BẢO LĨNH LÀ GÌ? ĐIỀU KIỆN ĐỂ BẢO LĨNH (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

23/09/2022 - 1172 lượt xem

BẢO LĨNH LÀ GÌ? ĐIỀU KIỆN ĐỂ BẢO LĨNH (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

Bảo lĩnh là một biện pháp ngăn chặn được cơ quan điều tra cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án áp dụng đối với bị can, bị cáo khi có cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập. Trong cuộc sống hàng ngày bảo lĩnh hay được gọi thành bảo lãnh theo thói quen của nhiều người. Tuy nhiên bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn theo Bộ luật tố tụng hình sự, không giống như bảo lãnh là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo Bộ Luật dân sự.

Căn cứ pháp lý : Điều 111, 121 Luật số Luật số: 101/2015/QH13 Bộ luật tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015

  1. Khái niệm bảo lĩnh

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 121 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định:

“Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.”

Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn ít nghiêm khắc hơn so với các biện pháp tạm giữ, tạm giam. Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp này khi xét thấy hành vi của đối tượng có mức độ ít nghiêm trọng, bị can, bị cáo có nhân thân rõ ràng, phạm tội lần đâu, có thái độ thành khẩn hoặc đang trong tình trạng đau ốm.

Trường hợp này không cần thiết phải tạm giam nhưng vẫn cần thiết phải ngăn chặn bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội, đảm bảo sự có mặt của bị can, bị cáo khi theo sự triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án thì biện pháp bảo lĩnh sẽ được áp dụng thay thế tạm giam.

Có 2 hình thức bảo lĩnh:

- Cơ quan bảo lĩnh: 

Cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình. Cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

- Cá nhân bảo lĩnh:

Cá nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh thì có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ và trong trường hợp này thì ít nhất phải có 02 người. Cá nhân nhận bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.

Trong giấy cam đoan, cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh phải cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều này. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án liên quan đến việc nhận bảo lĩnh.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh để bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị phạt tiền theo quy định của pháp luật.

  1. Thẩm quyền phê duyệt thủ tục bảo lĩnh

Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 gồm:

- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;

- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;

- Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định bảo lĩnh. Quyết định của những người quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của BLTTHS 2015 phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

  1. Nghĩa vụ của người được bảo lĩnh

Bị can, bị cáo được bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ:

- Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;

- Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;

- Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam.

  1. Thời hạn bảo lĩnh

Thời hạn bảo lĩnh không được quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn bảo lĩnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.

Như vậy, để bảo lĩnh người bảo lĩnh nộp đơn xin bảo lĩnh tới cơ quan có thẩm quyền quyết định cho bị can, bị cáo được bảo lĩnh. Nếu là cá nhân bảo lĩnh thì đơn xin bảo lĩnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Nếu là tổ chức nhận bảo lĩnh thì đơn xin bảo lĩnh phải có xác nhận của người đứng đầu tổ chức.

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).

Email: info@htlegalvn.com                                  Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040

 

 

Hoài Thu
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục