BÃI NHIỆM, MIỄN NHIỆM THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ

13/11/2021 - 2620 lượt xem

I. Câu hỏi

Khách hàng là Doanh nghiệp cần tư vấn pháp lý về trường hợp làm sao để thay đổi thành viên Hội đồng quản trị trong Công ty cổ phần khi thành viên Hội đồng quản trị này vẫn chưa hết nhiệm kỳ.

II. Giải đáp

Đối với trường hợp này, Công ty Luật HT Legal VN tư vấn cho Quý Doanh nghiệp như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

- Điều lệ tổ chức và hoạt động của Doanh nghiệp;

- Quy chế nội bộ về quản trị công ty;

- Luật doanh nghiệp ngày 17/06/2020 (Luật doanh nghiệp 2020);

- Luật chứng khoán ngày 26/11/2019 (Luật chứng khoán 2019);

- Các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Nội dung:

2.1. Thẩm quyền

Quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị thuộc về Đại hội đồng cổ đông Công ty theo điểm c Khoản 1, điểm h Khoản 2 Điều 15 Điều lệ (Quyền và nghĩa vụ của Đại hội đồng cổ đông): “Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên”.

2.2. Hình thức, tỷ lệ thông qua

* Hình thức

Việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị là một trong những nội dung phải thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông theo điểm h Khoản 2 Điều 15 Điều lệ và Khoản 9 Điều 11 Quy chế quản trị nội bộ.

Việc tiến hành bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị được thực hiện bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp.

Căn cứ quy định:

+ Khoản 1 Điều 147 Luật Doanh nghiệp: “1. Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết thuộc thẩm quyền bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản”.

+ Điểm d Khoản 1 Điều 22 Điều lệ công ty, Điều 21 Quy chế quản trị nội bộ, điểm d Khoản 2 Điều 147 Luật doanh nghiệp: “…Không được lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 147 Luật Doanh nghiệp, cụ thể là:… d) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát…”

* Tỷ lệ thông qua

Bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị là quyết định thường nên tỷ lệ thông qua Nghị quyết khi được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành, căn cứ Khoản 2 Điều 21 Điều lệkhoản 2 Điều 16 Quy chế quản trị nội bộ (Điều kiện để Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được thông qua): “2. Các nghị quyết được thông qua khi được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1 Điều này và khoản 3, 4, 6 Điều 148 Luật doanh nghiệp”.

2.3. Quy định về bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị

Các trường hợp thay thế, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị được quy định tại Điều 52 Quy chế quản trị nội bộ, Điều 8 Quy chế hoạt động HĐQT, Điều 160 Luật doanh nghiệp, cụ thể:

+ Khoản 1 Điều 52 quy định về các trường hợp Đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị gồm:

(1) Không có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định tại Điều 155 của Luật Doanh nghiệp;

(2) Có đơn từ chức và được chấp thuận;

(3) Trường hợp khác quy định tại Điều lệ Công ty.

+ Khoản 2 Điều 52 quy định về các trường hợp bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị:

(1) Không tham gia các hoạt động của Hội đồng quản trị trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;

(2) Trường hợp khác quy định tại Điều lệ Công ty.

+ Khoản 3 Điều 52 quy định: Khi xét thấy cần thiết, Đại hội đồng cổ đông quyết định thay thế thành viên Hội đồng quản trị, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị ngoài trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Riêng quy định tại Khoản 3 Điều 52 Quy chế quản trị nội bộ nêu trên, cho phép Đại hội đồng cổ đông có thể bãi nhiệm, miễn nhiệm bất cứ lúc nào và không cần lý do vì hiệu quả hoạt động chung của công ty.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về tình huống pháp lý của Quý Doanh nghiệp.

Chi tiết liên hệ:

Email: info@htlegalvn.com hoặc Hotline: 09 6161 4040

HT Legal VN

Cùng chuyên mục