Ưu và nhược điểm khi giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài đối với tranh chấp trong hợp đồng

20/01/2021 - 2287 lượt xem

Ưu và nhược điểm khi giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài

Trong bài viết trước, chúng tôi đã đề cập đến những lưu ý khi xác lập giao dịch giữa các bên với nhau, một trong những vấn đề cần quan tâm chính là điều khoản giải quyết tranh chấp trong Hợp đồng.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chia sẻ những ưu, nhược điểm khi áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng hình thức Trọng tài Thương mại.

- Trọng tài thương mại là gì?

Căn cứ Khoản 1, Điều 3, Luật trọng tài thương mại năm 2010 thì: “1. Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này”

- Những nguyên tắc cần biết khi áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài Thương mại

Thứ nhất, Trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội (Khoản 1, Điều 4, Luật Trọng tài thương mại 2010)

Nguyên tắc này được chứng minh cụ thể qua việc cho phép các bên thỏa thuận lựa chọn Trọng tài viên giải quyết và thẩm chí được lựa chọn cả trình tự, thủ tục giải quyết.

Căn cứ Khoản 5, Khoản 7, Điều 3, Luật trọng tài thương mại 2010:

“5. Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này.

……...

7. Trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này và trình tự, thủ tục do các bên thoả thuận.”

Về định hướng là tự do thỏa thuận tuy nhiên việc thỏa thuận của các bên không được vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.

Thứ hai, Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật (Khoản 2, Điều 4, Luật trọng tài thương mại 2010):

Đây được xem là nguyên tắc cơ bản của bên đóng vai trò trung gian giải quyết tranh chấp giữa, nguyên tắc này giống như nguyên tắc của phương thức giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án.

Thứ ba, Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình (Khoản 3, Điều 4, Luật trọng tài thương mại 2010):

Dù ở tư cách người đi khởi kiện hay người bị kiện thì các bên tranh chấp đều có các quyền và nghĩa vụ bình đẳng với nhau, Hội đồng Trọng tài là bên trung gian định hướng giải quyết vụ án theo thủ tục quy định,vì vậy Hội đồng trọng tài phải có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

Thứ tư, Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Bởi lẽ, bản chất của tranh chấp thương mại khác với những tranh chấp mang tính dân sự bình thường, nhưng tranh chấp về thương mại giảm thiểu tối đa bí mật kinh doanh, các giấy tờ tài liệu của Công ty có thể bị lộ. Mà hậu quả của việc lộ bí mật kinh doanh có thể dẫn tới nhiều hậu quả mà không thể lường trước được.

Thứ 5, Phán quyết trọng tài là chung thẩm.

Nguyên tắc này có khác với lựa chọn giải quyết theo con đường Tòa án ở chỗ là đối với phán quyết của Tòa án thì có thể bị kháng cáo, kháng nghị nhưng đối với phán quyết của trọng tài thương mại thì đó là phán quyết cuối cùng và không thể bị kháng cáo.

Từ những nguyên tắc trên, việc áp dụng giải quyết tranh chấp sẽ có những ưu, nhược điểm sau:

  • Về ưu điểm:
  1. Tiết kiệm được thời gian và công sức vì thủ tục giải quyết của trọng tài đơn giản, nhanh chóng giúp các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp, kết quả của pháp quyết trọng tài là chung thẩm nên không phải mất thời gian trải qua nhiều cấp như Tòa án.
  2. Việc giải quyết của trọng tài thương mại không được công khai trừ khi có thỏa thuận của các bên giúp đảm bảo được bí mật kinh doanh và đảm bảo uy tín của doanh nghiệp.
  3. Các bên có thể thỏa thuận lựa trọng tài viên, có thể lựa chọn được trọng viên giỏi, nhiều năm kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực giải quyết đối với lĩnh vực các bên đang tranh chấp giúp giải quyết chính xác và nhanh chóng.
  • Về hạn chế:
  1. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài là các bên phải có thỏa thuận Trọng tài tuy nhiên Thỏa thuận trọng tài phải đúng hình thức và nội dung. Thực tế, có rất nhiều trường hợp các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài nhưng thỏa thuận này bị vô hiệu hoặc sai tên Trung tâm trọng tài hoặc thỏa thuận Trọng tài không đầy đủ thì phương thức giải quyết tranh chấp này cũng không thể thực thi được, một khi đã có tranh chấp thì việc ngồi lại nghe những khó khăn thực tế của nhau còn rất khó huống chi yêu cầu các bên ngồi lại thỏa thuận phương thức giải quyết trọng tài thì rất khó khả thi.

 

  1. Phán quyết của Trọng tài tuy là chung thẩm nhưng vẫn có thể bị hủy khi rơi vào một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 68, Luật trọng tài thương mại 2010. Khi đó các bên sẽ phải tiếp tục giải quyết tranh chấp lại từ đầu tốn nhiều thời gian chi phí.

Trên đây là nội dung trao đổi của chúng tôi về phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài.

Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 09.7117.4040

HT LEGAL VN