AI ĐƯỢC QUYỀN TRA CỨU NỢ XẤU TẠI CIC (TRUNG TÂM THÔNG TIN TÍN DỤNG) VÀ QUY ĐỊNH VỀ KHAI THÁC CIC?
(CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TP HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)
Hiện tại, thông tin tín dụng thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 03/2013/TT-NHNN quy định về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thông qua bài viết dưới đây, Công ty Luật TNHH HT Legal VN chia sẻ một số quy định pháp luật về đối tượng nào được tra cứu thông tin tín dụng, nợ xấu và quy định về khai thác CIC?
I. Căn cứ pháp lý
- Thông tư 03/2013/TT-NHNN quy định về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Còn hiệu lực đến 31/12/2024)
II. Nội dung
Đầu tiên chúng ta cần biết rằng CIC (được viết tắt của cụm từ: Credit Information Center) hay Trung tâm Thông tin Tín Dụng, là một đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Vai trò chính của CIC là thu thập, lưu trữ và cung cấp thông tin tín dụng nhằm hỗ trợ cho việc quản lý rủi ro tín dụng của các tổ chức tín dụng và ngân hàng. CIC giúp đảm bảo tính minh bạch trong việc cho vay và hạn chế nợ xấu bằng cách cung cấp thông tin về lịch sử tín dụng của cá nhân và doanh nghiệp.
1. Đối tượng nào được khai thác, tra cứu thông tin tín dụng
Căn cứ Điều 10 Thông tư 03/2013/TT-NHNN quy định về đối tượng được tra cứu thông tin tín dụng như sau:
- Cơ quan quản lý nhà nước khai thác sản phẩm thông tin tín dụng phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiệp vụ về thanh tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; điều tra, thống kê xã hội và các mục đích khác theo quy định của pháp luật.
- Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước khai thác sản phẩm thông tin tín dụng phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khai thác dịch vụ thông tin tín dụng phục vụ cho nhu cầu tìm kiếm khách hàng, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, quản lý rủi ro tín dụng và các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng khác.
- Các tổ chức tự nguyện khai thác dịch vụ thông tin tín dụng phục vụ cho mục đích đánh giá khách hàng và các mục đích khác theo quy định của pháp luật
"Tổ chức tự nguyện tham gia hệ thống thông tin tín dụng (sau đây gọi là tổ chức tự nguyện) bao gồm:
a) Ngân hàng Phát triển Việt Nam, công ty có chức năng mua bán nợ, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản, công ty thông tin tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, chứng khoán;
b) Tổ chức trong và ngoài nước tham gia tài trợ tín dụng tại Việt Nam hoặc có nhu cầu cấp tín dụng cho tổ chức, cá nhân Việt Nam tại nước ngoài;
c) Tổ chức khác có nhu cầu tham gia hệ thống thông tin tín dụng và được CIC chấp thuận."
- Khách hàng vay khai thác dịch vụ thông tin tín dụng để kiểm tra thông tin về bản thân và phục vụ mục đích khác theo quy định của pháp luật.
"Khách hàng vay là pháp nhân, cá nhân có quan hệ tín dụng với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài."
- Ngoài đối tượng quy định tại các khoản trên, tổ chức hoặc cá nhân khi khai thác dịch vụ thông tin tín dụng về khách hàng vay phải có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng đó.
- Các tổ chức thông tin tín dụng nước ngoài được khai thác các sản phẩm thông tin tín dụng về doanh nghiệp, bao gồm những thông tin được công khai theo quy định của pháp luật trên cơ sở biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác, hợp đồng dịch vụ ký kết với CIC.
Như vậy, việc cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng cho các đối tượng không được nêu trên là hành vi bị cấm trong hoạt động thông tin tín dụng theo quy định tại khoản 6 Điều 6 Thông tư 03/2013/TT-NHNN
2. Hạn chế trong việc cung cấp thông tin tín dụng
Căn cứ Điều 11 Thông tư 03/2013/TT-NHNN quy định về việc hạn chế cung cấp thông tin tín dụng, cụ thể:
- Thông tin tiêu cực về khách hàng vay chỉ được sử dụng để tạo lập sản phẩm thông tin tín dụng trong thời gian tối đa 05 năm, kể từ ngày kết thúc thông tin tiêu cực đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
"Thông tin tiêu cực về khách hàng vay là thông tin về: nợ xấu; vi phạm nghĩa vụ thanh toán; các hành vi vi phạm pháp luật; bị khởi kiện; bị khởi tố và các thông tin bất lợi khác ảnh hưởng đến kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay."
- Thông tin về các khoản nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro chỉ được cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước khác theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức tự nguyện, khách hàng vay khai thác dịch vụ thông tin tín dụng theo thoả thuận và cam kết với CIC trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.
- Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Thông tư 03/2013/TT-NHNN và các quy định khác của pháp luật tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị hạn chế một phần, tạm dừng trong một thời gian hoặc ngừng vĩnh viễn quyền khai thác dịch vụ thông tin tín dụng.
3. Quyền và nghĩa vụ của khách hàng vay trong việc sử dụng thông tin tín dụng:
Điều 16 Thông tư 03/2013/TT-NHNN quy định về quyền và nghĩa vụ của khách hàng vay cụ thể như sau:
- Khai thác miễn phí thông tin tín dụng về bản thân một lần trong một năm, bao gồm các chỉ tiêu thông tin tín dụng tại điểm a (Thông tin nhận dạng), điểm c (Thông tin quan hệ tín dụng), điểm d (Thông tin tình trạng tài khoản thẻ tín dụng) và điểm e (Thông tin bảo đảm tiền vay) khoản 1 Điều 7 Thông tư 03/2013/TT-NHNN.
Xem thêm: Cách tra cứu thông tin nợ xấu online
- Sử dụng các sản phẩm thông tin tín dụng khác về bản thân theo hướng dẫn của CIC.
- Yêu cầu CIC, tổ chức tín dụng, tổ chức khác có liên quan xem xét, điều chỉnh dữ liệu thông tin tín dụng về bản thân nếu phát hiện có sai sót.
- Khiếu nại khi phát hiện thông tin tín dụng của mình có sai sót theo quy định tại Điều 18 Thông tư 03/2013/TT-NHNN.
- Khách hàng vay có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin tín dụng cho CIC hoặc tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác có liên quan trong quá trình xử lý khiếu nại.
- Thanh toán đầy đủ, kịp thời tiền khai thác, sử dụng dịch vụ thông tin tín dụng theo quy định của CIC.
Như vậy nếu bạn chỉ đơn thuần là khách hàng vay vốn tại một tổ chức tín dụng, bạn chỉ có thể tra cứu thông tin tín dụng về bản thân hoặc muốn tra cứu thông tin về khách hàng vay khác phải được sự đồng ý của người đó.
Công ty Luật TNHH HT Legal VN là Công ty Luật chuyên về lĩnh vực tư vấn bảo vệ cho bên vay và bên thế chấp trong các giao dịch tín dụng, thế chấp, thường xuyên đại diện cho doanh nghiệp, cá nhân trong các trường hợp tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp. Với đội ngũ Luật sư và cố vấn cấp cao giàu kinh nghiệm và chuyên môn pháp lý chuyên sâu, HT Legal VN cam kết sẽ đồng hành cùng Quý khách hàng trên con đường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:
Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội
Email: [email protected] Hotline: 09 6161 4040 – 09 2222 4040