PHÁP NHÂN CÓ QUYỀN ĐỂ LẠI DI CHÚC HOẶC HƯỞNG DI SẢN THỪA KẾ THEO DI CHÚC KHÔNG? (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TẠI TP HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

07/06/2024 - 343 lượt xem

Căn cứ theo Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 về Quyền thừa kế: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật; Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc...”

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Vậy đối với pháp nhân, liệu có quyền để lại di chúc hay được nhận tài sản thừa kế theo di chúc không? Pháp luật quy định vấn đề này như thế nào?

Bài viết sau đây, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ về Quyền để lại di chúc của pháp nhân cũng như những điều kiện để pháp nhân hưởng di sản theo di chúc.

I. Cơ sở pháp lý

- Bộ luật Dân sự 2015 số 91/2015/QH13

II. Nội dung 

1.Pháp nhân có quyền để lại di chúc không?

Căn cứ theo Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 về Quyền thừa kế:

“Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật;

Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc...

Các đối tượng được lập di chúc nêu tại Điều 625 Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm:

- Người thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa hay cưỡng ép lập di chúc.

- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc người này được lập di chúc.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, pháp luật Việt Nam chỉ quy định Quyền lập di chúc, để tại tài sản thừa kế đối với cá nhân mà không dành cho pháp nhân. Như vậy, pháp nhân không có quyền lập di chúc, để lại tài sản thừa kế cho cá nhân, pháp nhân khác.

 

2.Pháp nhân cần đáp ứng điều kiện gì để được hưởng di sản theo di chúc?

Theo quy định tài Điều 609 Bộ luật dân sự 2015, pháp nhân mặc dù không được quyền để lại di chúc nhưng lại được quyền trở thành người thừa kế và hưởng di sản thừa kế theo di chúc nếu có tên trong di chúc của một cá nhân nào đó.

Để được hưởng di sản thừa kế theo di chúc, pháp nhân cần phải đáp ứng điều kiện nêu tại Điều 613 Bộ luật dân sự năm 2015 về người thừa kế.

“Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”

Thứ nhất, để được hưởng di chúc thì cần phải được công nhận là pháp nhân.

Khi đó, pháp nhân phải đáp ứng đủ 04 điều kiện nêu tại Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 gồm:

- Được thành lập theo đúng quy định của pháp luật như theo Bộ luật Dân sự, hoặc luật khác có liên quan;

- Có cơ cấu tổ chức gồm cơ quan điều hành được quy định chi tiết trong điều lệ hoặc quyết định thành lập về việc tổ chức, nhiệm vụ cũng như quyền hạn của cơ quan điều hành và có các cơ quan khác theo quyết định của chính pháp nhân đó theo quy định của pháp luật;

- Có tài sản độc lập với các cá nhân hoặc pháp nhân khác và có thể tự chịu trách nhiệm bằng chính tài sản này;

- Được nhân danh chính mình khi tham gia các quan hệ pháp luật môt cách độc lập.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020, chỉ có duy nhất loại hình Doanh nghiệp tư nhân là không có tư cách pháp nhân bởi tài sản của Doanh nghiệp tư nhân không được tách bạch khỏi tài sản của chủ Doanh nghiệp tư nhân.

 

Thứ hai, pháp nhân phải còn đang tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Căn cứ theo Điều 96 Bộ luật dân sự năm 2015, Pháp nhân được coi là chấm dứt tồn tại nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Chấm dứt tồn tại do hợp nhất, sáp nhập, chia, chuyển đổi hình thức hoặc giải thể.

- Chấm dứt tồn tại do bị tuyên bố phá sản.

Thời điểm pháp nhân bị coi là chấm dứt tồn tại là thời điểm mà pháp nhân bị xóa tên trong sổ đăng ký hoặc khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là đã chấm dứt tồn tại.

Trên đây là nội dung pháp lý về: Pháp nhân có quyền để lại di chúc không? Những điều kiện để pháp nhân hưởng di sản theo di chúc.

 

Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

 

Bích Trân
Theo HT Legal VN