SỰ CẦN THIẾT PHẢI THOẢ THUẬN CHẾ ĐỘ TÀI SẢN VỢ CHỒNG TRƯỚC KHI KẾT HÔN (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP.HCM)

15/03/2023 - 1170 lượt xem

Trong đời sống ngày nay, tranh chấp dân sự xảy ra thường xuyên và ngày càng phức tạp. Vì thế, chúng ta muốn giải quyết tốt vấn đề thì cần phải hiểu rõ bản chất của vụ việc đồng thời am hiểu pháp luật điều chỉnh nó. Hiểu được điều này, trong quan hệ vợ chồng đặc biệt là quan hệ tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng trước hôn nhân càng rõ ràng, minh bạch bao nhiêu thì cuộc sống hôn nhân sẽ văn minh, hiện đại bấy nhiêu. Ngoài việc sẽ tránh những tranh chấp không đáng có thì trong trường hợp hai bên cảm thấy cuộc sống hôn nhân không còn phù hợp sẽ chia tay trong êm đẹp, hạn chế tranh chấp vật chất dẫn đến tổn thương về mặt tình cảm cũng như tinh thần sau ly hôn.

Theo đó, trước khi kết hôn, hai bên cần thiết nên lập một văn bản thỏa thuận về việc lựa chọn chế độ tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Nói cụ thể hơn là trong văn bản này các bên sẽ thỏa thuận về việc tài sản nào là của riêng vợ, tài sản nào của riêng chồng và tài sản nào là tài sản chung của hai vợ chồng.

Vì vậy, Công ty Luật TNHH HT LEGAL VN xin chia sẻ đến Quý khách hàng bài viết: “SỰ CẦN THIẾT PHẢI THOẢ THUẬN CHẾ ĐỘ TÀI SẢN VỢ CHỒNG TRƯỚC KHI KẾT HÔN”.

1. Căn cứ pháp lý:

+ Luật Hôn nhân gia đình 2014

2. Nội dung:

2.1 Thoả thuận tài sản trước khi kết hôn:

Theo quy định tại Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (viết tắt là Luật HN&GĐ năm 2014) thì “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”. Với quy định này thì trước khi đăng ký kết hôn các bên vợ chồng phải lựa chọn chế độ tài sản (CĐTS) của vợ chồng và phải lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên trong khối tài sản của mình. Thời điểm chế độ thỏa thuận tài sản của vợ chồng phát sinh hiệu lực từ lúc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

Như vậy, văn bản thỏa thuận là văn bản riêng và không được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, cũng như không phải là điều kiện bắt buộc trong thủ tục đăng ký kết hôn…Trường hợp lựa chọn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì vợ chồng có thể thỏa thuận về xác định tài sản theo một trong các nội dung sau đây:

– Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng;

– Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung;

– Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó;

– Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng.

2.2 Sự cần thiết phải thoả thuận chế độ tài sản trước khi kết hôn:

Tài sản chung sau khi đăng ký kết hôn, tài sản riêng có trước thời kỳ hôn nhân sẽ được phân chia rõ ràng, cụ thể. Vì có sự rạch ròi về tài sản vợ, chồng nên trong quá trình chung sống với nhau sẽ hạn chế mâu thuẫn khi quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản chung, tài sản riêng vợ, chồng. Đồng thời, vợ, chồng cũng tự do, chủ động trong việc sử dụng tài sản của mình.

Khi ly hôn, nguyên tắc nêu tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình là ưu tiên giải quyết tài sản chung vợ, chồng theo thỏa thuận của các bên. Do đó, khi đã có thỏa thuận tài sản trước khi cưới sẽ tránh mất thời gian cũng như tranh chấp khi phân chia tài sản vợ, chồng khi ly hôn.

Khi có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, trước hết vợ, chồng cần xác định rõ những tài sản nào là tài sản riêng của mỗi bên và những tài sản nào là tài sản chung của vợ chồng. Vì khi xác định được phạm vi các loại tài sản, quyền sở hữu của mỗi bên thì vợ, chồng sẽ thỏa thuận và thống nhất được với nhau các quyền cũng như nghĩa vụ đối với từng loại tài sản.

Tiếp theo, trên cơ sở xác định nội dung về tài sản trong thỏa thuận trước đó vợ và chồng thỏa thuận về các quyền của mỗi bên đối với tài sản chung, tài sản riêng cũng như những nghĩa vụ riêng, nghĩa vụ chung về tài sản hai bên phải gánh chịu và những nhu cầu thiết yếu của gia đình sẽ được đảm bảo bằng tài sản chung hay tài sản riêng. Bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình là nghĩa vụ của vợ, chồng; trong trường hợp vợ chồng thỏa thuận tài sản bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình là tài sản chung nhưng tài sản chung không đủ thì vợ, chồng cần thỏa thuận việc có đóng góp tài sản riêng của mối bên và đóng góp bao nhiêu vào tài sản chung để đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho gia đình.

Về thời điểm có hiệu lực của thỏa thuận: thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng được lập trước khi kết hôn và có hiệu lực kể từ ngày vợ, chồng thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn theo trình tự, điều kiện và quy định của pháp luật.

Xuất phát từ nhu cầu của mỗi bên, vợ chồng có thể thỏa thuận các điều kiện được đưa ra khi chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận và xác định trong những trường hợp nào một bên hoặc cả hai bên vợ chồng có quyền yêu cầu chấm dứt chế độ tài sản này. Khi chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận, tài sản sẽ được chia cho vợ chồng theo thủ tục (thỏa thuận hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết) hoặc theo thỏa thuận của vợ chồng và nguyên tắc chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản đó. Về nguyên tắc tài sản có thể chia theo cách thức chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân hoặc theo nguyên tắc phân chia khác do hai vợ chồng tự thỏa thuận thống nhất với nhau. Và khi có tranh chấp xảy ra, việc giải quyết tranh chấp được ưu tiên áp dụng theo thỏa thuận của vợ chồng.

Cuối cùng, ngoài những nội dung chủ yếu nêu trên, trong nội dung của thỏa thuận vợ, chồng có thể thỏa thuận những nội dung khác (ví dụ như vấn đề cấp dưỡng cho cha, mẹ, con …) liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi bên.

2.3 Trường hợp Thỏa Thuận khi bị vô hiệu

Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(1) Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan;

(2) Vi phạm một trong các quy định sau đây:

- Quy định về Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng tại Điều 29 Luật HN&GĐ 2014;

- Quy định về Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình tại Điều 30 Luật HN&GĐ 2014;

- Quy định về Giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng tại Điều 31 Luật HN&GĐ 2014;

- Quy định về Giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tại Điều 32 Luật HN&GĐ 2014

(3) Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.

Công ty Luật TNHH HT Legal VN tự hào là Công ty Luật chuyên nghiệp và uy tín trong lĩnh vực dân sự, hành chính, hình sự. Chúng tôi tự tin và hoàn toàn có thể tư vấn, đại diện pháp lý cho Quý khách hàng để xử lý tranh chấp trong các lĩnh vực này. Nếu có nhu cầu tư vấn, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

Email: info@htlegalvn.com    Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Ngọc Thà
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục