Vẫn tiếp tục đi làm khi hợp đồng lao động đã hết thời hạn?

25/02/2021 - 1764 lượt xem

Vẫn tiếp tục đi làm khi hợp đồng lao động đã hết thời hạn?

 

Thực tế, có rất nhiều trường hợp mặc dù đã hết thời hạn hợp đồng nhưng người lao động vẫn tiếp tục làm việc và hầu hết người lao động không am hiểu về những quyền lợi của mình nên không tránh khỏi những rủi ro phát sinh. Trong bài viết này chúng tôi muốn chia sẻ một số vấn đề thường gặp phải của người lao động và những điều cần lưu ý khi va chạm phải tình huống này.

1. Hợp đồng lao động

Theo Khoản 1, Điều 13 Bộ Luật lao động năm 2019 quy định như sau:

“1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.”

Như vậy, về bản chất Hợp đồng lao động cũng là một loại giao dịch dân sự nên trên tinh thần pháp luật hợp đồng lao động phải được giao kết dựa trên sự tự nguyện, bình đẳng và thiện chí của các bên và không trái với pháp luật hay chuẩn mực đạo đức, xã hội.

2. Các loại hợp đồng lao động

Hiện nay, Bộ luật lao động năm 2019 chỉ còn hai loại hợp đồng được quy định cụ thể tại Điều 20 là hợp đồng không xác định thời hạn và hợp đồng xác định thời hạn và phải được giao kết một trong các loại hợp đồng này.

“a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.”

Như vậy thì năm 2021 đã chính thức bỏ quy định về hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Vậy khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết thời hạn nhưng người lao động vẫn tiếp tục đi làm thì giải quyết như thế nào khi tranh chấp phát sinh sau khi hợp đồng hết hạn?

Căn cứ Khoản 2 Điều 20 Bộ Luật lao động năm 2019 quy định:

“a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;

b) Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

c) Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này (*).”

Như vậy, trường hợp hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn mà trong vòng 30 ngày người lao động vẫn không thông báo gì về việc ký kết hợp đồng mới với người lao động thì người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì lúc này hợp đồng lao động sẽ tự động chuyển sang loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

3. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi tiếp tục để người lao động tiếp tục làm việc nhưng không ký hợp đồng lao động

Trong trường hợp này người sử dụng lao động lưu ý vì nếu không ký kết hợp đồng lao động mới với người lao động thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động cụ thể:

“Điều 8. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động

1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.”

Qua đó, nếu vi phạm thì người sử dụng lao động sẽ bị phạt một khoản tiền do vi phạm về quy định này về việc không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động.

*Điều 149. Sử dụng người lao động cao tuổi: 1. Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Điều 151. Điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam: ...2. Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Điều 177. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở: ….4. Phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động.”

Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 0961614040

 

HT LEGAL VN