Trong phạm vi bài viết này, Công ty Luật TNHH HT Legal VN chia sẻ một số nội dung về việc phát mại tài sản thế chấp, cụ thể các vấn đề sau:
1. Thế nào là Phát mại tài sản ?
Phát mại tài sản là việc Ngân hàng hoặc Tổ chức tín dụng khác tiến hành quá trình thông báo công khai và bán tài sản bảo đảm theo thủ tục do pháp luật quy định.
Việc phát mại sẽ được tiến hành khi Bên vay, Bên bảo đảm không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ và nghĩa vụ khác theo quy định tại Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng bảo đảm đã ký kết. Theo đó tài sản bảo đảm sẽ bị xử lý thông qua các phương thức quy định tại Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015.
2. Một số quy định tại Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng thế chấp về nghĩa vụ của Bên Vay và Bên Thế chấp dẫn đến quyền được phát mại tài sản thế chấp của Ngân hàng?
a. Bên cho vay được quyền tuyên bố chấm dứt cho vay và/hoặc thu hồi trước hạn một phần hoặc toàn bộ dư nợ gốc và lãi cộng dồn khi phát sinh một trong các sự kiện sau:
- Bên cho vay không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ nợ gốc đến hạn của bất kỳ khoản nợ nào, lãi đến hạn tính trên bất kỳ khoản nợ nào, và/hoặc bất kỳ nghĩa vụ tài chính khác đến hạn theo quy định tại Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng bảo đảm.
- Bên vay bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với bên vay là doanh nghiệp) hoặc giấy tờ pháp lý tương đương; hoặc Bên vay bị chủ nợ, đại diện công đoàn, người lao động hoặc bất kỳ tổ chức, cá nhân nào nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản; hoặc Bên vay tạm ngừng kinh doanh hoặc tuyên bố ngừng, tạm ngừng một phần đáng kể hoạt động của mình; hoặc giải thể; hoặc không còn khả năng hoặc thừa nhận không còn khả năng thanh toán nợ đến hạn.
- Bất kỳ hành động hoặc sự kiện hoặc một chuỗi sự kiện nào xảy ra cho dù có liên quan hay không mà theo đánh giá của Bên cho vay sẽ gây ra bất lợi đáng kể đến hoạt động kinh doanh hoặc tình hình tài chính hoặc khả năng trả nợ của Bên Vay.
- Bên vay vi phạm bất kỳ cam kết, nghĩa vụ nào được quy định.
- Vi phạm chéo: Bên vay không thực hiện hoặc không tuân thủ các nghĩa vụ theo bất kỳ thỏa thuận hoặc văn bản nào liên quan đến bất kỳ khoản nợ nào của Bên vay hoặc các bên có liên quan khác hoặc Bên vay có dư nợ xấu tại tổ chức tín dụng khác.
=> Bên cho vay chuyển nợ quá hạn đối với dư nợ gốc mà Bên vay không thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo thông báo của Bên cho vay. Ngoài các quyền và biện pháp khắc phục hậu quả được pháp theo quy định pháp luật, Bên cho vay có quyền áp dụng một hoặc tất cả các biện pháp: Tự động trích tiền từ tài khoản để thu nợ; Xử lý bất kỳ tài sản bảo đảm, biện pháp bảo đảm nào theo bất kỳ phương thức, trình tự nào mà Bên cho vay thấy phù hợp …
b. Bên nhận thế chấp có quyền xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ khi xảy ra một trong các sự kiện sau:
- Đến hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ mà Bên vay không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ được bảo đảm theo thỏa thuận tại Hợp đồng tín dụng đã ký kết.
- Bên vay không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ trong trường hợp Bên cho vay quyết định thu hồi nợ trước thời hạn.
- Xử lý tài sản thế chấp để thực hiện nghĩa vụ khác của Bên thế chấp hoặc Bên vay đối với Bên nhận thế chấp/Bên vay đã đến hạn theo quy định của pháp luật.
- Bên thế chấp hoặc Bên vay chết; mất tích; bị mất năng lực hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị lâm vào tình trạng khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; đi khỏi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ liên lạc; không liên lạc được trong thời gian 90 ngày trở lên; bị bắt; bị khởi tố; bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chia, tách, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, phá sản, giải thể, tạm ngừng kinh doanh, chấm dứt hoạt động, …
- Các sự kiện mà Bên nhận thế chấp/Bên cho vay xét thấy cần thiết phải tiến hành xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
3. Phương thức xử lý xử lý tài sản thế chấp ?
Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:
a) Bán đấu giá tài sản;
b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
d) Phương thức khác.
2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Quá trình phát mại và bán đấu giá tài sản thế chấp sẽ phải tuân thủ đúng theo quy định pháp luật về đấu giá tài sản để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan.
Công ty Luật HT Legal VN chuyên bảo vệ Bên Vay và Bên Thế chấp Ngân hàng, chi tiết liên hệ chúng tôi: info@htlegalvn.com – hotline: 0961614040 - 0945174040