QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THỪA KẾ THẾ VỊ? (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TP HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

18/09/2024 - 315 lượt xem

Thừa kế thế vị là việc cháu được thay thế vào vị trí của bố mẹ để hưởng di sản của ông, bà hoặc chắt được thay thế vào vị trí của ông, bà để hưởng di sản của cụ. Những người thừa kế thế vị được hưởng phần di sản mà bố mẹ mình đáng lẽ được hưởng nếu còn sống, được chia ngang bằng, tương đương với một phần thừa kế như những người cùng hàng thừa kế khác.

QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THỪA KẾ THẾ VỊ?

(CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TP HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

 

Thừa kế thế vị là một trong những nội dung quan trọng của chế định thừa kế, nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người có mối liên hệ huyết thống trực hệ với người chết và được quy định chi tiết trong Bộ Luật Dân sự 2015.

Tuy nhiên, có nhiều người vẫn chưa biết áp dụng quy định về thừa kế thế vị trong thực tế. Vậy pháp luật Việt Nam quy định về thừa kế thế vị như thế nào? Để làm rõ vấn đề này Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẽ gửi đến quý đọc giả bài viết sau đây: 

I. Cơ sở pháp lý 

- Bộ Luật Dân sự năm 2015 số 91/2015/QH13.

II. Nội dung

1. Thừa kế thế vị là gì? 

Thừa kế thế vị được hiểu nôm na là việc thay thế một ai đó để được hưởng phần di sản mà đáng lẽ người nếu còn sống tại thời điểm mở thừa kế sẽ được hưởng. Được pháp luật quy định cụ thể tại Điều 652 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau: 

“Điều 652: Thừa kế thế vị

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

Có thể thấy, thừa kế thế vị là việc cháu được thay thế vào vị trí của bố mẹ để hưởng di sản của ông, bà hoặc chắt được thay thế vào vị trí của ông, bà để hưởng di sản của cụ. Những người thừa kế thế vị được hưởng phần di sản mà bố mẹ mình đáng lẽ được hưởng nếu còn sống, được chia ngang bằng, tương đương với một phần thừa kế như những người cùng hàng thừa kế khác.

 

2. Khi nào phát sinh trường hợp thừa kế thế vị?

Thừa kế thế vị chỉ được phát sinh trên cơ sở thừa kế theo pháp luật, không phát sinh từ thừa kế theo di chúc và chỉ phát sinh ở hàng thừa kế thứ nhất.

Bởi vì, trường hợp người thừa kế theo di chúc đã chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di chúc thì phần tài sản liên quan di chúc đó được chia theo pháp luật. Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 650 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: 

Điều 650: Những người thừa kế theo pháp luật

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

c. Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.” 

Khi phần di sản được chia theo pháp luật thì sẽ xét đến những người thừa kế theo pháp luật. Căn cứ Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về Người thừa kế theo pháp luật: 

Điều 651: Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Theo nguyên tắc chung của Bộ Luật Dân sự 2015 về thừa kế thì người thừa kế thế vị phải còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Và nếu con/cháu của người để lại di sản chưa chết mà chỉ từ bỏ quyền nhận di sản hay vì bất cứ lý do khác thì thừa kế thế vị sẽ không được áp dụng. Đồng thời, người thừa kế thế vị không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản. 

 

3. Con nuôi có được quyền thừa kế thế vị không?

a. Giữa con nuôi và cha, mẹ nuôi không có mối quan hệ huyết thống mà chỉ có quan hệ nuôi dưỡng. Nhưng nếu con nuôi chết trước cha, mẹ nuôi thì con của con nuôi vẫn được thừa kế thế vị như các cháu có quan hệ huyết thống với người để lại di sản.

Theo quy định tại Điều 653 về quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.”

b. Đối với trường hợp cháu là con đẻ của người con riêng của vợ hoặc chồng vẫn được thừa kế thế vị nếu con riêng và cha dượng hoặc mẹ kế đã thể hiện được nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, yêu thương nhau như cha con, mẹ con.

Quy định tại Điều 654 về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế: “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này.” 

Xem thêm: Con riêng có được hưởng thừa kế di sản của bố dượng, mẹ kế không?

Như vậy, căn cứ vào quy định của pháp luật, khi quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi được xác lập hợp pháp, họ sẽ có đầy đủ quyền và nghĩa vụ như cha mẹ ruột và con ruột. Do đó, con nuôi hoàn toàn có quyền thừa kế thế vị.

Thông qua bài viết này, HT Legal VN hy vọng quý bạn đọc đã có thêm được nhiều thông tin về thừa kế thế vị theo quy định pháp luật. Quý bạn đọc có bất ký thắc mắc hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý xin liên hệ với Luật sư điều hành - Luật sư Nguyễn Thanh Trung và Công ty Luật TNHH HT Legal VN theo thông tin sau:

Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: [email protected]       Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Thu Thảo
Theo HT Legal VN