Các quy định mới nhất liên quan đến chuyển quyền sở hữu cổ phần

03/08/2021 - 3200 lượt xem

Các quy định mới nhất liên quan đến chuyển quyền sở hữu cổ phần

Có nhiều lý do dẫn đến việc các cổ đông muốn chuyển nhượng lại cổ phần của mình cho người khác, theo quy định của pháp luật hiện hành cho phép chủ sở hữu cổ phần có thể chuyển giao quyền sở hữu cổ phần bằng nhiều phương thức/ cách thức khác nhau. Dưới đây chúng tôi sẽ giải đáp một số vướng mắc liên quan đến các cách thức mà cổ đông chuyển nhượng trong công ty cổ phần chưa niêm yết theo quy định của pháp luật.

- Cơ sở pháp lý:

+ Bộ Luật Dân sự 2015;

+ Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020;

+ Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 4 tháng 1 năm 2021 về đăng ký doanh nghiệp.

- Nội dung:

1. Chuyển nhượng cổ phần:

- Cổ phần được hiểu là tài sản theo quy định Điều 107 Bộ luật Dân sự 2015 mang các đặc điểm sau: (1) Thể hiện quyền sở hữu của thành viên và cổ đông đối với vốn chủ sở hữu (bao gồm vốn điều lệ và thặng dư cổ phần (nếu có); (2) Tạo cho người sở hữu quyền của cổ đông tương ứng trong công ty cổ phần; (3) thể hiện của việc giới hạn trách nhiệm của cổ đông đối với nghĩa vụ nợ của công ty.

- Chuyển nhượng cổ phần là hình thức chuyển giao quyền sở hữu cổ phần trong công ty từ cổ đông góp vốn cũ trong công ty cổ phần sang cổ đông mới khác, chuyển nhượng cổ phần chỉ được thực hiện trong trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật trừ một số trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp (hạn chế cổ cổ đông sáng lập trong 03 năm đầu), Khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp (hạn chế của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết) và Khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 (một số trường trường hợp khác do Điều lệ quy định).

2. Quy định về chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần

Theo Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

“1. Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.

2. Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký. Trường hợp giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trình tự, thủ tục chuyển nhượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

3. Trường hợp cổ đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó trở thành cổ đông của công ty.

4. Trường hợp cổ đông là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì số cổ phần của cổ đông đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.

5. Cổ đông có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình tại công ty cho cá nhân, tổ chức khác; sử dụng cổ phần để trả nợ. Cá nhân, tổ chức được tặng cho hoặc nhận trả nợ bằng cổ phần sẽ trở thành cổ đông của công ty.

6. Cá nhân, tổ chức nhận cổ phần trong các trường hợp quy định tại Điều này chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ quy định tại khoản 2 Điều 122 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông.

7. Công ty phải đăng ký thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu của cổ đông có liên quan trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu theo quy định tại Điều lệ công ty.”

- Như vậy, theo quy định của luật doanh nghiệp thì có ba phương thức chủ yếu chuyển giao quyền sở hữu cổ phần cổ phần:

+ Chuyển nhượng cổ phần bằng hợp đồng chuyển nhượng/tặng cho hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán.

+ Chuyển giao bằng việc để thừa kế/chia thừa kế;

+ Thỏa thuận để trả nợ;

3. Về các hạn chế chuyển nhượng cổ phần 

- Rất nhiều khách hàng bỏ qua bước tìm hiểu quy định về chuyển nhượng cổ phần gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả quá trình thực hiện. Việc chuyển nhượng phần vốn góp và cổ phần có thể chịu các hạn chế bao gồm các hạn chế về mặt thủ tục, theo quy định của pháp luật và có thể bị hạn chế khi trong điều lệ có quy định. 

Đối với CTCP, hạn chế chuyển nhượng cổ phần chủ yếu áp dụng trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, đối với cổ đông sáng lập. Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó (Khoản 3, Điều 120 Luật doanh nghiệp).

Thứ hai, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết.  Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế. (Khoản 3, Điều 116 Luật Doanh nghiệp).

Thứ ba, hạn chế khác quy định trong điều lệ. Căn cứ Khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp cho phép Điều lệ được phép tùy nghi quy định về các hạn chế đối với việc chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.

Không giống như Công ty TNHH việc chuyển nhượng cổ phần trong các trường hợp quy định tại Điều 127 Luật Doanh nghiệp thì bên nhận chuyển nhượng sẽ trở thành cổ đông mà không cần phải có sự chấp nhận Đại hội đồng cổ đông trừ khi Điều lệ có quy định hoặc rời vào trường hợp thứ nhất đối với cổ đông sáng lập.

4. Thủ tục chuyển nhượng trong công ty

Bước 1: Tiến hành xác lập giao dịch chuyển nhượng cổ phần

Hồ sơ chuyển nhượng bao gồm:

- Văn bản chứng minh việc có phát sinh giao dịch chuyển giao quyền sở hữu cổ phần;

- Biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành giao dịch chuyển nhượng cổ phần.

Bước 2: Thực hiện các nghĩa vụ thuế 

- Nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân và đóng thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng cổ phần.

Bước 3: Yêu cầu công ty ghi nhận vào sổ đăng ký cổ đông

- Công ty phải đăng ký thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu của cổ đông có liên quan trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu theo quy định tại Điều lệ công ty.

- Cá nhân, tổ chức nhận cổ phần trong các trường hợp quy định tại Điều 127 Luật doanh nghiệp chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ quy định tại khoản 2 Điều 122 Luật doanh nghiệp được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông.

Bước 4: Thực hiện thủ tục tại cơ quan đăng ký kinh doanh (nếu có):

Trong trường hợp chuyển nhượng làm thay đổi thông tin cổ đông sáng lập, thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài thì công ty phải tiến hành thủ tục Thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập công ty cổ phần chưa niêm yết; Thông báo thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài trong công ty cổ phần chưa niêm yết quy định cụ thể tại Điều 57, Điều 58 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 4 tháng 1 năm 2021 về đăng ký doanh nghiệp.

Trên đây là nội dung trao đổi của chúng tôi về phương thức cũng như trình tự thủ tục chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần./.

Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 09.7117.4040

Cùng chuyên mục