NGUYÊN NHÂN VIỆC CHUYỂN NHƯỢNG NHÃN HIỆU BỊ TỪ CHỐI (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

09/05/2023 - 1509 lượt xem

Hiện nay, việc chuyển nhượng nhãn hiệu được không ít các doanh nghiệp lựa chọn đầu tư phát triển để giảm chi phí và thời gian quảng bá trên thị trường. Nếu không cẩn trọng và có kinh nghiệm thực tiễn chuyên sâu trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, dù đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng, thanh toán chi phí mua, nắm giữ biên bản thanh lý hợp đồng và thực hiện thủ tục nộp đơn yêu cầu ghi nhận chuyển nhượng nhãn hiệu nhưng việc chuyển nhượng nhãn hiệu vẫn có thể bị từ chối.

Hiện nay, việc chuyển nhượng nhãn hiệu được không ít các doanh nghiệp lựa chọn đầu tư phát triển để giảm chi phí và thời gian quảng bá trên thị trường. Ngoài ra, chuyển nhượng nhãn hiệu còn được thực hiện trong trường hợp hai công ty sáp nhập với nhau, chủ nhãn hiệu chấm dứt hoạt động kinh doanh, giải thể công ty, hoặc chủ nhãn hiệu bị phá sản.

Nếu không cẩn trọng và có kinh nghiệm thực tiễn chuyên sâu trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, dù đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng, thanh toán chi phí mua lại nhãn hiệu, nắm giữ biên bản thanh lý hợp đồng và thực hiện thủ tục nộp đơn yêu cầu ghi nhận chuyển nhượng nhãn hiệu tại Cục Sở hữu Trí tuệ nhưng việc chuyển nhượng nhãn hiệu vẫn có thể bị từ chối gây ảnh hưởng đến chi phí, thời gian và hoạt động kinh doanh của bạn. Chính vì vậy, Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẽ chia sẻ về nguyên nhân việc chuyển nhượng nhãn hiệu bị từ chối qua bài viết dưới đây để tránh việc mất tiền mua/chuyển nhượng nhãn hiệu nhưng không được quyền sở hữu hợp pháp nhãn hiệu đó.

Cơ sở pháp lý:

Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2022)

Nội dung:

1. Chuyển nhượng nhãn hiệu là gì?

Khoản 1 Điều 138 Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT) quy định: “Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác”.

Quyền sở hữu công nghiệp theo khoản 4 Điều 4 Luật SHTT là “quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh”.

Theo đó, chuyển nhượng nhãn hiệu được hiểu là việc chủ sở hữu nhãn hiệu chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu của mình cho tổ chức, cá nhân khác.

2. Một số nguyên nhân dẫn đến việc chuyển nhượng nhãn hiệu bị từ chối

2.1. Nhãn hiệu được chuyển nhượng có chứa yếu tố trùng hoặc tương tự với tên thương mại của bên chuyển nhượng

Theo điểm k khoản 2 Điều 74 Luật SHTT, nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là “dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ”. Cũng theo khoản 4 Điều 139 Luật SHTT, “việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu”. Do đó, nếu nhãn hiệu có chứa yếu tố trùng hoặc tương tự với tên thương mại của bên chuyển nhượng, thì việc chuyển nhượng nhãn hiệu sẽ bị coi là gây nhầm lẫn cho công chúng về đặc tính, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ và rơi vào trường hợp bị cấm theo Luật SHTT.

2.2. Nhãn hiệu được chuyển nhượng tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc đơn đăng ký nhãn hiệu hoặc nhãn hiệu đang được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vẫn thuộc quyền sở hữu của Bên chuyển nhượng

Trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu, cần kiểm tra kỹ tất cả danh mục nhãn hiệu của bên chuyển nhượng đang sở hữu để xác định họ có những nhãn hiệu nào đang nộp đơn và đã đăng ký tại Việt Nam mà có dấu hiệu tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu muốn chuyển nhượng hay không. Nếu không kiểm tra, nhãn hiệu được chuyển nhượng mà tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc đơn đăng ký nhãn hiệu hoặc nhãn hiệu đang được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vẫn thuộc quyền sở hữu của Bên chuyển nhượng sẽ bị từ chối.

2.3. Nhãn hiệu được chuyển nhượng có chứa yếu tố là dấu hiệu làm cho hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi chuyển giao có khả năng bị hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị,…

Yêu cầu chuyển nhượng của bạn có thể bị Cục Sở hữu trí tuệ từ chối ghi nhận nếu nhãn hiệu được chuyển nhượng có chứa yếu tố là tên địa danh nhưng bạn hoặc công ty của bạn không có địa chỉ tại địa danh đó. Bởi theo khoản 5 Điều 73 Luật SHTT, nhãn hiệu mà có dấu hiệu “làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ” sẽ không được bảo hộ.

2.4. Hàng hóa/dịch vụ thuộc phạm vi chuyển giao có khả năng bị nhầm lẫn với hàng hóa/dịch vụ thuộc phần Danh mục hàng hóa/dịch vụ còn lại vẫn thuộc quyền sở hữu của bên chuyển nhượng (dùng cho trường hợp phạm vi chuyển giao là một phần danh mục hàng hóa/dịch vụ).

Đối với trường hợp phạm vi chuyển nhượng là một phần danh mục hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu, nhóm hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu được chuyển nhượng hoặc sản phẩm, dịch vụ trong nhóm hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu được chuyển nhượng phải độc lập và không được gây nhầm lẫn với nhóm hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu còn lại hoặc sản phẩm, dịch vụ còn lại trong nhóm hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu thì mới không bị Cục SHTT từ chối việc chuyển nhượng.

2.5. Bên được chuyển nhượng không phải là tổ chức, cá nhân có chức năng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu được chuyển nhượng.

Khoản 5 Điều 139 Luật SHTT quy định: “Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó”. Do đó, nếu bên chuyển nhượng không không phải là tổ chức, cá nhân có chức năng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu được chuyển nhượng thì yêu cầu chuyển nhượng của bạn có thể bị Cục Sở hữu trí tuệ từ chối ghi nhận.

2.6. Giá chuyển nhượng trong Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu

Theo khoản 3 Điều 4 Luật SHTT, giá chuyển nhượng là một trong những nội dung chính của Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu. Theo đó, nếu các bên không có điều khoản về giá chuyển nhượng, giá chuyển nhượng không rõ ràng hoặc có sự không phù hợp giữa giá chuyển nhượng với quyền và nghĩa vụ thanh toán thì yêu cầu chuyển nhượng của bạn có thể bị Cục Sở hữu trí tuệ từ chối ghi nhận.

2.7. Chuyển nhượng nhãn hiệu khi nhãn hiệu đang được li-xăng/chuyển giao quyền sử dụng cho các bên khác

Yêu cầu chuyển nhượng nhãn hiệu của bạn có thể bị Cục Sở hữu trí tuệ từ chối nếu nhãn hiệu đó đang được chuyển giao quyền sử dụng cho (các) tổ chức, cá nhân khác theo (các) Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.

2.8. Hình thức Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu chưa đáp ứng yêu cầu

Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu phải đáp ứng các yêu cầu về hình thức như: Có đủ ngày, tháng, năm ký, chữ ký (và con dấu, nếu có) của các bên; Đại diện cho các bên ký hợp đồng là người đại diện theo pháp luật, trường hợp người ký không phải là đại diện theo pháp luật, phải cung cấp giấy ủy quyền từ người đại diện theo pháp luật cho người ký tên trên Hợp đồng chuyển nhượng; Hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;…

Để việc chuyển nhượng nhãn hiệu được hoàn tất một cách hợp pháp, đúng quy định của pháp luật và diễn ra thuận lợi hơn, bên cạnh việc chuẩn bị hồ sơ đầy đủ cần phải lưu ý một số quy định và điều kiện để tránh bị Cục Sở hữu trí tuệ từ chối việc chuyển nhượng nhãn hiệu.

Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về nguyên nhân việc chuyển nhượng nhãn hiệu bị từ chối. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

Email: info@htlegalvn.com      Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Vân Anh
Theo HT LEGAL VN