Có được thu phí dự tuyển hoặc giữ bản chính giấy tờ của người lao động hay không?
Hỏi:
Chào các luật sư, tôi có vấn đề sau nhờ các luật sư tư vấn giúp tôi. Vào đầu tháng 03/2021 tôi có đến một công ty xin ứng tuyển vào vị trí nhân viên văn phòng thì được yêu cầu phải nộp khoản tiền 100.000 đồng phí dự tuyển. Trong lúc phỏng vấn thì tôi được biết nếu trúng tuyển sẽ nộp các văn bằng, chứng chỉ là bản chính cho công ty để công ty quản lý, khi nào ngừng việc sẽ được trả lại. Tôi thấy những việc mà công ty này làm rất bất hợp lý. Vậy các luật sư cho tôi hỏi, công ty này làm như vậy là đúng hay sai? Xin cảm ơn.
Đáp:
- Căn cứ pháp lý:
Luật Lao động 2019;
Nghị định 28/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Nội dung:
1. Đối với vấn đề công ty tuyển dụng thu tiền phí dự tuyển:
Căn cứ điểm d, Điều 7, Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:
………….
d) Thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động;
…………………
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc trả lại cho người lao động khoản tiền đã thu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, nhà tuyển dụng không được thu tiền ứng tuyển của người dự tuyển, nếu vi phạm sẽ có thể bị phạt từ 1.000.000 đến 3.000.000 cùng với việc bị buộc phải hoàn trả lại số tiền đã thu cho người lao động.
2. Đối với vấn đề công ty yêu cầu giữ bản chính giấy tờ của người lao động:
Khoản 2, 3 Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định:
“2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động;
b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;
c) Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
c) Buộc giao kết đúng loại hợp đồng với người lao động đối với hành vi không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động quy định tại khoản 1 Điều này.”
Việc người sử dụng lao động yêu cầu giữ bản chính giấy tờ, chứng chỉ của người lao động là vi phạm quy định của pháp luật, nếu thực hiện hành vi này công ty có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng và phải hoàn trả cho người lao động tất cả giấy tờ, chứng chỉ bản chính đã thu giữ.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi trong phạm vi thông tin mà bạn cung cấp.
Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 0945174040 - 0961614040