THỦ TỤC ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU
ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU VỚI CÁC BƯỚC ĐƠN GIẢN SAU
Với nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và hội nhập nhanh chóng như hiện nay việc đăng ký nhãn hiệu đóng vai trò rất quan trọng trong việc phân biệt hàng hóa, dịch vụ của mình với các doanh nghiệp khác.
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Nên việc đăng ký thương hiệu, logo độc quyền cho hàng hóa, dịch vụ để xác lập quyền sở hữu là rất quan trọng để tránh được các trường hợp bị các chủ thể khác copy và dẫn đến những tranh chấp và mất thời gian có thể phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh.
1. Quyền đăng ký nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân
Khoản 13, Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ ( Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về quyền đăng ký nhãn hiệu như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.
2. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.
3. Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
4. Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.”
Như vậy, chủ thể được quyền đăng ký bao gồm: Tổ chức, cá nhân (tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp); Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp; Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ.
2. Điều kiện để cấp văn bằng bảo hộ
Nhãn hiệu được bảo hộ phải đáp ứng những điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ được quy định cụ thể tại Điều 72 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ năm 2009) như sau:
“1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hay nhiều màu sắc;
2.Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.”
Ngoài điều kiện được bảo hộ thì Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 cũng quy về những nhãn hiệu không được bảo hộ khi có các dấu hiệu quy định tại Điều 73 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ năm 2009).
3. Tra cứu nhãn hiệu
Để việc nộp hồ sơ có thể được nộp nhanh chóng và mang tính chính xác cao không gặp phải các vấn đề như bị trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu khác đã đăng ký trước đó. Thì việc này, pháp luật không yêu cầu và không bắt buộc phải tra cứu nhãn hiệu trước khi nộp đơn, nhưng đây lại là một bước rất quan trọng để chắc chắn khả năng đăng ký của chủ đơn.
4. Hồ sơ đăng ký
- Tờ khai đăng ký nhãn hiệu (Phụ lục A - Mẫu số 04-NH Ban hành theo Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ). Chủ đơn ký nháy ở các trang theo yêu cầu và riêng trang yêu cầu ký tên, ghi rõ họ tên (đóng dấu nếu là tổ chức - Không cần đóng giáp lai);
- 05 mẫu nhãn hiệu kèm theo (mẫu nhãn hiệu kèm theo phải giống hệt mẫu nhãn hiệu ở trên tờ khai đăng ký nhãn hiệu kể cả về kích thước lẫn màu sắc;
- Chứng từ nộp phí, lệ phí;
- Giấy ủy quyền (Nếu cá nhân hoặc tổ chức dịch vụ được ủy quyền);
- Các tài liệu liên quan khác (nếu có).
Số lượng hồ sơ: Hồ sơ gồm 02 bộ, Cục sở hữu trí tuệ sẽ giữ một (01) bản và người nộp đơn giữ một (01) bản.
5. Yêu cầu chung đối với đơn đăng ký
Mọi tài liệu được trình bày một mặt trên khổ giấy A4, với phông chữ Times New Roman, chữ không nhỏ hơn cỡ 13. Tài liệu phải được đánh máy một cách rõ ràng, sạch sẽ, không tẩy xóa, không sửa chữa (trường hợp sửa phải có chữ ký xác nhận của chủ đơn), đối với tài liệu cần lập theo mẫu thì bắt buộc phải sử dụng các mẫu đó và điền đầy đủ các thông tin theo yêu cầu vào những chỗ thích hợp.
6. Phí, lệ phí đăng ký nhãn hiệu
- Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ
- Phí công bố đơn: 120.000VNĐ
- Phí tra cứu phục vụ Thẩm định nội dung: 180.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ
- Phí tra cứu cho sản phẩm, dịch vụ thứ 7 trở đi: 30.000VNĐ/01 sản phẩm, dịch vụ
- Phí thẩm định nội dung: 550.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ
- Phí thẩm định nội dung cho sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi: 120.000VNĐ/01 sản phẩm, dịch vụ.
Căn cứ tại biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp theo Thông tư số 263/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính)
7. Hình thức nộp đơn
Có ba hình thức nộp đơn đó là nộp hồ sơ giấy trực tiếp, nộp trực tuyến hoặc nộp hồ sơ qua bưu điện.
- Nộp hồ sơ giấy hoặc nộp qua bưu điện thì chủ đơn có thể nộp đến một trong ba điểm tiếp nhận hồ sơ của Cục sở hữu trí tuệ đó là:
- Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
- Trường hợp chủ đơn nộp qua bưu điện thì chuyển tiền qua dịch vụ bưu điện, sau đó photo biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đăng ký nhãn hiệu đến các địa chỉ đã nêu trên.
- Nộp hồ sơ trực tuyến thì phải đăng ký tài khoản trên hệ thống tiếp nhận đơn trên cổng thông tin Cục sở hữu trí tuệ và chủ đơn phải có chứng thư số hoặc chữ ký số. Sau đó Cục sở hữu trí tuệ sẽ duyệt tài khoản để chủ đơn có thể thực hiện các giao dịch đăng ký này và có thể thực hiện việc gửi đơn đăng ký nhãn hiệu, khi đã hoàn thành thì hệ thống sẽ gửi lại phiếu xác nhận hồ sơ nộp trực tuyến và nộp phí/lệ phí theo quy định. Trong trường hợp đơn đăng ký hoặc các khoản phí/lệ phí không đủ thì sẽ bị từ chối tiếp nhận.
8. Thời hạn xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu
Kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ thì đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ được xem xét theo các trình tự như sau:
- Thẩm định hình thức: 01 tháng
- Công bố đơn: Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ.
- Thẩm định nội dung: Không quá 09 tháng, kể từ ngày công bố đơn.
Trên đây là nội dung trao đổi của chúng tôi về thủ tục đăng ký nhãn hiệu.
Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 09.6161.4040