Về cơ bản, công dân được quyền tiếp cận tới tất cả các thông tin của cơ quan nhà nước trừ những thông tin không được tiếp cận (bí mật nhà nước, thông tin gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước) và những thông tin được tiếp cận có điều kiện (bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân). Tuy vậy, các bên khi thu thập hồ sơ qua việc yêu cầu thông tin về đất đai thì vẫn có trường hợp cơ quan nhà nước ra quyết định từ chối cung cấp thông tin. Do vậy, mỗi công dân đều nên hiểu về quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực đất đai để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ bài viết dưới đây để Quý khách hàng có thông tin pháp lý tham khảo.
I. Cơ sở pháp lý
- Luật tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13 ngày 06 tháng 4 năm 2016;
- Luật đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29 tháng 11 năm 2013;
- Thông tư 34/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định về xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai (“Thông tư 34/2014/TT-BTNMT”);
- Thông tư số 24/2019/TT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Sửa đổi và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành, liên tịch ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (“Thông tư 24/2019/TT-BTNMT”).
II. Nội dung
1. Nguyên tắc chung về quyền tiếp cận thông tin
Trên lý thuyết, công dân có quyền tiếp cận tất cả thông tin của cơ quan nhà nước trừ những thông tin bị hạn chế tiếp cận theo quy định của pháp luật. Tại Điều 6 và 7 Luật tiếp cận thông tin quy định về những thông tin không được tiếp cận và tiếp cận có điều kiện.
Những thông tin công dân không được tiếp cận bao gồm:
- Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật. Khi thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của Luật này.
- Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.
Những thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện bao gồm:
- Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được tiếp cận trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý.
- Thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp được người đó đồng ý; thông tin liên quan đến bí mật gia đình được tiếp cận trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý.
Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người đứng đầu cơ quan nhà nước quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý theo quy định.
2. Tiếp cận thông tin trong lĩnh vực đất đai
Như vậy, công dân được quyền tiếp cận với tất cả các thông tin trừ thông tin những thông tin bị hạn chế như phân tích trên. Trong lĩnh vực đất đai, những dữ liệu được công bố công khai được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 24/2019/TT-BTNMT:
- Danh mục dữ liệu có trong cơ sở dữ liệu đất đai;
- Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt;
- Khung giá đất, bảng giá đất đã công bố;
- Thông tin về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai;
- Các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai.
Ngoài ra, mặc dù không có hiệu lực pháp luật nhưng có thể tham khảo Điều 25 Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể và đầy đủ hơn về những dữ liệu về đất đai công dân được tiếp cận:
- Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch có sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; kết quả thống kê, kiểm kê đất đai; bảng giá đất đã được công bố, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
- Thông tin về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.
- Văn bản quy phạm pháp luật về đất đai.
- Việc tiếp cận thông tin đất đai theo quy định của Luật này và pháp luật về tiếp cận thông tin.
3. Phương thức khai thác thông tin về đất đai
Theo Điều 9 Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT tổ chức, cá nhân khai thác thông tin về đất đai qua những hình thức sau:
- Khai thác thông tin đất đai qua mạng internet, cổng thông tin đất đai, dịch vụ tin nhắn SMS (chủ yếu là tra cứu văn bản quy phạm pháp luật về đất đai như Luật Đất đai, Nghị định, thông tư…);
- Khai thác thông tin đất đai thông qua Phiếu yêu cầu hoặc văn bản tại cơ quan có thẩm quyền cung cấp dữ liệu đất đai (đây là hình thức chủ yếu khi muốn biết dữ liệu về một thửa đất cụ thể).
4. Trách nhiệm của cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai
Khoản 3 Điều 10 Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT:
- Bảo đảm cho tổ chức, cá nhân truy cập thuận tiện; có công cụ tìm kiếm dữ liệu dễ sử dụng và cho kết quả đúng nội dung cần tìm kiếm;
- Bảo đảm khuôn dạng dữ liệu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định để dễ dàng tải xuống, hiển thị nhanh chóng và in ấn bằng các phương tiện điện tử phổ biến;
- Hỗ trợ tổ chức, cá nhân truy cập hệ thống thông tin đất đai;
- Bảo đảm tính chính xác, thống nhất về nội dung, cập nhật thường xuyên và kịp thời của dữ liệu trong hệ thống thông tin đất đai;
- Quy định rõ thời hạn tồn tại trực tuyến của từng loại thông tin;
- Thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Tuy nhiên, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai có quyền từ chối cung cấp nếu thuộc các trường hợp tại Điều 13 Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT:
- Văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu mà nội dung không rõ ràng, cụ thể; yêu cầu cung cấp dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước không đúng quy định.
- Văn bản yêu cầu không có chữ ký của người có thẩm quyền và đóng dấu xác nhận đối với tổ chức; phiếu yêu cầu không có chữ ký, tên và địa chỉ cụ thể của cá nhân yêu cầu cung cấp dữ liệu.
- Mục đích sử dụng dữ liệu không phù hợp theo quy định của pháp luật.
- Không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Bài viết trên đây là tổng quan về quyền tiếp cận thông tin khi thu nhập hồ sơ về tranh chấp đất đai. Để được tư vấn chi tiết về vấn đề pháp lý nói trên hoặc vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 0161 4040