Ngày nay, số vụ án Ly hôn tỷ lệ thuận với sự phát triển kinh tế, xã hội. Do áp lực cuộc sống hoặc quan hệ xã hội phức tạp, nên nhiều cặp vợ chồng khi nhận ra quan hệ hôn nhân không như mong muốn, mục đích của hôn nhân không đạt được và muốn kết thúc quan hệ hôn nhân rong êm đẹp. Vì không muốn gia đình, họ hàng, đồng nghiệp bàn tán về cuộc sống riêng tư, cũng như giảm các thủ tục pháp lý rườm rà khi ra Tòa, tiết kiệm thời gian tham gia tố tụng, họ thường lựa chọn cùng nhau viết đơn thuận tình ly hôn để gửi Cơ quan có nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Vậy, làm thế nào để được công nhận thuận tình ly hôn và phân biệt giữa thuận tình ly hôn với vụ án tranh chấp về việc ly hôn.
1. Thuận tình ly hôn là gì, điều kiện để được thuận tình ly hôn?
Theo quy định tại Điều 55 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Luật HN&GĐ) quy định: “Điều 55. Thuận tình ly hôn
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”
Do đó, điều kiện tiên quyết của thuận tình ly hôn phải là:
- Vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn một cách tự nguyện;
- Hai bên đã thỏa thuận về việc chia tài sản;
- Cả hai phải đạt được thỏa thuận về việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.
Như vậy, để được thuận tình ly hôn không phải dễ dàng như nhiều người từng nghĩ, mà phải có đẩy đủ tất cả 3 điều kiện trên và 3 điều kiện này đều được thống nhất, không có bất cứ tranh chấp nào. Nếu chỉ cần có 1 trong 2 bên không đồng ý ly hôn, có ý kiến về việc chia tài sản hoặc ai nuôi con hay cấp dưỡng bao nhiêu thì sẽ không được công nhận thuận tình ly hôn. Lúc này, chỉ cần vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn thì phải thực hiện theo thủ tục ly hôn theo yêu cầu của một bên (ly hôn đơn phương) và có 2 trường hợp xảy ra:
- Nếu chưa nộp đơn thuận tình ly hôn lên Tòa án, thì 1 bên vợ hoặc chồng nộp đơn xin ly hôn ra Tòa án để Tòa án thụ lý giải quyết vụ án tranh chấp ly hôn.
- Nếu đã nộp đơn xin thuận tình ly hôn ra Tòa án, Tòa án đã thụ lý vụ việc dân sự về việc thuận tình ly hôn thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ việc công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án tranh chấp ly hôn.
2. Quan hệ vợ chồng chấm dứt thời điểm nào?
Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.
Như vậy, một người được xem là đã ly hôn và chuyển sang tình trạng độc thân khi đã có quyết định, bản án và bản án đó phải có hiệu lực pháp luật giải quyết về việc Ly hôn.
Nhiều trường hợp, vợ chồng sống ly thân thời gian dài có khi 2, 3 năm hoặc 10 năm, cùng nhau viết thỏa thuận thuận tình ly hôn, thỏa thuận chia tài sản, thỏa thuận về việc nuôi, cấp dưỡng cụ thể rõ ràng và cùng nhau thực hiện…nhưng vẫn không nộp đơn ra Tòa thụ lý vụ án, cứ lầm tưởng bản thân đang trong tình trạng độc thân nên dễ dẫn đến quan hệ tình cảm với người khác, tài sản lúc này vẫn là tài sản vợ chồng thì cứ lầm tưởng là tài sản riêng.v.v.
Tuy nhiên, họ không biết rằng việc quan hệ tình cảm với người khác khi chưa được Tòa án công nhận về tình trạng hôn nhân là vi phạm pháp luật, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại khoản 1 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định:
“Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;”
Khi đã vi bị xử phạt hành chính rồi, nhưng vẫn tiếp tục mối quan hệ hoặc gây hậu quả đỗ vỡ gia đình người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
Theo Điều 182 của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng:
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.”
Hình phạt cao nhất là đến 03 năm tù nếu dẫn đến làm vợ, chồng, con của 1 trong 2 bên tự sát hoặc sau khi Tòa án có quyết định về việc sống chung là trái pháp luật mà vẫn tiếp tục mối quan hệ.
3. Thời hạn để Tòa án ra quyết định và hiệu lực của quyết định công nhận thuận tình ly hôn.
Tại Điều 212 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“ Điều 212: Ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự
1. Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thoả thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.
2. Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự nếu các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.”
Và “Điều 213. Hiệu lực của quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự:
1. Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
2. Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thoả thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.”
Theo đó, sau khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc thuận tình ly hôn, chia tài sản và nuôi con thì pháp luật quy định các bên có 07 ngày để suy nghĩ lại về quyết định của mình. Khi hết thời hạn 7 ngày thì Tòa án mới ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và quyết định này có hiệu lực ngay, không được kháng cáo và không bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; đây là điểm khác biệt về hiệu lực của quyết định thuận tình ly hôn với bản án giải quyết tranh chấp ly hôn là có thể bị kháng cáo, kháng nghị hoặc chờ hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị mới có hiệu lực pháp luật.
4. Thẩm quyền Tòa án giải quyết ly hôn thuận tình:
Tại Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự quy định:
“Điều 39: Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ:
2. Thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
….
h) Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn;
i) Tòa án nơi một trong các bên thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận sự thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì Tòa án nơi người con đang cư trú có thẩm quyền giải quyết;”
Thuận tình ly hôn là do hai vợ chồng cùng đồng ý và cùng thỏa thuận với nhau nên có thể nộp ở Tòa án nơi các bên thống nhất lựa chọn Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
Như vậy, khi thuận tình ly hôn, hai người có thể thỏa thuận đến Tòa án cấp huyện nơi cư trú của vợ hoặc của chồng để làm thủ tục; trong trường hợp có yếu tố nước ngoài thì nộp ở Tòa án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương.
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040