CẦN LÀM GÌ KHI VÔ CƠ BỊ NỢ XẤU? (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TP. HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

16/10/2024 - 6 lượt xem

Hiện nay, việc nhiều khách hàng vô cớ hoặc bất ngờ bị nợ xấu ngân hàng diễn ra ngày càng nhiều, sau đây là một số nguyên nhân phổ biến (chủ quan và khách quan) gây ra sự cố này: - Lỗi hệ thống hoặc sai sót từ ngân hàng; Bị lừa đảo hoặc giả mạo hồ sơ vay, Người thân hoặc bạn bè vay mượn, Không nhận được thông báo thanh toán...

CẦN LÀM GÌ KHI VÔ CƠ BỊ NỢ XẤU?

(CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TP. HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

 

Gần đây, nhiều Quý khách hàng bất ngờ phát hiện mình bị dính nợ xấu tại các Ngân hàng, họ bị ghi nhận nợ xấu trên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) mà không rõ nguyên nhân do đâu? Tình trạng này diễn ra một cách bất ngờ và thường vào thời điểm họ đang cần vay tiền, sử dụng vốn tín dụng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hoặc đầu tư, điều này càng khiến họ thêm áp lực, thậm chí là hoang mang, lo lắng vì không biết phải giải quyết làm sao?

Trong phạm vi bài biết này, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ đến Quý khách hàng một số quy định pháp luật về nợ xấu và cách xử lý khi vô cớ bị nợ xấu.

I. Cơ sở pháp lý tham khảo

- Thông tư 31/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 30/6/2024 quy định về phân loại tài sản có trong hoạt động của Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi Ngân hàng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài (Có hiệu lực từ: 01/7/2024)

- Thông tư 03/2013/TT–NHNH của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 28/01/2013 quy định về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Còn hiệu lực đến: 31/12/2024)

- Thông tư 15/2023/TT–NHNH của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 05/12/2023 quy định về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Có hiệu lực từ: 01/01/2025)

II. Nội dung 

1. Nợ quá hạn là gì? Nợ xấu là gì?

Khoản 3 và khoản 5 Điều 3 Thông tư 31/2024/TT-NHNN quy định:

- Khoản nợ quá hạn: là khoản nợ mà khách hàng không trả được đúng hạn một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi theo thỏa thuận với ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Đối với khoản cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng, khoản nợ quá hạn là khoản nợ mà khách hàng sử dụng thẻ không hoàn tất nghĩa vụ trả nợ đến hạn thanh toán của mình theo thỏa thuận phát hành, sử dụng, thanh toán thẻ tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Nợ quá hạn sẽ gồm các khoản nợ thuộc nhóm 2, 3, 4, 5.

- Nợ xấu: là nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán (nợ xấu nội bảng), gồm nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5 (lần lượt là nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn). 

Theo đó, nợ xấu có thể hiểu đơn giản là các khoản nợ khó đòi khi người vay không thể trả nợ khi đến hạn phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng.

Các khoản nợ quá hạn từ 91 ngày trở lên sẽ bị coi là nợ xấu.

Quý khách hàng có thể tham khảo quy định về phân loại nợ và cam kết ngoại bảng theo phương pháp định lượng và theo phương pháp định tính theo Điều 10 và Điều 11 Thông tư 31/2024/TT-NHNN.

2. Bị nợ xấu có ảnh hưởng gì?

Bị nợ xấu có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cả cá nhân và tổ chức. Dưới đây là một số tác động chính:

Khó khăn trong việc vay vốn, thế chấp;

- Ảnh hưởng đến điểm tín dụng, khả năng thanh toán nợ vay;

- Tăng chi phí khi vay;

- Ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống cá nhân;

- Khả năng bị kiện tụng, vướng rắc rối pháp lý;

Riêng đối với việc bị ảnh hưởng điểm tín dụng và khó khăn trong việc vay vốn là điều gây nhiều phiền toái nhất. Những khách hàng bị nợ quá hạn và đặc biệt là thuộc nhóm nợ xấu (3, 4 và 5) hầu hết sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tục vay vốn tại các Ngân hàng hay bất kỳ một tổ chức tín dụng nào khác, thực tế là không thể cho vay.

Bởi lẽ tất cả các thông tin về người vay bị nợ xấu bao gồm các khoản vay trong quá khứ, khoản vay nợ hiện tại, thời hạn nợ quá hạn, họ tên người vay, nơi vay vốn đều được ghi nhận trên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), điều này giúp đảm bảo tính tuân thủ quy định xếp hạng tín dụng và đảm bảo năng lực trả nợ khi cho vay của ngân hàng, duy trì và ổn định hệ thống tín dụng.

Theo Điều 11 Thông tư 03/2013/TT–NHNH quy định về việc Hạn chế khai thác thông tin tín dụng quy định:

“1. Thông tin tiêu cực về khách hàng vay chỉ được sử dụng để tạo lập sản phẩm thông tin tín dụng trong thời gian tối đa 05 năm, kể từ ngày kết thúc thông tin tiêu cực đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Thông tin về các khoản nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro chỉ được cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước khác theo quy định của pháp luật.”

Trong đó "Thông tin tiêu cực về khách hàng vay" là thông tin về: nợ xấu; vi phạm nghĩa vụ thanh toán; các hành vi vi phạm pháp luật; bị khởi kiện; bị khởi tố và các thông tin bất lợi khác ảnh hưởng đến kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay.

Tương tự, theo Điều 13 Thông tư 15/2023/TT-NHNN (có hiệu lực từ 01/01/2025) quy định về xóa thông tin nợ xấu của khách hàng như sau:

“1. Thông tin tiêu cực về khách hàng vay chỉ được cung cấp trong thời gian tối đa 05 năm, kể từ ngày kết thúc thông tin tiêu cực đó, trừ trường hợp phục vụ yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, thông tin tiêu cực của khách hàng vay có nợ xấu có thể được CIC cung cấp tối đa tới 05 năm kể từ ngày kết thúc thông tin tiêu cực đó. Như vậy, việc để phát sinh nợ xấu thì khách hàng vay phải tất toán toàn bộ các khoản nợ gốc, lãi thì sau thời gian 5 năm như trên thì mới được vay lại như bình thường (lúc này thông tin về nợ xấu không còn nữa).

3. Cần làm gì khi vô cớ bị nợ xấu? 

Hiện nay, việc nhiều khách hàng vô cớ hoặc bất ngờ bị nợ xấu ngân hàng diễn ra ngày càng nhiều, sau đây là một số nguyên nhân phổ biến (chủ quan và khách quan) gây ra sự cố này:

- Lỗi hệ thống hoặc sai sót từ ngân hàng: Đôi khi, các lỗi kỹ thuật hoặc sai sót trong quá trình cập nhật thông tin có thể dẫn đến việc bạn bị ghi nhận nợ xấu mà không hề hay biết. Nhiều trường hợp khách hàng đã tất toán nợ nhưng việc cập nhật thông tin về nợ của ngân hàng bị sai sót hoặc nhầm lẫn làm ảnh hưởng đến người vay.

- Bị lừa đảo hoặc giả mạo hồ sơ vay: Một số trường hợp, thông tin cá nhân của bạn có thể bị kẻ xấu lợi dụng để vay tiền mà bạn không hề hay biết. Điều này có thể dẫn đến việc bạn bị ghi nhận nợ xấu khi khoản vay không được thanh toán đúng hạn. 

- Người thân hoặc bạn bè vay mượn: Nếu bạn đưng tên bảo lãnh hoặc cho người thân, bạn bè mượn tiền hoặc vay giúp họ mà họ không tar đúng hạn và bạn bị chuyển nhóm nọ xấu.

- Không nhận được thông báo thanh toán: Đôi khi, việc không nhận được thông báo từ ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng về các khoản nợ đến hạn cũng có thể dẫn đến việc bạn bị ghi nhận nợ xấu

Nếu bạn gặp phải tình huống này, bạn nên liên hệ ngay với ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng để kiểm tra và yêu cầu họ điều chỉnh lại thông tin, khiếu nại nếu cần. Việc đề nghị điều chỉnh có thể thực hiện qua hệ thống điện tử hoặc gửi văn bản, trong đó nêu rõ lý do đề nghị và cung cấp các tài liệu, căn cứ chứng minh yêu cầu của mình.

Ngoài ra, bạn cũng có thể nhờ đến sự hỗ trợ của các Luật sư và Công ty Luật chuyên về tín dụng ngân hàng như HT Legal VN để giải quyết vấn đề này.

Trên đây là toàn bộ chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về vấn đề “Cần làm gì khi vô cớ bị nợ xấu?”. Hy vọng có thể giúp Quý khách hàng nắm được một số thông tin liên quan đến nợ xấu và cách giải quyết khi vô cớ bị nợ xấu.

 

Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: info@htlegalvn.com       Hotline: 09 6161 4040 – 09 2222 4040

Luật sư Nguyễn Thanh Trung
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục