TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP LÀ GÌ? ĐẶC ĐIỂM CỦA TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP? ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU? (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TẠI TP HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

25/10/2024 - 243 lượt xem

- Mệnh giá của trái phiếu chào bán ra công chúng là 100.000 đồng và bội số của 100.000 đồng (khoản 2 Điều 14 Luật Chứng khoán 2019); - Mệnh giá của trái phiếu riêng lẻ: Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, mệnh giá là 100.000.000 đồng Việt Nam hoặc bội số của 100.000.000 đồng Việt Nam (điểm a khoản 4 Điều 6 Nghị định 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022)

TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP LÀ GÌ? ĐẶC ĐIỂM CỦA TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP? ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU?

(CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TẠI TP HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

 

Hiện nay, việc mua trái phiếu là một trong những phương thức đầu tư sinh lợi có hiệu quả bên cạnh việc gửi tiết kiệm ngân hàng, cho vay hay mua cổ phiếu được các doanh nghiệp phát hành. Dựa trên tiêu chí chủ thể phát hành, trái phiếu được phân thành các loại như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu của các ngân hàng, tổ chức tài chính, trái phiếu doanh nghiệp,…

Vậy trái phiếu doanh nghiệp là gì? Có đặc điểm như thế nào và trái phiếu có những ưu và nhược điểm gì? Bài viết sau đây, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ về các vấn đề sau:

I. Cơ sở pháp lý:

- Luật chứng khoán 2019 số 59/2019/QH14 ngày 26 tháng 11 năm 2019;

- Nghị định 153/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31/12/2020 Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 153/2020/NĐ-CP);

- Nghị định 155/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31/12/2020 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (Nghị định 155/2020/NĐ-CP);

II. Nội dung:

1. Khái niệm và phân loại trái phiếu doanh nghiệp

Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 153/2020/NĐ-CP:

“Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành”.

Trái phiếu doanh nghiệp có nhiều loại và đa dạng, trong phạm vi Luật Chứng khoán 2019, trái phiếu doanh nghiệp gồm:

- Trái phiếu được phát hành ra công chúng và

- Trái phiếu được phát hành riêng lẻ.

 

2. Các đặc điểm của trái phiếu doanh nghiệp

2.1 Chủ thể được phép phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam (khoản 1 Điều 2 Nghị định 153/2020/NĐ-CP).

Như vậy, đối với loại hình Doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh thì không được phép phát hành trái phiếu để huy động vốn từ tổ chức, cá nhân.

2.2 Chủ thể được phép mua trái phiếu doanh nghiệp

a. Đối với trái phiếu phát hành ra công chúng

Mọi cá nhân, tổ chức đủ điều kiện năng lực chủ thể theo quy định pháp luật thì đều có quyền mua, sở hữu trái phiếu loại này.

b. Đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Đối tượng được mua trái phiếu được pháp luật xác định cụ thể như sau:

- Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán 2019, Điều 4, 5 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.

- Đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.

“Nhà đầu tư chiến lược” là nhà đầu tư được Đại hội đồng cổ đông lựa chọn theo các tiêu chí về năng lực tài chính, trình độ công nghệ và có cam kết hợp tác với công ty trong thời gian ít nhất 03 năm (khoản 17 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019)

2.3 Kỳ hạn trái phiếu

Do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt chào bán căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp (khoản 1 Điều 6 Nghị định 153/2020/NĐ-CP). Tuy nhiên, cần lưu ý mỗi đợt phát hành phải đảm bảo tối thiểu là 01 năm.

So với cổ phiếu: Cổ phiếu lại là loại chứng khoán không có thời hạn xác định, nó gắn liền với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phát hành.

2.4 Mệnh giá trái phiếu

Mệnh giá trái phiếu còn được gọi là giá trị danh nghĩa của trái phiếu, giá trị này được ghi trực tiếp lên trái phiếu và được xem như số vốn gốc của các nhà đầu tư

- Mệnh giá của trái phiếu chào bán ra công chúng là 100.000 đồng và bội số của 100.000 đồng (khoản 2 Điều 14 Luật Chứng khoán 2019)

- Mệnh giá của trái phiếu riêng lẻ

Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, mệnh giá là 100.000.000 đồng Việt Nam hoặc bội số của 100.000.000 đồng Việt Nam (điểm a khoản 4 Điều 6 Nghị định 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022)

- Đối với trái phiếu chào bán ra thị trường quốc tế, mệnh giá thực hiện theo quy định tại thị trường phát hành.

2.5 Hình thức trái phiếu

Trái phiếu được chào bán dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử do Doanh nghiệp phát hành quyết định cụ thể hình thức trái phiếu đối với mỗi đợt chào bán.

2.6 Lãi suất trái phiếu

Lãi suất danh nghĩa trái phiếu có thể xác định theo một trong các phương thức: lãi suất cố định cho cả kỳ hạn trái phiếu; lãi suất thả nổi; hoặc kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi (khoản 6 Điều 6 Nghị định 153/2020/NĐ-CP).

 

3. Điều kiện chào bán trái phiếu doanh nghiệp bao gồm những gì?

3.1 Điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng

Căn cứ theo khoản 3 Điều 15 Luật Chứng khoán 2019 và Điều 19 Nghị định 155/2020/NĐ CP, điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng bao gồm:

- Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;

- Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm;

- Có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua;

- Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác;

- Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;

- Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;

- Có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng;

* Xếp hạng tín nhiệm

Tổ chức phát hành hoặc trái phiếu đăng ký chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong các trường hợp sau:

- Tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất trong các báo cáo sau: báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp tổ chức phát hành là đối tượng phải công bố báo cáo tài chính bán niên được soát xét) bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận; hoặc

- Tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất trong các báo cáo sau: báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp tổ chức phát hành là đối tượng phải công bố báo cáo tài chính bán niên được soát xét) bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận (khoản 2 Điều 19 Nghị định 155/2020/NĐ-CP)”

- Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán;

- Tổ chức phát hành có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.

3.2 Điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ

3.2.1 Đối với tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng: thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan (Điều 30 Luật Chứng khoán 2019)

3.2.2 Đối với công ty đại chúng; công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng, điều kiện chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ bao gồm:

- Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán; xác định rõ tiêu chí, số lượng nhà đầu tư;

- Đối tượng tham gia đợt chào bán chỉ bao gồm nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

- Việc chuyển nhượng trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu là 03 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu là 01 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật;

- Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán gần nhất;

-Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.

** Công ty đại chúng không thuộc trường hợp trên thì Điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ bao gồm:

- Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thông qua phương án phát hành và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán; xác định rõ tiêu chí, số lượng, nhà đầu tư;

- Đối tượng tham gia đợt chào bán chỉ bao gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

- Việc chuyển nhượng trái phiếu chào bán riêng lẻ chỉ được thực hiện giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật;

- Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã chào bán hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt chào bán trái phiếu (nếu có), trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho các chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn;

- Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận;

- Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật (nếu có).

** Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng và không thuộc trường hợp nêu trên thì Điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ bao gồm: 

- Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua phương án phát hành và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán; xác định rõ tiêu chí, số lượng nhà đầu tư;

- Đối tượng tham gia đợt chào bán chỉ bao gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

- Việc chuyển nhượng trái phiếu chào bán riêng lẻ chỉ được thực hiện giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật;

- Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận;

- Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật (nếu có).

 

4. Các ưu và nhược điểm của trái phiếu doanh nghiệp

4.1 Ưu điểm:

- Tính thanh khoản: So với các loại trái phiếu khác, trái phiếu doanh nghiệp thu hút các nhà đầu tư ở yếu tố lợi nhuận hấp dẫn hơn, dẫn đến thị trường trái phiếu doanh nghiêp được giao dịch mạnh mẽ hơn, tạo tính thanh khoản cao.

- Trái phiếu là chứng khoán nợ (người nắm giữ trái phiếu là chủ nợ của công ty), không làm tăng vốn của chủ sở hữu công ty. Do đó Người sở hữu trái phiếu không phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty.

- Lợi tức thường cố định không thay đổi, không phụ thuộc vào việc sản xuất kinh doanh của công ty có lãi hay không có lãi.

- Khi công ty bị giải thể hay phá sản thì chủ sở hữu trái phiếu được ưu tiên thanh toán gốc và lãi trái phiếu trước (cổ phiếu) chủ sở hữu cổ phần.

- Được ưu tiên hoàn trả tiền khi doanh nghiệp bị phá sản

4.2 Nhược điểm:

- Người có trái phiếu không có quyền tham gia vào các cơ quan quản lý của doanh nghiệp, không được quyền bỏ phiếu quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt đông của doanh nghiệp.

Điểm khác biệt đặc trưng giữa trái phiếu và cổ phiếu là khi một nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp, có nghĩa là họ cho công ty đó vay tiền. Ngược lại, khi một nhà đầu tư mua cổ phiếu, nghĩa là họ mua một phần của công ty. Giá trị của các cổ phiếu tăng và giảm đi theo giá trị của công ty, cho phép các nhà đầu tư kiếm lợi nhuận hoặc thua lỗ.

 

Trên đây là nội dung liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, đặc điểm và điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp Quý khách hàng còn thắc mắc hoặc cần liên hệ hỗ trợ thì có thể liên hệ đến:

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, Q. Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP3: 5 Ngách 252/115 Tây Sơn, P. Trung Liệt, Q. Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 0961614040 - 0922224040 – 0945174040

Thuỵ Du
Theo HT Legal VN