DỮ LIỆU CÁ NHÂN LÀ GÌ, CÁC NỘI DUNG BẮT BUỘC CỦA THÔNG BÁO XỬ LÝ DỮ LIỆU CÁ NHÂN VÀ LƯU TRỮ, XOÁ HUỶ DỮ LIỆU CÁ NHÂN (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, QUẬN TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

31/08/2023 - 763 lượt xem

Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể. Dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Trong bài viết này, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin gửi đến quý khách một số thông tin liên quan đến khái niệm về dữ liệu cá nhân và các nội dung bắt buộc của thông báo xử lý cá nhân:

Cơ sở pháp lý:

Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17/04/2023 do Chính phủ ban hành (“Nghị định 13”).

Nội dung:

1. Khái niệm và phân loại Dữ liệu cá nhân:

- Khái niệm về dữ liệu cá nhân được quy định tại Điều 2.1 Nghị định 13 như sau:

“1. Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể. Dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

- Phân loại dữ liệu cá nhân:

Dựa trên quy định về khái niệm nêu trên có thể thấy dữ liệu cá nhân là các loại thông tin gắn liền hoặc giúp xác định một con người cụ thể và được phân loại như sau:

(i) Dữ liệu cá nhân cơ bản, được quy định tại Điều 2.3 Nghị định 13 gồm:

a) Họ, chữ đệm và tên khai sinh, tên gọi khác (nếu có);

b) Ngày, tháng, năm sinh; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích;

c) Giới tính;

d) Nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, quê quán, địa chỉ liên hệ;

đ) Quốc tịch;

e) Hình ảnh của cá nhân;

g) Số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số định danh cá nhân, số hộ chiếu, số giấy phép lái xe, số biển số xe, số mã số thuế cá nhân, số bảo hiểm xã hội, số thẻ bảo hiểm y tế;

h) Tình trạng hôn nhân;

i) Thông tin về mối quan hệ gia đình (cha mẹ, con cái);

k) Thông tin về tài khoản số của cá nhân; dữ liệu cá nhân phản ánh hoạt động, lịch sử hoạt động trên không gian mạng;

l) Các thông tin khác gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể mà không phải là dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

(ii) Dữ liệu cá nhân nhạy cảm, được quy định tại Điều 2.4 Nghị định 13 gồm:

a) Quan điểm ​​chính trị, quan điểm tôn giáo;

b) Tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, không bao gồm thông tin về nhóm máu;

c) Thông tin liên quan đến nguồn gốc chủng tộc, nguồn gốc dân tộc;

d) Thông tin về đặc điểm di truyền được thừa hưởng hoặc có được của cá nhân;

đ) Thông tin về thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học riêng của cá nhân;

e) Thông tin về đời sống tình dục, xu hướng tình dục của cá nhân;

g) Dữ liệu về tội phạm, hành vi phạm tội được thu thập, lưu trữ bởi các cơ quan thực thi pháp luật;

h) Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các tổ chức được phép khác, gồm: thông tin định danh khách hàng theo quy định của pháp luật, thông tin về tài khoản, thông tin về tiền gửi, thông tin về tài sản gửi, thông tin về giao dịch, thông tin về tổ chức, cá nhân là bên bảo đảm tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

i) Dữ liệu về vị trí của cá nhân được xác định qua dịch vụ định vị;

k) Dữ liệu cá nhân khác được pháp luật quy định là đặc thù và cần có biện pháp bảo mật cần thiết.

Quy định này cũng nêu rõ rằng điểm khác biệt so với dữ liệu cá nhân cơ bản chính là dữ liệu cá nhân nhạy cảm gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân mà khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.

2. Các nội dung bắt buộc của Thông báo xử lý dữ liệu cá nhân:

Theo quy định tại Điều 11 và Điều 13.1 Nghị định 13, sự đồng ý của chủ thể dữ liệu là cần thiết đối với hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân và chủ thể dữ liệu phải biết rõ các nội dung về loại dữ liệu, mục đích xử lý, tổ chức, cá nhân xử lý và các quyền, nghĩa vụ của chính mình. Do đó, việc thông báo xử lý dữ liệu cá nhân là thiết yếu và phải được thực hiện trước khi tiến hành hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân.

Các nội dung thông báo về xử lý dữ liệu cá nhân cho chủ thể dữ liệu được quy định tại Điều 13.2 Nghị định 13 gồm:

a) Mục đích xử lý;

b) Loại dữ liệu cá nhân được sử dụng có liên quan tới mục đích xử lý;

c) Cách thức xử lý;

d) Thông tin về các tổ chức, cá nhân khác có liên quan tới mục đích xử lý

đ) Hậu quả, thiệt hại không mong muốn có khả năng xảy ra;

e) Thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc xử lý dữ liệu.

3. Lưu trữ, xóa, hủy dữ liệu cá nhân

Vấn đề lưu trữ, xoá, huỷ dữ liệu cá nhân được quy định cụ thể tại Điều 16 Nghị định 13.

- Theo đó, các trường hợp chủ thể dữ liệu được yêu cầu Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân xóa dữ liệu cá nhân của mình bao gồm:

a) Khi chủ thể dữ liệu nhận thấy không còn cần thiết cho mục đích thu thập đã đồng ý và chấp nhận các thiệt hại có thể xảy ra khi yêu cầu xóa dữ liệu;

b) Khi chủ thể dữ liệu rút lại sự đồng ý;

c) Khi chủ thể dữ liệu phản đối việc xử lý dữ liệu và Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân không có lý do chính đáng để tiếp tục xử lý;

d) Dữ liệu cá nhân được xử lý không đúng với mục đích đã đồng ý hoặc việc xử lý dữ liệu cá nhân là vi phạm quy định của pháp luật;

đ) Dữ nhân phải xóa theo quy định của pháp luật.

- Tuy nhiên, dù có đề nghị của chủ thể dữ liệu, việc xóa dữ liệu sẽ không áp dụng trong các trường hợp:

a) Pháp luật quy định không cho phép xóa dữ liệu;

b) Dữ liệu cá nhân được xử lý bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền với mục đích phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật;

c) Dữ liệu cá nhân đã được công khai theo quy định của pháp luật;

d) Dữ liệu cá nhân được xử lý nhằm phục vụ yêu cầu pháp lý, nghiên cứu khoa học, thống kê theo quy định của pháp luật;

đ) Trong trường hợp tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; khi có nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật;

e) Ứng phó với tình huống khẩn cấp đe dọa đến tính mạng, sức khỏe hoặc sự an toàn của chủ thể dữ liệu hoặc cá nhân khác.

- Dù không có yêu cầu của chủ thể dữ liệu, Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba vẫn phải xóa dữ liệu không thể khôi phục trong trường hợp sau:

a) Xử lý dữ liệu không đúng mục đích hoặc đã hoàn thành mục đích xử lý dữ liệu cá nhân được chủ thể dữ liệu đồng ý;

b) Việc lưu trữ dữ liệu cá nhân không còn cần thiết với hoạt động của Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba;

c) Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba bị giải thể hoặc không còn hoạt động hoặc tuyên bố phá sản hoặc bị chấm dứt hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.

- Thời hạn để thực hiện việc xoá xữ liệu:

Việc xóa dữ liệu được thực hiện trong 72 giờ sau khi có yêu cầu của chủ thể dữ liệu với toàn bộ dữ liệu cá nhân mà Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân thu thập được, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Trường hợp doanh nghiệp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hay chia, tách, sáp nhập cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính và tổ chức lại, chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp nhà nước: dữ liệu cá nhân được chuyển giao theo quy định của pháp luật.

- Về lưu trữ dữ liệu, quy định tại Nghị định 13 chỉ mới quy định chung rằng Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba lưu trữ dữ liệu cá nhân theo hình thức phù hợp với hoạt động của mình và có biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.

Trên đây là bài viết giới thiệu cơ bản về Dữ liệu cá nhân là gì và các nội dung bắt buộc của thông báo xử lý dữ liệu cá nhân và lưu trữ, xoá, huỷ dữ liệu cá nhân. Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẵn sàng cung cấp các dịch vụ rà soát nội bộ để đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về xử lý dữ liệu cá nhân, soạn thảo, rà soát các chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân cho doanh nghiệp, tổ chức,... Để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 0161 4040 – 09 4517 4040

Tu Le
Theo HT Legal VN