TRƯỜNG HỢP NÀO DOANH NGHIỆP KHÔNG CẦN LẬP VÀ NỘP BÁO CÁO TÀI CHÍNH (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TẠI TP HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

16/09/2024 - 327 lượt xem

a. Doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm (%) tính trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập báo cáo tài chính để nộp cho cơ quan thuế (khoản 1 Điều 18 Thông tư 132/2018/TT-BTC) b. Các Doanh nghiệp được gộp kỳ tính thuế (khoản 3 Điều 3 Thông tư 78/2014/TT-BTC) c. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (Điều 4.2 Nghị định 126/2020/NĐ-CP)

TRƯỜNG HỢP NÀO DOANH NGHIỆP KHÔNG CẦN LẬP VÀ NỘP BÁO CÁO TÀI CHÍNH

(CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TẠI TP HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

 

Báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán, được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán (Điều 3.1 Luật Kế toán 2015). Đơn giản hơn, báo cáo tài chính cung cấp các thông tin về tình hình tài chính - một bức tranh gần như toàn cảnh hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp trong từng thời kỳ nhất định, trong đó thể hiện tài sản, nợ, vốn, lãi, lỗ trong kinh doanh, sự luân chuyển dòng tiền trong doanh nghiệp…

Theo quy định tại Điều 99.1 Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán Doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành: “Hệ thống Báo cáo tài chính năm được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các ngành và các thành phần kinh tế”. Vậy, việc lập và nộp báo cáo tài chính là nghĩa vụ của doanh nghiệp, họ phải lập và trình báo cáo tài chính năm cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tùy thuộc loại hình doanh nghiệp mà cơ quan phụ trách tiếp nhận báo cáo tài chính cũng khác nhau.

Mục đích của việc lập báo cáo tài chính ngoài giúp doanh nghiệp xem xét, quan sát tổng quan hoạt động kinh doanh của mình, còn giúp cơ quan nhà nước có được cái nhìn tổng quan nhất về tình hình hoạt động, hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp trong từng chu kỳ nhất định, giúp các cơ quan chức năng kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản và nguồn hình thành tài sản, giám sát các khoản thu, chi tài chính, nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ của doanh nghiệp, đồng thời có thể kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán hay trong hoạt động kinh doanh.

Như vậy, hầu hết các doanh nghiệp có nghĩa vụ lập và nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để họ thực hiện các mục tiêu nêu trên. Tuy nhiên, có phải trường hợp nào doanh nghiệp cũng phải lập và nộp báo cáo tài chính? Bài viết sau đây, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ với Quý khách hàng các vấn đề sau:

1. Các trường hợp doanh nghiệp không cần lập Báo cáo tài chính

2. Doanh nghiệp không phát sinh doanh thu có phải nộp báo cáo tài chính?

3. Xử phạt như thế nào nếu Doanh nghiệp không nộp báo cáo tài chính?

 

I. Căn cứ pháp lý

- Thông tư 132/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính Hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ (“Thông tư 132/2018/TT-BTC”)

- Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thi hành Nghị định 218/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành (“Thông tư 78/2014/TT-BTC”)

- Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính Phủ Quy định chi tiết một số điều của luật quản lý thuế (“Nghị định 126/2020/NĐ-CP”)

- Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ tài chính Hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp (“Thông tư 200/2014/NĐ-CP)

- Nghị định 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính Phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập (“Nghị định 41/2018/NĐ-CP”)

II. Nội dung

1. Các trường hợp Doanh nghiệp không cần lập báo cáo tài chính:

a. Doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm (%) tính trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập báo cáo tài chính để nộp cho cơ quan thuế (khoản 1 Điều 18 Thông tư 132/2018/TT-BTC)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP, Doanh nghiệp siêu nhỏ gồm:

- Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng: sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.

- Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ: sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.

Theo đó, những doanh nghiệp siêu nhỏ này không bắt buộc phải lập báo cáo tài chính để nộp cho cơ quan thuế vì họ không buộc phải mở các tài khoản kế toán mà chỉ ghi đơn trên sổ kế toán (chỉ ghi chép nghiệp vụ kinh tế phát sinh vào khoản mục cần theo dõi mà không cần phản ánh các tài khoản đối ứng) để theo dõi các khoản doanh thu, thu nhập và các khoản thuế phải nộp nhà nước, các khoản tiền lương và các khoản trích theo lương,... phục vụ cho việc xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước (Điều 16.1 Thông tư 132/2018/TT-BTC).

Lưu ý: Riêng Doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp thu nhập tính thuế thì vẫn phải lập báo cáo tài chính (Điều 13 Thông tư 132/2018/TT-BTC) và phải được gửi cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính đồng thời phải được bảo quản, lưu trữ tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật kế toán để phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền (Điều 14.2 Thông tư 132/2018/TT-BTC)

Như vậy, do mô hình kinh doanh mang tính nhỏ lẻ, quy trình quản lý, vận hành đơn giản nên các doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm tính trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập báo cáo tài chính để nộp cho cơ quan thuế trừ trường hợp lựa chọn áp dụng chế độ kế toán theo quy định tại Chương II Thông tư 132/2018/TT-BTC - Doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp tính trên thu nhập tính thuế.

b. Các Doanh nghiệp được gộp kỳ tính thuế (khoản 3 Điều 3 Thông tư 78/2014/TT-BTC)

Điều kiện để doanh nghiệp được gộp kỳ kế toán:

(1) Trường hợp kỳ tính thuế năm đầu tiên của doanh nghiệp mới thành lập kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đầu tư hoặc kỳ tính thuế năm cuối cùng đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản có thời gian ngắn hơn 03 tháng

(2) Thì được cộng với kỳ tính thuế năm tiếp theo đối với doanh nghiệp mới thành lập hoặc kỳ tính thuế năm trước đó đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản để hình thành một kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

(3) Lưu ý: Các kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp được gộp không được vượt quá 15 tháng.

Thông thường kỳ tính thuế được xác định theo năm dương lịch hoặc năm tài chính do doanh nghiệp áp dụng. Tuy nhiên, đây là các trường hợp đặc biệt về mặt tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp như khi doanh nghiệp thành lập mới hoặc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách… khi đó, kỳ tính thuế có thể quá ngắn để lập báo cáo tài chính do sự thay đổi này, kỳ tính thuế mà có thời hạn ngắn hơn 3 tháng thì doanh nghiệp được quyền gộp báo cáo tài chính của kỳ tính thuế năm đầu với kỳ tính thuế năm tiếp theo (Đối với doanh nghiệp mới thành lập) hoặc gộp báo cáo tài chính của kỳ tính thuế năm cuối cùng với kỳ tính thuế năm trước đó (Đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản), miễn kỳ tính thuế không vượt quá 15 tháng. 

c. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (Điều 4.2 Nghị định 126/2020/NĐ-CP)

Doanh nghiệp đã thông báo việc tạm ngừng hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan thì cơ quan thuế căn cứ vào thông báo của người nộp thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quản lý thuế trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động. Trong thời hạn này, doanh nghiệp không cần nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp chỉ tạm ngừng không trọn tháng, quý năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý

Như vậy, nếu doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong toàn bộ năm dương lịch hoặc năm tài chính thì không cần nộp báo cáo tài chính năm đó cho cơ quan quản lý thuế vị trên thực tế họ không hoạt động, kinh doanh thì không thể phát sinh các thông tin về tài sản, thu nhập, lãi, lỗ để ghi chép vào báo cáo tài chính nên việc quy định như vậy là hoàn toàn hợp lý.

 

2. Doanh nghiệp không phát sinh doanh thu có phải nộp báo cáo tài chính?

Như đã nêu ở trên, Báo cáo tài chính năm được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các ngành, các thành phần kinh tế, trong đó bao gồm tất cả loại hình doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam (Điều 99 Thông tư 200/2014/TT-BTC).

Như vậy, trừ các trường hợp nêu tại mục 1 trên, các doanh nghiệp có nghĩa vụ lập và nộp báo cáo tài chính cho dù họ có phát sinh doanh thu hay không. Vì mục đích của việc nộp báo cáo tài chính để cơ quan có thẩm quyền xem xét, tính thuế thu nhập cho doanh nghiệp, cá nhân trong doanh nghiệp, xem những gì họ đã khai báo với cơ quan nhà nước là chính xác hay không. 

 

3. Không nộp báo cáo tài chính bị xử phạt như thế nào?

Trừ các trường hợp không cần lập báo cáo tài chính, Doanh nghiệp mà chậm nộp/không nộp báo cáo tài chính thì sẽ bị phạt như sau:(Điều 12 Nghị định 41/2018/NĐ-CP)

- Chậm nộp Báo cáo tài chính dưới 03 tháng so với thời hạn quy định cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền: phạt tiền từ  05 triệu đồng đến 10.000.000 đồng

- Chậm nộp Báo cáo tài chính từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền:  phạt tiền từ 10 triệu đồng  đến 20.000.000 đồng

- Không nộp Báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền: phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng

Trên đây là nội dung pháp lý về: MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP CẦN LƯU Ý VỀ BÁO CÁO TÀI CHÍNH, trường hợp cần tư vấn pháp lý hoặc có yêu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của Công ty Luật TNHH HT Legal VN, vui lòng liên hệ:

Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 2222 4040

Thuỵ Du
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục