Quy định về việc trả lương khi bị ngừng việc do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19

17/08/2021 - 1114 lượt xem

Do tình hình dịch bệnh ngày một diễn biến phức tạp, việc sản xuất, vận chuyển, kinh doanh đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động, tái cơ cấu, thu hẹp sản xuất nhiều lao động phải ngừng việc từ một số lý do sau:

(i) lao động là người nước ngoài chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc trong thời gian có dịch theo quy định;

(ii) người lao động phải thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

(iii) người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp không vận hành được vì những người lao động khác trong thời gian chưa quay trở lại làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền

(iv) doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch ảnh hưởng đến nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới phải thu hẹp sản xuất, không bố trí dù việc làm cho người lao động.

Đối với một số trường hợp như vậy thì việc trả lương được thực hiện như thế nào?

Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẽ giải đáp cho bạn thông qua bài viết này.

- Cơ sở pháp lý:

+ Bộ Luật lao động 2019;

+ Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động;

+ Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

+ Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL ngày 25/03/2020 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội V/v hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19.

- Nội dung:

1. Ngừng việc vì dịch bệnh có được trả lương hay không?

Căn cứ Điều 99 Bộ luật lao động quy định về tiền lương ngừng việc để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hay do nguyên nhân khách quan) để xác định trả lương ngừng việc cho người lao động.

Ví dụ: Người lao động không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch mà bị nhiễm covid dẫn đến cả công ty bị phong tỏa tạm ngưng hoạt động thì bản thân người lao động bị nhiễm covid không được trả lương ngừng việc.

2. Xử lý các trường hợp ngừng việc do dịch covid_19

Trường hợp 1: Đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như:

(i) lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

(ii) người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

(iii) người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc

Thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động (tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định). Căn cứ Khoản 3 Điều 99 BLLĐ tiền lương ngừng việc được thực hiện như sau:

  • Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

  • Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Trường hợp 2: Đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động, cụ thể:

  • Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.

Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.

  • Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động trong trường hợp trên, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.

  • Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

  • Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Điều 99 của Bộ luật lao động.

Trường hợp 3: Nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Lao động; nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 36 hoặc Điều 42 Bộ luật Lao động.

2. Mức lương tối thiểu vùng năm 2021

- Quy định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động như sau: 

+ Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng trên địa bàn thuộc vùng I.

+ Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng trên địa bàn thuộc vùng II.

+ Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng trên địa bàn thuộc vùng III.

+ Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng trên địa bàn thuộc vùng IV.

- Các địa phương thuộc vùng I, II, III, IV được quy định cụ thể tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ.

3. Vi phạm về tiền lương

Theo quy định tại Điều 94 BLLĐ 2019, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.

* Về kỳ hạn trả lương:

  • Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.

  • Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.

  • Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

  • Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Việc công ty không trả lương đúng hạn và nợ lương là đã vi phạm quy định của pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP:

“Điều 16. Vi phạm quy định về tiền lương

2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đòi hỏi đã qua đào tạo, học nghề theo quy định của pháp luật; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

3. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:

a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.”

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về việc trả lương ngừng việc do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19

Công ty Luật HT Legal VN là chuyên gia trong lĩnh vực "tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp"

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ "tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp" xin hãy liên hệ với chúng tôi

Website : www.htlegalvn.com

Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 0961614040 - 0945174040

Cùng chuyên mục