DOANH NGHIỆP CẦN LÀM GÌ KHI XỬ LÝ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP HỒ CHÍ MINH)

28/08/2022 - 1144 lượt xem

Tranh chấp lao động hiện diễn ra khá phổ biến, tuy nhiên không phải Doanh nghiệp nào cũng thật sự lưu ý cách giải quyết các vấn đề lao động cho đúng quy định pháp luật mà thường thực hiện theo thói quen hoặc theo hướng dẫn của những người không có chuyên môn, dẫn đến nhiều trường hợp kỷ luật người lao động trái quy định pháp luật và phải bồi thường thiệt hại, vừa đánh mất nhiều thứ không đáng có.

Là đơn vị có chuyên môn trong lĩnh vực tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp, Công ty Luật HT Legal VN lưu ý Quý Doanh nghiệp rằng, khi người lao động vi phạm kỷ luật lao động có thể bị xử lý thông qua các hình thức xử lý kỷ luật như khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng, cách chức hoặc nặng nhất là sa thải. Tuy nhiên, cần lưu ý xử lý kỷ luật người lao động theo các bước sau: 

Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động (Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 70 Nghị định 145/2020 NĐ-CP):

1. Tiến hành lập biên bản vi phạm

Khi phát hiện người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, người sử dụng lao động tiến hành lập biên bản vi phạm đối với người lao động.

2. Thông báo đến tổ chức đại diện, người đại diện của người lao động

Sau khi lập biên bản, người sử dụng lao động thông báo đến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên, người đại diện theo pháp luật của người lao động chưa đủ 15 tuổi.

3. Thu thập chứng cứ chứng minh lỗi (nếu có)

Trường hợp người sử dụng lao động phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật lao động sau thời điểm hành vi vi phạm đã xảy ra thì phải tiến hành thực thu thập chứng cứ chứng minh lỗi của người lao động.

Đối với những tình huống/vụ việc vi phạm có tình tiết phức tạp, nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh thì người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động.

Việc tạm đình chỉ công việc phải được thông báo và ra quyết định đảm bảo tuân thủ đúng quy định nội bộ của Doanh nghiệp và của pháp luật. Ngoài ra, Doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên để đảm bảo tình và lý khi thực hiện.

4. Thông báo về cuộc họp xử lý kỷ luật lao động

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 123 Bộ luật Lao động 2019 về thời hiệu xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động phải tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động như sau:

- Ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động thông báo các thông tin về cuộc họp xử lý kỷ luật lao động đến các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 , bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp, bao gồm:

+ Nội dung, thời gian, địa điểm tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động;

+ Họ tên người bị xử lý kỷ luật lao động;

+ Hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật lao động.

- Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 phải xác nhận tham dự cuộc họp với người sử dụng lao động. 

Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự không thể tham dự họp theo thời gian, địa điểm đã thông báo thì người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp; trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì người sử dụng lao động quyết định thời gian, địa điểm họp.

5. Họp xử lý kỷ luật lao động

Người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động theo thời gian, địa điểm đã thông báo như tại mục 4. 

Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự họp không xác nhận tham dự cuộc họp hoặc vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động.

Nội dung cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và có chữ ký của người tham dự cuộc họp. Trường hợp có người không ký vào biên bản thì người ghi biên bản nêu rõ họ tên, lý do không ký (nếu có) vào nội dung biên bản.

6. Ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động

Trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động quy định tại khoản 1, 2 Điều 123 Bộ luật Lao động 2019, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động và gửi đến các thành phần phải tham dự quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019.

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, phường 15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

Email: info@htlegalvn.com      Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040

Le Huy
Theo HT Legal VN