Tranh chấp lao động về Sa thải người lao động vì có hành vi đánh nhau
Tình huống pháp lý: Vào ngày 17/6/2020, Công ty P và ông Danh Quốc T ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Ngày 02/01/2021, hai bên đã ký phụ lục hợp đồng về việc tăng lương từ tháng 01/2021, cụ thể mức lương chính hoặc tiền công tăng từ 2.750.000 đồng/tháng lên 4.310.000 đồng/tháng. Từ tháng 02/2021, ông T được tăng lương lên 4.770.000 đồng/tháng.
Ngày 07/02/2021, tại khu vực Kho vận, ông Hồng Châu Quốc H và ông T thuộc tổ Kho vận, Phòng kinh doanh đã xảy ra tranh cãi với nhau. Sau khi ông T tự vệ chống trả lại và quay lưng đi thì bị ông H dùng dao bấm đâm từ sau lưng đâm tới. Tổng cộng ông H đâm ông T 06 nhát dao, trong đó có một nhát đâm vào hông trái gây thủng phổi trái, tràn dịch màng phổi. Sau đó ông T được đồng nghiệp chở đi cấp cứu tại bệnh viện 115, quá trình mổ và điều trị từ ngày 07/02/2021 đến ngày 14/02/2021. Khi ra viện bác sĩ cho ông T nghỉ dưỡng đến hết ngày 26/02/2021.
Sau khi sự việc xảy ra, vào ngày 09/02/2021, ông T có làm đơn tố cáo về hành vi xâm phạm đến T mạng và sức khỏe của ông H đối với ông T đến cơ quan Công an phường Đ. Ngày 16/02/2021, Công ty gọi ông T và ông H đến để viết tường trình và H giải. Bà Huỳnh Phi P2 là giám đốc nhân sự khuyên ông T ra công an làm giấy bãi nại cho ông H. Ông T đã ra công an bãi nại cho ông H và hồ sơ vụ án được chuyển lên Công an Quận G.
Ngày 17/2/2021, Công ty P gọi ông T và ông H đến nhưng không nói rõ lý do để làm gì. Khi đến Công ty P, ông T mới biết là tham dự một buổi xử lý kỷ luật lao động. Kết quả là ông T và ông H bị sa thải. Công ty P đã không thông báo trước vì thế ông T không có thời gian tìm hiểu kiến thức luật lao động nên đã ký tên vào biên bản xử lý kỷ luật.
Ngày 01/3/2021, Công ty P ban hành Quyết định số GP 019/17 xử lý kỷ luật sa thải đối với ông T (ông H cũng bị xử lý kỷ luật sa thải), lý do sa thải là ông H và ông T thực hiện hành vi gây gỗ, xô xát, cố ý gây thương tích cho nhau vi phạm Điều 22 Nội quy lao động của Công ty P và cam kết khi nhận việc của ông T ngày 17/6/2020.
Ngày 02/03/2021, Công ty gọi điện kêu ông T vào lấy quyết định sa thải nhưng yêu cầu bảo vệ chặn cổng không cho ông T vào rồi cử người ra cổng đưa quyết định xử lý kỷ luật sa thải với lỗi vi phạm cố ý gây thương tích.
Ông T yêu cầu hủy bỏ Quyết định sa thải số GP 019/17 ngày 01/3/2021 của Công ty P, yêu cầu Công ty P nhận ông T trở lại làm việc và yêu cầu bồi thường thiệt hại do Công ty đã kỷ luật sa thải ông T trái pháp luật.
Ông T cho rằng công ty P đã ban hành quyết định trái với quy định của Bộ luật Lao động nên yêu cầu công ty P:
+ Hủy quyết định sa thải số GP019/17 ngày 01/3/2021 của Công ty P;
+ Yêu cầu Công ty P nhận ông T trở lại làm việc;
+ Công ty phải thanh toán cho ông T tiền lương trong những ngày ông T không được làm việc trên cơ sở mức lương là 4.950.000 đồng/tháng.
+ Công ty P phải thanh toán 02 tháng tiền lương bồi thường do xử lý kỷ luật sa thải trái pháp luật trên cơ sở mức lương là 4.950.000 đồng/tháng: 02 tháng x 4.950.000 đồng/tháng = 9.900.000 đồng;
+ Công ty P phải chi trả tiền các khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày ông T không được làm việc
Tổng cộng là: 1xx.xxx.xxx đồng. Ông T yêu cầu Công ty P thanh toán số tiền trên làm 01 lần. Phương thức thanh toán: Chuyển khoản qua số tài khoản của ông T khi còn làm việc tại Công ty P.
- Cơ sở pháp lý:
+ Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
+ Bộ luật lao động 2019;
+ Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;
- Nội dung tư vấn:
Trên cơ sở các dữ liệu mà bạn cung cấp Công ty của chúng tôi xin đưa ra một số nhận định sau:
1. Xét Quyết định sa thải số GP019/17 ngày 01/3/2021 của Công ty P:
- Về thời hiệu xử lý kỷ luật lao động: Ngày 07/02/2021, tại Công ty P xảy ra sự việc ông H và ông T đánh nhau, kết quả ông T bị thương phải nhập viện. Ngày 17/02/2021, Công ty P lập biên bản xem xét xử lý kỷ luật lao động đối với ông T. Ngày 01/3/2021, Công ty P ban hành Quyết định xử lý kỷ luật lao động số GP019/17 kỷ luật sa thải đối với ông T.
Căn cứ Khoản 1, khoản 3 Điều 123 Bộ luật lao động năm 2019, công ty P xem xét kỷ luật không vi phạm về thời hiệu xử lý kỷ luật, cụ thể: “Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 12 tháng”.
Căn cứ Khoản 4 Điều 70 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 Công ty P tiến hành xử lý kỷ luật vào ngày 17/02/2021 và ra Quyết định xử lý kỷ luật ngày 01/03/2021 là trong thời hiệu xử lý kỷ luật.
2. Về nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động: Xét phiên họp xem xét xử lý kỷ luật lao động ngày 17/02/2021 được lập thành văn bản, có sự tham gia của ông T, bà Lê Thị Tân T3 (chủ tịch công đoàn Công ty P) và người đại diện hợp pháp của Công ty P là bà Huỳnh Phi P2 (Căn cứ giấy ủy quyền lập ngày 09/01/2015 của người đại diện theo pháp luật của Công ty P - ông Hsu-Wen-C). Biên bản có đầy đủ chữ ký của các thành viên tham gia phiên họp.
Người đại diện hợp pháp và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn cho rằng: Công ty P đã không thông báo bằng văn bản, không giao thông báo cuộc họp cho ông T trong thời gian ít nhất 05 ngày làm việc là vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 70 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020.
Căn cứ quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 70 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 thì mục đích là để bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp. Đối với trường hợp của ông T, ngày 17/02/2021 ông T có tham gia cuộc họp xem xét xử lý kỷ luật lao động do Công ty tổ chức và ông T không có ý kiến về thời gian mở cuộc họp xem xét xử lý kỷ luật lao động đối với ông. Nếu ông T cho rằng thời gian thông báo quá ngắn, không đủ thời gian để ông tìm hiểu pháp luật lao động, tìm luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì ông T có thể từ chối tham gia phiên họp.
Đối với ý kiến của người đại diện theo ủy quyền và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn cho rằng: Công ty P đã xử lý kỷ luật lao động sa thải ông T trong thời gian ông T đang dưỡng bệnh (từ ngày 07/02/2021 đến hết ngày 28/02/2021) và trong thời gian chờ kết quả của cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra, xác minh và kết luận đối với hành vi cố ý gây thương tích của ông H đối với ông T là vi phạm nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động quy định tại điểm a, c khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động năm 2019.
Theo điểm a khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “...Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây: Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; Đang bị tạm giữ, tạm giam”. Ông T nhập viện ngày 07/02/2021, ngày 14/02/2021 ông T xuất viện (Giấy xuất viện ký ngày 15/02/2021), ông T được nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội đến hết ngày 28/02/2021. Ông T đã nộp cả ba giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội có xác nhận của bệnh viện cho Công ty vào ngày 15/02/2021. Tuy nhiên, căn cứ vào ba giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội của Bệnh viện Y thì chỉ có 01 giấy chứng nhận lập ngày 15/02/2021, hai giấy chứng nhận còn lại lập ngày 21/02/2021 và ngày 28/02/2021.
Trước đây ông cho rằng mình không nhớ đã thông báo cho Công ty P về việc ông nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội vào thời gian nào. Nhưng đến nay ông lại trình bày ông đã nộp cả ba giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội có xác nhận của bệnh viện cho Công ty.
Tuy nhiên, căn cứ vào ba giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội của Bệnh viện 115 thì chỉ có 01 giấy chứng nhận lập ngày 15/02/2021, hai giấy chứng nhận còn lại lập ngày 21/02/2021 và ngày 28/02/2021.
Như vậy, lời trình bày của ông trong cả hai lần không thống nhất với nhau và cũng không phù hợp với thực tế. Tại cuộc họp xem xét xử lý kỷ luật lao động ngày 17/02/2021, ông không trình bày cho Công ty P về việc ông được cho nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Mặt khác, cuộc họp ngày 17/01/2021 chỉ là họp để xem xét có xử lý kỷ luật sa thải đối với ông T hay không, đến ngày 01/3/2021, Công ty P mới chính thức ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải đối với ông T.
Căn cứ công văn trả lời số 2802/2021 ngày 28/02/2017 của Công an phường Đ về kết quả xử lý vụ việc đánh nhau xảy ra tại Công ty P ngày 07/02/2021 giữa ông H và ông T thì “Ngày 16/02/2021, ông T đến Công an Phường kèm đơn rút đơn tố cáo, không yêu cầu Công an Phường giải quyết tiếp, ông T cam kết không thắc mắc khiếu nại về sau”.
Căn cứ biên bản xem xét xử lý kỷ luật lao động ngày 17/02/2021, ông H và ông T đã thừa nhận thực hiện hành vi đánh nhau và gây thương tích cho nhau. Ngày 01/3/2021, sau khi Công ty P nhận được kết quả trả lời của Công an phường, Công ty mới ban hành Quyết định số GP019/17 kỷ luật lao động theo hình thức sa thải đối với ông T và tại thời điểm xử lý kỷ luật sa thải không có cơ quan có thẩm quyền nào khác thụ lý giải quyết hành vi đánh nhau gây thương tích giữa ông H và ông T.
Do đó, Công ty P không vi phạm trình tự xử lý kỷ luật lao động quy định tại điểm c khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động năm 2019.
3. Về căn cứ và nội dung ban hành quyết định:
Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ và lời trình bày của ông T thì ngày 07/02/2021, ông H và ông T đã thực hiện hành vi đánh nhau tại Công ty P. Căn cứ vào biên bản xem xét xử lý kỷ luật lao động ngày 17/02/2021, ông T và ông H đều thừa nhận có thực hiện hành vi đánh nhau và gây thương tích cho nhau. Hành vi của ông H và ông T đã vi phạm Điều 22 bản nội quy lao động của Công ty P ngày 14/4/2018 có đăng ký với Ban quản lý các Khu chế xuất và khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, khoản 1 Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019 và Bản cam kết của ông T không đánh nhau nếu vi phạm sẽ chịu hình thức kỷ luật theo quy định kể cả kỷ luật cao nhất là sa thải. Phía nguyên đơn cho rằng Công ty P không chứng minh được lỗi cố ý gây thương tích của ông T.
Hành vi đánh nhau và gây thương tích cho nhau đã được chính ông H và ông T thừa nhận tại cuộc họp xem xét xử lý kỷ luật lao động ngày 17/02/2021. Ông H và ông T tự nguyện và đồng ý ký tên vào biên bản cuộc họp mà không có ý kiến phản đối, trường hợp ông T không đồng ý thì ông T có quyền không ký tên vào biên bản và trình bày lý do vì sao không ký. Biên bản xem xét xử lý kỷ luật lao động ngày 17/02/2021, ông T đã nhận được cùng ngày và sau đó ông T đã nhận được Quyết định xử lý kỷ luật lao động sa thải số GP019/17 ngày 01/3/2021 nhưng ông T vẫn không có ý kiến gì khác.
Từ các phân tích nêu trên, nhận thấy Quyết định xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải số GP019/17 ngày 01/3/2021 của Công ty P đúng quy định pháp luật.
Vì các lẽ trên, yêu cầu Công ty P nhận ông Danh Quốc T trở lại làm việc và bồi thường tổng cộng số tiền là 1xx.xxx.xxx đồng là không có cơ sở để được chấp nhận.
Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 0961614040 - 0945174040