QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ VIỆC KHAI SINH CHO CON KHI VỢ CHỒNG CHƯA KẾT HÔN (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

23/12/2022 - 1226 lượt xem

Trong đời sống hiện nay có rất nhiều vụ việc các cặp đôi có con chung nhưng lại không đăng ký kết hôn. Thực tế này làm phát sinh một số các vấn đề như việc khai sinh cho con, đăng ký xác nhận cha, mẹ cho đứa trẻ hoặc không đăng ký xác nhận cha, mẹ cho con. Hãy cùng Công ty Luật HT Legal VN tìm hiểu về các vấn đề trên qua góc nhìn của pháp luật.

Căn cứ pháp lý:

- Luật Hôn nhân và Gia đình 2014;

- Luật Hộ tịch 2014;

- Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch do Chính phủ ban hành ngày 15 tháng 11 năm 2015 (Gọi tắt là Nghị định 123/2015/NĐ-CP);

- Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật hộ tịch và nghị định số 123/2015/ NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch Bộ Tư pháp ban hành ngày 28 tháng 5 năm 2020 (Gọi tắt là Thông tư 04/2020/TT-BTP).

Nội dung:

1. Trách nhiệm khai sinh cho con sinh khi vợ chồng chưa đăng ký kết hôn.

Căn cứ Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng; trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

Như vậy, con được sinh ra khi vợ chồng chưa kết hôn vẫn được xem là con chung của vợ chồng. Nếu vợ hoặc chồng không thừa nhận con thì phải trình bày được chứng cứ để Tòa án xem xét giải quyết.

Căn cứ Điều 15 Luật Hộ tịch 2014, Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

2. Thủ tục làm giấy khai sinh cho con khi vợ chồng chưa kết hôn.

Căn cứ khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014, Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.

Ngoài ra tại Điều 9 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về việc Giấy tờ nộp và xuất trình khi đăng ký khai sinh:

- Người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch khi đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) hoặc các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 của Luật Hộ tịch khi đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện);

- Người yêu cầu đăng ký khai sinh xuất trình giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP.

Như vậy, Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ các giấy tờ cần thiết để đăng ký khai sinh cho trẻ sẽ bao gồm:

- Bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân người nộp hồ sơ.

- Bản chính Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch.

Đối với trẻ em được sinh ra ở Việt Nam và có cả cha và mẹ là người Việt Nam thì trẻ sẽ được đăng ký khai sinh ở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ đăng ký khai sinh theo quy định tại Điều 13 Luật Hộ tịch 2014.

3. Thực tế việc khai sinh cho con khi vợ chồng chưa kết hôn.

Việc các cặp đôi có con chung khi chưa đăng ký kết hôn không phải là tình huống hiếm có. Thực tế đã có nhiều vụ việc tương tự tình huống này. Lúc này, các vấn đề pháp lý đặt ra bên cạnh việc khai sinh cho con còn có thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ cho con. Bởi lẽ khi con được sinh ra trước thời kỳ hôn nhân, người cha hoặc mẹ có thể thỏa thuận cùng nuôi con hoặc từ chối nhận con.

Xã hội cũng có không ít các vụ việc người mẹ chấp nhận làm mẹ đơn thân và không đề cập đến tên của người cha trong giấy khai sinh cho con. Vậy liệu việc làm này có đúng quy định của pháp luật? Nếu sau này người cha có thỏa thuận lại với người mẹ và có yêu cầu được nhận con thì thủ tục sẽ như nào?

3. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ cho con khi con sinh ra trước thời kỳ hôn nhân.

Căn cứ Điều 16 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định về đăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt như sau:

Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Nếu có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì phần khai về người mẹ được ghi theo Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ. Nếu không có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì ghi theo thông tin do người cha cung cấp; người cha chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.

Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh nhưng không có thông tin về người cha, nay vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục nhận cha, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con.

Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, chưa được đăng ký khai sinh mà khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào Giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, con.

Trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cung cấp thông tin về người mẹ và lập văn bản thừa nhận con chung không đúng sự thật tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 16 theo quy định tại Điều 5 Thông tư Thông tư 04/2020/TT-BTP.

Trường hợp con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung hoặc người khác muốn nhận con thì do Tòa án nhân dân xác định theo quy định pháp luật.

Trường hợp Tòa án nhân dân từ chối giải quyết thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em chưa xác định được cha hoặc đăng ký nhận cha, con, hồ sơ phải có văn bản từ chối giải quyết của Tòa án và chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Thông tư 04/2020/TT-BTP.

Như vậy, tùy theo tình huống cụ thể từng cá nhân mà thủ tục khai nhận cha, mẹ cho con sẽ có sự khác nhau.

4. Có cần đăng ký nhận cha, mẹ cho con khi con sinh ra trước thời kỳ hôn nhân.

Như đã đề cập, việc đăng ký khai nhận cha, mẹ cho con sẽ có sự khác biệt tùy theo từng trường hợp cụ thể. Bản chất việc đăng ký nhận cha, mẹ cho con cũng phải đến từ sự đồng thuận và ý chí của các bên.

Trong trường hợp con sinh ra trước thời kỳ hôn nhân nhưng các bên cùng thừa nhận con chung bằng văn bản khi đăng ký khai sinh cho con thì không cần làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ cho con vì thông tin của người cha, mẹ sẽ được ghi nhận vào Giấy khai sinh của con.

Tuy nhiên quy định này trên thực tế có thể sẽ ít diễn ra vì các cặp đôi trong giai đoạn tìm hiểu tình cảm thường không cân nhắc đến việc lập văn bản thỏa thuận. Ngoài ra cũng có các trường hợp sau khi con ra đời thì một bên trong mối quan hệ từ chối nhận con và trốn tránh trách nhiệm.

Trên đây là một số thông tin về quy định pháp luật về việc khai sinh cho con khi vợ chồng chưa kết hôn. Để được tư vấn về các vấn đề pháp lý tương tự, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040.

 

 

Phượng Tường
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục