BÊN VAY, BÊN THẾ CẦN LÀM GÌ KHI KÝ BIÊN BẢN LÀM VIỆC LIÊN QUAN ĐẾN XỬ LÝ NỢ XẤU? (CÔNG TY LUẬT UY TÍN QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HCM)

06/01/2024 - 1417 lượt xem

Khách hàng và Ngân hàng là hai chủ thể độc lập và cân bằng về mặt quyền, nghĩa vụ. Tuy nhiên thực tế, bên vay và bên thế chấp thường sẽ luôn yếu thế hơn về trình độ, kinh nghiệm và nhiều vấn đề khác, đó là lý do thường tạo ra thế bất lợi nhiều hơn về phía khách hàng

Bên cạnh những khách hàng cố ý hoặc bất hợp tác để tạo ra nợ xấu, nợ quá hạn, phần lớn không ai mong muốn bị phát sinh phiền phức về pháp lý hoặc bị mất khả năng thanh toán dẫn đến bị phát mại tài sản thế chấp. Thật không công bằng khi nói tất cả bên gây ra nợ quá hạn, nợ xấu đều là cố tình hoặc bất hợp tác, lý do để bị phát sinh nợ có thể do công việc làm ăn không thuận lợi, làm ăn thua lỗ, phát sinh việc ngoài ý muốn, thiếu kỹ năng tính toán về việc đầu tư, trả nợ nên dẫn đến khó khăn, bị thiếu hụt nguồn thu do tai nạn, do thay đổi chính sách lao động, do bệnh tật, ...

Trong phạm vi bài viết này, Luật sư bảo vệ bên vay, bên thế chấp của Công ty Luật TNHH HT Legal VN chia sẻ một số kinh nghiệm cơ bản cho khách hàng khi làm việc và ký kết các biên bản làm việc với ngân hàng trong quá trình hợp tác giải quyết và xử lý nợ quá hạn, nợ xấu.

1. Khi nào thì bị đòi nợ, nhắc nợ và lập biên bản làm việc?

Đây là câu hỏi mà Luật sư bảo vệ bên vay, bên thế chấp HT Legal VN nhận được nhiều nhất từ phía khách hàng, cũng dễ hiểu thôi vì việc đòi nợ, nhắc nợ thì thường mang tính áp lực cao và thường xuyên. Ngoài ra khi phát sinh một khoản nợ lớn, lớn với chính thu nhập hoặc khả năng của mỗi người thì điều lo lắng là hoàn toàn dễ hiểu, căng thẳng hơn khi đối mặt với trách nhiệm trả nợ với cán bộ đại diện ngân hàng thì việc khai thế nào, ký cái gì, biên bản thế nào?

Thông thường, một khoản vay bị quá hạn từ 1 đến 9 ngày thì sẽ bị gọi điện thoại hoặc email nhắc nợ.

Trường hợp từ 10 ngày trở lên thì phía ngân hàng sẽ kích hoạt quá trình đôn đốc trả nợ, nhắc nợ và yêu cầu thanh toán nợ quá hạn.

Tùy theo quy trình xử lý nợ và giải quyết nợ quá hạn, nợ xấu thì khi bạn phát sinh việc chậm trả từ ngày thứ 10 trở đi thì ngân hàng sẽ tiến hành gọi điện, nhắc nợ bằng email, thông báo hoặc liên hệ trực tiếp nơi bạn làm việc hoặc sinh sống nhằm đôn đốc trả nợ.

Bên cạnh đó sẽ có các thông báo, quyết định và lập các biên bản làm việc nhằm gây áp lực và tạo giá trị chứng cứ về việc xử lý hành vi vi phạm (nếu có) và nhằm đưa ra hướng giải quyết nợ cụ thể.

Thực tế thì tùy quy trình, chính sách và cách thức làm việc của từng ngân hàng, nhân viên ngân hàng để thời gian xử lý khác nhau, cách thức khác nhau, ngoài ra cũng tùy thuộc vào kinh nghiệm, kiến thức, sự chuyên nghiệp, uy tín hoặc không chuyên nghiệp của họ trong vấn đề giải quyết khoản nợ bị quá hạn.

2. Nội dung cơ bản của biên bản làm việc giữa ngân hàng và bên vay, bên thế chấp?

Nhìn chung, biên bản làm việc sẽ ghi nhận lại quá trình làm việc giữa bên cho vay và bên vay, bên bảo đảm nên nội dung của nó xoay quanh vấn đề về chủ thể làm việc, vấn đề tình hình khoản nợ, tình hình tài sản bảo đảm, khả năng trả nợ của khách hàng, phương án trả nợ và phương thức xử lý, giải quyết vụ việc này như thế nào.

Luật sư bảo vệ bên vay, bên thế chấp HT Legal VN lưu ý quý khách hàng một số nội dung cơ bản sau đây trong biên bản làm việc:

- Ai làm việc với mình, chứng từ và giấy tờ ủy quyền.

- Trình bày rõ ràng nguyên nhân bị quá hạn, kèm theo chứng cứ có liên quan và yêu cầu ghi đầy đủ vào biên bản.

- Tình hình tài sản bảo đảm nếu có cho thuê, cho mượn hoặc người khác đang sử dụng thì cũng ghi rõ trong biên bản làm việc.

- Yêu cầu rõ nội dung ngân hàng hỗ trợ bên vay, bên thế chấp là gì? có hỗ trợ, cam kết gì hay không? ghi cụ thể.

- Lưu ý cẩn trọng khi trao đổi và cam kết về mốc thời gian thanh toán nợ, giá trị tài sản bảo đảm, cam kết giao tài sản hoặc phương thức thanh toán nợ, xử lý tài sản cụ thể tránh bị đe dọa hoặc thúc ép "ký đại" hoặc không để ý thì sau này sẽ rất bất lợi cho khách hàng.

Cuối cùng, biên bản làm việc có giá trị vừa giải quyết công việc giữa hai bên, vừa là chứng cứ rất xác đáng nếu phát sinh tranh chấp hoặc phải khởi kiện ra Cơ quan giải quyết tranh chấp có thẩm quyền nên càng xem xét kỹ càng, cụ thể thì càng tốt để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

3. Một số điều cần lưu ý khi trao đổi và ký biên bản làm việc với bên ngân hàng?

Trước hết, khách hàng phải luôn bình tĩnh và có sự chuẩn bị về mặt tinh thần và phương án giải quyết khoản nợ, tài sản bảo đảm, không trốn tránh hoặc bất hợp tác vì điều này trái nguyên tắc, cam kết khi vay và cũng không giúp ích gì nhiều cho bạn khi xử lý dứt điểm vấn đề này, ngược lại nếu có hành vi trái pháp luật thì còn bị xử lý theo luật định.

Không ồn ào, to tiếng và thể hiện thái độ bất hợp tác mà phải thiện chí, nghiêm túc để làm việc và trao đổi với những phương án, cách thức đã dự tính. Nếu bị đe dọa ngược lại thì tùy theo từng tình huống để có phản ứng phù hợp như khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện hành vi sai trái đó.

Phải xem xét từng câu từ, đặc biệt các mốc thời gian, phương án xử lý và đương nhiên giải pháp tốt nhất là tìm đến sự hài hòa, hợp lý và có lợi hơn cho cả hai bên, thiện chí với nhau thì vẫn tốt nhất cho tất cả.

Không ký tá giấy trắng hoặc không ghi ngày tháng hoặc ký biên bản mà nội dung không rõ ràng vì đây không chỉ là biên bản làm việc giữa hai bên mà nó còn có giá trị chứng cứ nên bạn phải lưu ý rõ.

Không trả lời hoặc chốt những vấn đề trong biên bản mà bản thân không thể hiểu rõ hoặc không có kiến thức, những trường hợp này chỉ cần “ghi nhận” ý kiến của bên ngân hàng và phản hồi sau bằng văn bản.

Trường hợp kiến thức, kinh nghiệm vượt quá khả năng của bạn hoặc bạn không có thời gian và cần Luật sư/Người có chuyên môn đồng hành thì nên tìm đến sự hướng dẫn, tư vấn và đại diện cùng bạn giải quyết vấn đề pháp lý này. Công ty Luật TNHH HT Legal VN với các Luật sư, Cố vấn cao cấp là những người có chuyên môn sâu về lĩnh vực pháp lý, ngân hàng sẽ nghiên cứu kỹ hồ sơ của bạn trước khi làm việc với Ngân hàng để có thể đưa ra các giải pháp phù hợp nhưng vẫn thượng tôn pháp luật và thiện chí  giúp chúng ta đạt được hướng giải quyết tốt nhất và công bằng nhất.

Bài viết trên đây thể hiện quan điểm cá nhân và chia sẻ kinh nghiệm trên tinh thần thượng tôn pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bên vay, bên thế chấp của Luật sư Nguyễn Thanh Trung _ Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH HT Legal VN.

Công ty Luật TNHH HT Legal VN là Công ty Luật tiên phong và chuyên biệt hóa trong cung cấp Dịch vụ Luật sư bảo vệ bên vay, bên thế chấp tại ngân hàng . Chúng tôi xây dựng đội ngũ Luật sư và Cố vấn pháp lý cấp cao giàu kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm về lĩnh vực tranh chấp Hợp đồng tín dụng, tranh chấp Hợp đồng thế chấp và chuyên biệt trong bảo vệ bên vay, bên thế chấp (bên bảo đảm nói chung) theo một quy trình chuẩn mực, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo thượng tôn pháp luật và đạt hiệu quả tốt nhất cho quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
BÀI VIẾT THỂ HIỆN QUAN ĐIỂM RIÊNG CỦA CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

Trụ sở chính: 207B Nguyễn Phúc Chu, Phường 15, quận Tân Bình, Tp. HCM.

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, Phường 22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22).

VP2: Số 5 Ngách 252/115 phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội
Email: info@htlegalvn.com      Hotline: 0961614040 – 0922224040

Luật sư Nguyễn Thanh Trung
Theo HT Legal VN