NHỮNG LƯU Ý VÀ THỦ TỤC KHI ĐĂNG KÝ NỘI QUY LAO ĐỘNG (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP HỒ CHÍ MINH)

20/08/2022 - 1789 lượt xem

Nội quy lao động văn bản được ban hành nhằm quy định về các quy tắc xử sự mà người lao động có trách nhiệm, bắt buộc phải tuân thủ khi tham gia quan hệ lao động, quy định về các hành vi kỷ luật lao động, cách thức xử lý và trách nhiệm vật chất.

Vậy Nội quy lao động cần có những nội dung gì? Thủ tục đăng ký như thế nào? Sau đây, Công ty Luật HT Legal VN sẽ giải đáp cụ thể về vấn đề này qua bài viết sau.

Cơ sở pháp lý:

- Căn cứ Bộ Luật Lao động 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019;

- Căn cứ Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;

- Căn cứ Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 01/03/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nội dung:

1. Lưu ý khi xây dựng nội dung nội quy lao động của doanh nghiệp:

Căn cứ Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, nội quy lao động cần lưu ý các vấn đề sau:

Thứ nhất, Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản, nếu sử dụng dưới 10 người lao động thì không bắt buộc ban hành nội quy lao động bằng văn bản nhưng phải thỏa thuận nội dung về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất trong hợp đồng lao động.

Thứ hai, nội dung của nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật liên quan, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: quy định thời giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trong 01 tuần; ca làm việc; thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc ca làm việc; làm thêm giờ (nếu có); làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt; thời điểm các đợt nghỉ giải lao ngoài thời gian nghỉ giữa giờ; nghỉ chuyển ca; ngày nghỉ hằng tuần; nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương;

- Trật tự tại nơi làm việc: quy định phạm vi làm việc, đi lại trong thời giờ làm việc; văn hóa ứng xử, trang phục; tuân thủ phân công, điều động của người sử dụng lao động;

- An toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc: trách nhiệm chấp hành các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân, các thiết bị bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; vệ sinh, khử độc, khử trùng tại nơi làm việc;

- Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc: người sử dụng lao động quy định về phòng, chống quấy rối tình dục theo quy định tại Điều 85 Nghị định này;

- Bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động: Quy định danh mục tài sản, tài liệu, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ; trách nhiệm, biện pháp được áp dụng để bảo vệ tài sản, bí mật; hành vi xâm phạm tài sản và bí mật;

- Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động: quy định cụ thể các trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Bộ luật Lao động;

- Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động: quy định cụ thể hành vi vi phạm kỷ luật lao động; hình thức xử lý kỷ luật lao động tương ứng với hành vi vi phạm;

- Trách nhiệm vật chất: quy định các trường hợp phải bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi gây thiệt hại tài sản; do làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản hoặc tiêu hao vật tư quá định mức; mức bồi thường thiệt hại tương ứng mức độ thiệt hại; người có thẩm quyền xử lý bồi thường thiệt hại;

- Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động: người có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 18 của Bộ luật Lao động hoặc người được quy định cụ thể trong nội quy lao động.

Thứ ba, trước khi ban hành nội quy lao động hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Việc tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Nghị định này.

Thứ tư, nội quy lao động sau khi ban hành phải được gửi đến từng tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) và thông báo đến toàn bộ người lao động, đồng thời niêm yết nội dung chính ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.

2. Cơ quan đăng ký Nội quy lao động;

Cơ quan đăng ký nội quy lao động:

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc UBND cấp tỉnh.

- Hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc UBND cấp huyện (nếu cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh ủy quyền).

3. Thủ tục đăng ký Nội quy lao động của doanh nghiệp;

Thủ tục đăng ký nội quy lao động được quy định tại Điều 119 Bộ luật Lao động 2019. Theo đó:

- Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành nội quy lao động. Việc nộp hồ sơ có thể thực hiện bằng một trong ba cách sau: nộp hồ sơ qua cổng thông tin Dịch vụ công trực tuyến cơ quan chuyên môn về lao động; nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền; hoặc qua đường bưu điện.

- Bước 2: Khi nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký nội quy lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác nhận ngày, tháng, năm tiếp nhận hồ sơ đăng ký nội quy lao động của người sử dụng lao động.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký nội quy lao động, nếu nội dung nội quy lao động có quy định trái với pháp luật thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo, hướng dẫn người sử dụng lao động sửa đổi, bổ sung và đăng ký lại.

Căn cứ điều kiện cụ thể, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có thể ủy quyền cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc UBND cấp huyện thực hiện việc đăng ký nội quy lao động.

- Bước 3: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm lập số đăng ký nội quy lao động và thông báo kết quả đăng ký nội quy lao động.

3. Hiệu lực của nội quy lao động:

Nội quy lao động có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày Cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi đăng ký nội quy lao động nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký nội quy lao động.

Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động ban hành nội quy lao động bằng văn bản thi hiệu lực do người sử dụng lao động quyết định trong nội quy lao động.

Thời gian đăng ký: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành Nội quy lao động, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đăng ký Nội quy lao động.

Hồ sơ đăng ký nội quy lao động gồm:

- Văn bản đề nghị đăng ký Nội quy lao động;

- Nội quy lao động;

- Văn bản góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

- Các văn bản của người sử dụng lao động có quy định liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất (nếu có).

Trên đây là một số thông tin về đăng ký nội quy lao động theo quy định pháp luật hiện hành, để được tư vấn rõ hơn về đăng ký nội quy lao động và các vấn đề pháp lý thường xuyên gặp phải, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

Email: info@htlegalvn.com        Hotline: 09 6161 4040

Ngoc Hanh
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục