CẦM CỐ, THẾ CHẤP CỔ PHIẾU DOANH NGHIỆP ĐỂ VAY VỐN NGÂN HÀNG (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH TÂN BÌNH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH)

20/12/2022 - 3105 lượt xem

CẦM CỐ, THẾ CHẤP CỔ PHIẾU DOANH NGHIỆP ĐỂ VAY VỐN NGÂN HÀNG (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH TÂN BÌNH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH)

Cầm cố hoặc dùng cổ phiếu để thế chấp bảo đảm cho các khoản vay của ngân hàng hiện còn khá mới mẻ với nhiều người. Bài viết sau HT Legal VN sẽ giải đáp rõ hơn về hình thức vay này.

1. Cổ phiếu là gì

Cổ phiếu là 1 trong số những loại giấy tờ có giá theo quy định của Pháp luật. Tại Điều 105 của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Theo quy định tại điểm 8 Điều 6 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 thì giấy tờ có giá là “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Căn cứ vào các quy định của khoản 1,2  Điều 4 Luật chứng khoán năm 2019  xác định: “ 1. Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây: a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;

2. Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.”

Tại khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020 giải thích về cổ phiếu như sau:

Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.

Như vậy, cổ phiếu là một loại chứng khoán do tổ chức phát hành nhằm xác nhận quyền sở hữu đối với một số cổ phần của tổ chức đó.

2. Cầm cố cổ phiếu doanh nghiệp

Cầm cố là 1 trong các hình thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Bộ luật dân sự. Điều 309 Bộ luật dân sự 2015 quy định về cầm cố tài sản như sau:

Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Pháp luật không quy định cụ thể loại tài sản nào có thể được cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà là tài sản nói chung theo quy định, Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định về tài sản được dùng để đảm bảo bao gồm:

Điều 8. Tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:

1. Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm;

2. Tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu;

3. Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ;

4. Tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định.

Cũng tại điều 13 Nghị định này quy định

Giấy tờ có giá, chứng khoán, số dư tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhưng việc mô tả tài sản bảo đảm phải phù hợp với quy định của pháp luật về giấy tờ có giá, chứng khoán, ngân hàng.

Như vậy cổ phiếu có thể được dùng để cầm cố bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Việc thực hiện cầm cố cổ phiếu dựa trên cơ sở giao kết hợp đồng của hai chủ thể tham gia, trong đó quy định rõ giá trị cổ phiếu được cầm cố, số tiền vay, lãi suất, thời hạn trả nợ và phương thức xử lý cổ phiếu cầm cố.

3. Thế chấp cổ phiếu doanh nghiệp

Điều 317 Bộ luật dân sư 2015 quy định về Thế chấp tài sản:

1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

Căn cứ quy định tại khoản 3 điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần.

Khoản 6 Điều 6 Thông tư số 08/2018/TT-BTP Hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp quy định Tài sản thuộc trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng trong đó gồm có:

Cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, chứng chỉ quỹ, séc và các loại giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch; các khoản phải thu hợp pháp của cá nhân, pháp nhân.

Người sở hữu có thể dùng cổ phiếu là tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để thế chấp đảm bảo cho khoản vay. Vay thế chấp cổ phiếu là hình thức vay thế chấp mà tài sản bảo đảm là cổ phiếu do các tổ chức kinh tế phát hành đã được niêm yết trên trung tâm giao dịch chứng khoán và theo thông báo giá từng thời kỳ. Trong trường hợp bên thế chấp vi phạm nghĩa vụ trả nợ khi đến thời hạn thanh toán thì bên nhận thế chấp có thể nhận cổ phiếu của bên thế chấp thay cho nghĩa vụ trả nợ thông qua việ xử lý tài sản thế chấp.

4. Ngân hàng nhận cầm cố, thế chấp cổ phiếu trong trường hợp nào?

Các Ngân hàng cho vay cầm cố hay thế chấp cổ phiếu thường dựa vào mức độ uy tín của loại cổ phiếu và giá cổ phiếu trên thị trường. Trong hợp đồng cho vay cầm cố cổ phiếu, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần còn bổ sung các điều khoản bắt buộc, đó là nếu giá cổ phiếu xuống dưới mức cho vay thì khách hàng phải bổ sung thêm tài sản thế chấp hay cầm cố.

Khác với các loại tài sản khác, cổ phiếu khi được dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay thì tài khoản chứng khoán của người sở hữu sẽ phải bị phong tỏa theo Điều 23. Phong tỏa, giải tỏa chứng khoán 119/2020/TT-BTCpp

1. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện phong tỏa, giải tỏa chứng khoán trong các trường hợp:

….

c) Phong tỏa, giải tỏa chứng khoán của nhà đầu tư được sử dụng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong các giao dịch bảo đảm.

….

4. Đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện theo quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Cổ phiếu còn khác tài sản khác khi theo Luật doanh nghiệp, việc cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ tài sản là cổ phần, cổ phiếu của cổ đông sáng lập bị hạn chế khi phải xử lý tài sản bảo đảm vì quy định trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác; nếu chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập thì phải được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.

Email: info@htlegalvn.com                                  Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040

 

Hoài Thu