Thế nào là Nhãn hiệu? Làm sao để Đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu để có hiệu quả nhất?

16/08/2021 - 3522 lượt xem

Thế nào là Nhãn hiệu? Làm sao để Đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu để có hiệu quả nhất?

 

 

 

 

 

 

 

Ở nước ta hiện nay, nhiều người vẫn chưa biết nhãn hiệu là gì? Và tại sao cần phải đăng ký nhãn hiệu.

Người Việt quen thuộc với những chiếc xe Dream, Wave  Alpha, Sirius, Exciter…hay những mặt hàng thiết yếu sử dụng hàng ngày như dầu gội Sunsilk, xà bông Lifebuoy, nước rửa chén Sunlight,… chính là những nhãn hiệu nổi tiếng. 

Dream và Wave Alpha là 2 nhãn hiệu nổi tiếng trong rất nhiều những nhãn hiệu mà hãng Honda đang sở hữu. Đến tận bây giờ, người Việt vẫn thường gọi tất cả các loại xe số là “xe honda” để phân biệt với “xe tay ga” mà không hiểu rõ về nó. 

Còn Sirius và Exciter là 2 nhãn hiệu thuộc sở hữu của hãng Yamaha đang được rất nhiều người Việt ưa chuộng. 

Tương tự như vậy, các nhãn hiệu Sunsilk, Lifebuoy và Sunlight cũng là những nhãn hiệu thuộc sở hữu của những công ty khác nhau. 

Tại sao họ không để nó là xe máy Honda, xe máy Yamaha hoặc đơn giản là dầu gội, nước rửa chén và xà bông thôi. 

Như đã nêu ở trên, một công ty có thể có nhiều mặt hàng chiến lược khác nhau ở những phân khúc thị trường khác nhau. Do đó, họ không thể đặt tên những mặt hàng khác nhau bằng một cái tên chung của công ty được. Điều đó sẽ tạo ra sự nhầm lẫn và không tạo ra hiệu ứng nhận diện cho thương hiệu. 

Vì vậy, nhãn hiệu rất quan trọng trong sản xuất kinh doanh. Và để bảo vệ nhãn hiệu đó không bị ai lấy cắp thì phải thực hiện đăng ký nhãn hiệu theo quy định pháp luật. 

Trong khuôn khổ bài viết này, HT Legal VN chủ yếu tập trung phân tích khái niệm, chủ thể được đăng ký nhãn hiệu, quy trình đăng ký nhãn hiệu và một số lưu ý quan trọng đối với việc đăng ký nhãn hiệu. 

- Cơ sở pháp lý

  • Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 (gọi tắt là LSHTT);

  • Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 36/2009/QH12;

  • Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ số 42/2019/QH14.

  • Thông tư 263/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.

- Nội dung:

1. Nhãn hiệu là gì? Như thế nào là đăng ký nhãn hiệu?

Khoản 16, Điều 4, LSHTT được sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định khái niệm nhãn hiệu như sau: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”.

Để bảo vệ nhãn hiệu thì chúng ta phải thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu với cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật. 

Vậy, đăng ký nhãn hiệu là thủ tục hành chính thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền để được xác nhận quyền sở hữu đối với nhãn hiệu kết quả của việc công nhận quyền sở hữu là được cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.

2. Những ai được đăng ký nhãn hiệu

- Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.

- Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.

- Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

- Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

3. Cách đăng ký nhãn hiệu hiệu quả nhất

Bước 1: Tra cứu nhãn hiệu

Tra cứu nhãn hiệu không phải thủ tục bắt buộc đối với các chủ thể thực hiện đăng ký.  Tuy nhiên để tránh mất thời gian và chi phí thì đây là bước nên thực hiện.

Truy cập trang web Thư viện số về sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam như sau: 

http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearch.php

Nếu kết quả tra cứu cho thấy nhãn hiệu có dấu hiệu bị trùng hoặc tương tự gây nhầm nhẫn với nhãn hiệu của cá nhân, tổ chức khác thì nên có những phương hướng để sửa lại nhãn hiệu của mình để không bị từ chối đơn khi thực hiện đăng ký.

Nếu kết quả tra cứu nhãn hiệu không bị trùng hoặc tương tự thì nên tiến hành ngay việc nộp đơn để được hưởng quyền ưu tiên.

Bước 2: Hoàn thiện về hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu

(1) Về mẫu đơn đăng ký nhãn hiệu

Sử dụng tờ khai đăng ký nhãn hiệu mẫu 04-NH theo Thông tư 16/2016/TT-BKHCN

Làm 02 tờ khai đăng ký nhãn hiệu để khi nộp được Cục sở hữu trí tuệ đóng dấu và dán mã vạch trả lại cho bạn 01 bản.

(2) Về mẫu nhãn hiệu dán trên tờ khai đăng ký nhãn hiệu

Sử dụng 02 mẫu nhãn dán trên 02 tờ khai đăng ký nhãn hiệu, và nộp kèm 08 mẫu nhãn rời. Lưu ý kích thước mẫu nhãn không vượt quá 80x80cm.

Cách mô tả nhãn hiệu trong tài khai đăng ký nhãn hiệu được quy định tại Điều 105 Luật SHTT sửa đổi, bổ sung 2019: “Mẫu nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu nếu có; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nhãn hiệu có từ, ngữ bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt.”

(3) Về thông tin cần điền trên tờ khai đăng ký nhãn hiệu 

Đặc biệt lưu ý phần trình bày về nhóm sản phẩm, dịch vụ đăng ký bảo hộ. 

Theo quy định tại Điều 105 LSHTT được sửa đổi, bổ sung 2019 thì “Hàng hóa, dịch vụ nêu trong đơn đăng ký nhãn hiệu phải được xếp vào các nhóm phù hợp với bảng phân loại theo Thỏa ước Ni-xơ về phân loại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu, do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố”.

Bước 4: Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho Cục Sở hữu trí tuệ

Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu gồm: 

  • 02 tờ khai đăng ký nhãn hiệu mẫu 04-NH; 

  • 08 mẫu nhãn; 

  • Chứng từ nộp lệ phí;

  • Giấy uỷ quyền (trong trường hợp uỷ quyền cho cá nhân, tổ chức khác thực hiện);

  • Các tài liệu liên quan gồm: (1) Giấy tờ pháp lý của cá nhân/tổ chức; (2) Tài liệu chứng minh quyền sử dụng/đăng ký nếu nhãn hiệu chứa các ký tự đặc biệt (tên, biểu tượng, cờ huy hiệu của cơ quan , tổ chức , dấu chứng nhận , dấu kiểm tra , dấu bảo hành , tên nhân vật , hình tượng tên thương mại , chỉ dẫn xuất xứ giải thưởng , huy chương , hoặc ký hiệu đặc trưng của sản phẩm , dấu hiệu thuộc phạm vi bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp của người khác; (3) Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể/ Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận nếu đăng ký nhãn hiệu tập thể

Trong đó, chứng từ nộp lệ phí: Lệ phí được nộp trực tiếp tại Cục SHTT hoặc ủy nhiệm chi qua ngân hàng vào tài khoản của Cục sở hữu trí tuệ. Mức thu lệ phí tính theo số nhóm, số sản phẩm, dịch vụ trong nhóm khai trong tờ khai đăng ký nhãn hiệu. Các khoản lệ phí theo Thông tư số 263/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp gồm:

  1. Lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp: 150.000 đồng;

  2. Lệ phí cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng

Nếu đơn nhãn hiệu có trên 01 nhóm sản phẩm/dịch vụ, từ nhóm thứ 2 trở đi phải nộp thêm cho mỗi nhóm: 100.000 đồng

  1. Phí thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (đối với nhãn hiệu cho mỗi nhóm có đến 6 sản phẩm/dịch vụ): 550.000 đồng

Nếu đơn nhãn hiệu có trên 6 sản phẩm/dịch vụ trong một nhóm, phải nộp thêm cho mỗi sản phẩm/dịch vụ từ thứ 7 trở đi: 120.000 đồng

  1. Phí phân loại quốc tế về hàng hóa, dịch vụ đối với nhãn hiệu (cho mỗi nhóm có không quá 6 sản phẩm/dịch vụ): 100.000 đồng

Nếu mỗi nhóm có trên 6 sản phẩm/dịch vụ, phải nộp thêm cho mỗi sản phẩm/dịch vụ từ thứ 7 trở đi: 20.000 đồng

  1. Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ việc thẩm định: 180.000 đồng/mỗi nhóm có 6 hàng hóa, dịch vụ. Từ sản hàng hóa, dịch vụ thứ 7 trở đi thì nộp thêm: 30.000 đồng/1 hàng hóa, dịch vụ

  2. Phí công bố thông tin về sở hữu công nghiệp: 120.000 đồng

  3. Phí đăng bạ thông tin về sở hữu công nghiệp: 120.000 đồng

Bước 5: Thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu

Thời gian thẩm định là 1 tháng kể từ ngày nộp đơn. Cục SHTT sẽ trả lời kết quả xét nghiệm hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu dựa trên các điểm sau:

  • Cục Sở hữu trí tuệ xem xét đơn đủ điều kiện về mẫu nhãn, hình thức, quyền nộp đơn, chủ sở hữu đơn, phân nhóm,….

  • Nếu đơn đăng ký đáp ứng điều kiện, Cục sẽ thông báo chấp nhận đơn hợp lệ và cho đăng công bố đơn.

  • Nếu đơn không đáp ứng điều kiện, Cục sẽ thông báo không chấp nhận đơn và đề nghị doanh nghiệp sửa đổi.

Bước 6: Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu

Thời gian thẩm định nội dung không quá 9 tháng kể từ ngày công bố đơn.

Cục Sở hữu trí tuệ xem xét các điều kiện đăng ký nhãn hiệu để đánh giá khả năng cấp văn bằng cho nhãn hiệu mà doanh nghiệp đăng ký. Nếu đơn đáp ứng đủ điều kiện thì Cục sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo dự định cấp văn bằng.

Nếu đơn không đáp ứng đủ điều kiện, Cục sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo không cấp văn bằng cho nhãn hiệu. Doanh nghiệp xem xét và gửi công văn trả lời, khiếu nại và đưa ra các căn cứ để cấp văn bằng.

Bước 7: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp không thuộc các trường hợp từ chối cấp văn bằng bảo hộ quy định tại khoản 1, khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 117 của Luật sở hữu trí tuệ và người nộp đơn nộp lệ phí thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.

Thời gian được bảo hộ: 

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.

4. Một số lưu ý đối với việc đăng ký nhãn hiệu

4.1. Màu sắc khi đăng ký nhãn hiệu

Bảo hộ nhãn hiệu ở nước ta vẫn cho phép một nhãn hiệu đăng ký ở dạng đen – trắng có thể được sử dụng ở các dạng màu sắc khác nhau. Miễn sao vẫn giữ nguyên được nội dung chữ/hình của nhãn hiệu và không xâm phạm quyền với nhãn hiệu đen – trắng hoặc màu của doanh nghiệp khác đã đăng ký.

4.2. Lưu ý về đăng ký nhãn hiệu hình, nhãn hiệu chữ, câu định vị khi đăng ký nhãn hiệu

Nhãn hiệu hình (logo): Có thể đăng ký độc lập bảo hộ với tư cách là nhãn hiệu hoặc kết hợp với phần chữ của nhãn hiệu.

Nhãn hiệu chữ: Đăng ký nhãn hiệu chữ chủ đơn đăng ký có thể lựa chọn hình thức của nhãn hiệu đăng ký theo các dạng sau:

  • Dạng đăng ký nhãn hiệu chữ thứ nhất: Chỉ đơn thuần cấu tạo từ các chữ in hoặc chữ số dạng tiêu chuẩn và chỉ ở dạng màu đen – trắng đơn giản.

  • Dạng đăng ký nhãn hiệu chữ thứ hai: Cấu tạo từ các từ ngữ, chữ cái, chữ số được cách điệu hoặc hình họa hóa hoặc chứa màu sắc.

4.3. Quyền ưu tiên ảnh hưởng đến đơn đăng ký nhãn hiệu

Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau hoặc trường hợp có nhiều đơn của cùng một người đăng ký các nhãn hiệu trùng dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.

Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký nêu trên cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thỏa thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thỏa thuận được thì các đối tượng tương ứng của các đơn đó bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

Nguyên tắc ưu tiên:

* Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn đầu tiên đăng ký bảo hộ cùng một đối tượng nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

(a) Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về quyền ưu tiên mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên hoặc có thỏa thuận áp dụng quy định như vậy với Việt Nam;

(b) Người nộp đơn là công dân Việt Nam, công dân của nước khác quy định tại điểm a khoản này cư trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước khác quy định tại điểm a khoản này;

(c) Trong đơn có nêu rõ yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên và có nộp bản sao đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;

(d) Đơn được nộp trong thời hạn ấn định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

** Trong một đơn đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở nhiều đơn khác nhau được nộp sớm hơn với điều kiện phải chỉ ra nội dung tương ứng giữa các đơn nộp sớm hơn ứng với nội dung trong đơn.

*** Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên có ngày ưu tiên là ngày nộp đơn của đơn đầu tiên.

 4.4. Thiết kế, lựa chọn đăng ký nhãn hiệu

Thiết kế nhãn hiệu đảm bảo tính độc lập, phản ánh được nét riêng của dịch vụ, hàng hóa bên mình và có sự khác biệt với nhãn hiệu đơn vị khác.

Nhãn hiệu có thể kết hợp giữa chữ và hình.

4.5. Sự đồng nhất giữa việc đăng ký nhãn hiệu và tên thương mại của doanh nghiệp

Khi đăng ký nhãn hiệu khách hàng cần đăng ký tên công ty có một phần nhãn hiệu đã đăng ký để tránh trường hợp sau khi nhãn hiệu được cấp văn bằng thì có đối thủ cạnh tranh đăng ký tên thương mại có phần chữ nhãn hiệu trùng với của mình.

4.6. Sự đồng nhất giữa việc đăng ký nhãn hiệu và tên miền

Nếu đăng ký nhãn hiệu mà tên công ty không đồng nhất với nhãn hiệu đã đăng ký thì có thể chọn thêm phương án đăng ký tên miền để chứng minh việc đăng ký nhãn hiệu cùng tên miền.

Sự đồng nhất giữa việc đăng ký nhãn hiệu và đăng ký bản quyền tác giả mỹ thuật ứng dụng đối với nhãn hiệu có phần hình và phần chữ

Với nhãn hiệu hình (logo) khi đăng ký có cùng thông tin nhãn hiệu chữ, quý khách không đăng ký tên thương mại công ty có thể lựa chọn khi đăng kỹ nhãn hiệu đồng thời đăng ký luôn bản quyền với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng cho nhãn hiệu gồm cả phần hình và phần chữ.

4.7. Các trường hợp không được bảo hộ nhãn hiệu:

  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước;

  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;

  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;

  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;

  • Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.

  • Nhãn hiệu không có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của HT Legal VN. Nếu có bất cứ thắc mắc gì hãy liên hệ ngay với chúng tôi Hotline: 096161.4040