QUY TRÌNH, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, QUẬN TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

27/05/2023 - 926 lượt xem

Tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp là dịch vụ pháp lý chuyên biệt của Công ty Luật TNHH HT Legal VN

Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin gửi đến quý khách bài viết tổng hợp một số quy định chung về quy trình, thủ tục đăng ký chuyển giao công nghệ:

I. Cơ sở pháp lý:

+ Luật số 07/2017/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 19/06/2017 về chuyển giao công nghệ(“Luật Chuyển giao công nghệ 2017”);

+ Thông tư 169/2016/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 26/10/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ (“Thông tư 169”).

II. Nội dung:

1. Định nghĩa của “Chuyển giao công nghệ” và trường hợp bắt buộc phải đăng ký khi chuyển giao công nghệ:

+ Chuyển giao công nghệ được định nghĩa tại Điều 2.7 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 là việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ. Trong đó, công nghệ được quy định gồm các giải pháp, quy trình, bí quyết có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm (Điều 2.2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017).

+ Các hình thức chuyển giao công nghệ được quy định tại Điều 5 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 như sau:

“1. Chuyển giao công nghệ độc lập.

2. Phần chuyển giao công nghệ trong trường hợp sau đây:

a) Dự án đầu tư;

b) Góp vốn bằng công nghệ;

c) Nhượng quyền thương mại;

d) Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ;

đ) Mua, bán máy móc, thiết bị quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 của Luật này.

3. Chuyển giao công nghệ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật.”

                                                      

+ Các trường hợp bắt buộc phải đăng ký chuyển giao công nghệ được quy định tại Điều 31.1  gồm các hợp đồng chuyển giao công nghệ và phần chuyển giao công nghệ thuộc một trong những trường hợp sau:

(i) Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam;

(ii) Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài;

(iii) Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Hồ sơ, quy trình đăng ký chuyển giao công nghệ:

+ Hồ sơ đăng ký chuyển giao công nghệ được quy định tại Điều 31.3 của Luật Chuyển giao công nghệ 2017 bao gồm các tài liệu sau:

(i) Văn bản đề nghị đăng ký chuyển giao công nghệ, trong đó ghi rõ cam kết trách nhiệm của các bên bảo đảm nội dung hợp đồng tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan;(ii) Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực văn bản giao kết chuyển giao công nghệ (hay còn gọi là Hợp đồng chuyển giao công nghệ) thể hiện nội dung theo quy định tại Điều 23 của Luật Chuyển giao công nghệ 2017; trường hợp không có văn bản giao kết bằng tiếng Việt thì phải có bản dịch sang tiếng Việt và được công chứng hoặc chứng thực.

+ Mức phí đăng ký: 0,1% (một phần nghìn) tổng giá trị của hợp đồng chuyển giao công nghệ với mức tối đa không quá 10 triệu đồng và tối thiểu không dưới 05 triệu đồng (Điều 4 Thông tư 169).

+ Thời hạn nộp hồ sơ: 90 ngày kể từ ngày ký văn bản giao kết chuyển giao công nghệ (Điều 4.1 Luật Chuyển giao công nghệ 2017).

+ Thời hạn xử lý và cấp kết quả: 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ.

+ Cơ quan có thẩm quyền cấp: Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Sở Khoa học và Công nghệ (tuỳ theo loại hình chuyển giao công nghệ - Điều 6 Nghị định 76/2018/NĐ-CP).

3. Các nội dung bắt buộc cần có đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ:

Quy định tại Điều 23 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 liệt kê các điều khoản cần có trong một hợp đồng chuyển giao công nghệ như sau:

i. Tên công nghệ được chuyển giao.

ii. Đối tượng công nghệ được chuyển giao, sản phẩm do công nghệ tạo ra, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.

iii. Chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ.

iv. Phương thức chuyển giao công nghệ.

v. Quyền và nghĩa vụ của các bên.

vi. Giá, phương thức thanh toán.

vii. Thời hạn, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

viii. Khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng (nếu có).

ix. Kế hoạch, tiến độ chuyển giao công nghệ, địa điểm thực hiện chuyển giao công nghệ.

x. Trách nhiệm bảo hành công nghệ được chuyển giao.

xi. Phạt vi phạm hợp đồng.

xii. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

xiii. Cơ quan giải quyết tranh chấp.

xiv. Nội dung khác do các bên thỏa thuận.

                                                          

Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm, Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẵn sàng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tư vấn các thủ tục đăng ký chuyển giao công nghệ, soạn thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký chuyển giao công nghệ.

Mọi thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040  – 09 0161 4040

Minh Tú
Theo HT Legal VN