôn thì hai cháu có thể làm lễ kết hôn trước, sau khi đủ điều kiện mới thực hiện đăng ký kết hôn thì có bị xử phạt hay không?

Hai cháu của bạn không đủ điều kiện kết hôn về độ tuổi, vì vậy nếu vẫn thực hiện kết hôn thì sẽ bị xử phạt:

  • Đối với người tổ chức cho hai cháu kết hôn khi chưa đủ tuổi:

Bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 1 Điều 58, nghị định 82/2020/NĐ-CP: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn;”

Bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục thực hiện việc tổ chức tảo hôn nêu trên thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại:

Điều 183, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

  • Đối với người duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi:

Trong trường hợp sau khi có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên quan hệ hôn nhân giữa hai cháu là trái pháp luật nhưng hai cháu vẫn sống chung như vợ chồng thì cháu trai có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2, Điều 58, Nghị định 82/2020/NĐ-CP: “1. [...]; 2.Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”

Tóm lại, mặc dù cháu trai bạn đã đủ tuổi kết hôn, nhưng bạn gái của cháu trai bạn vẫn chưa đủ tuổi. Vì vậy gia đình bạn nên chờ để cả hai cháu cùng đủ tuổi- thỏa điều kiện cần thiết thì mới tiến hành kết hôn để tránh những hậu quả pháp lý nêu trên cũng như kết hôn hợp pháp để được pháp luật công nhận và bảo vệ quan hệ hôn nhân.

Trên đây là giải đáp của chúng tôi trong phạm vi các dữ liệu mà bạn cung cấp.

Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 09.7117.4040

 

HT LEGAL VN

Cùng chuyên mục