CHUYỂN NHƯỢNG TÀI SẢN BẢO ĐẢM KHOẢN NỢ XẤU CỦA NGÂN HÀNG THÌ CÓ CHỊU THUẾ KHÔNG? (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

21/12/2022 - 1237 lượt xem

Thực tế, bản chất của tín dụng nói chung và hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại nói riêng luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho bên cho vay vì khả năng trả nợ của khách hàng vay tiền là không chắc chắn và khó có thể kiểm soát khiến tình trạng nợ xấu xuất hiện. Vậy nên bảo đảm bằng tài sản cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ là cần thiết. Trường hợp bên vay không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ thì phải xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật. Vậy xử lý tài sản bảo đảm khoản nợ xấu bằng cách chuyển nhượng tài sản bảo đảm của ngân hàng thì có chịu thuế không? Công ty Luật HT Legal VN xin chia sẻ những thông tin liên quan đến vấn đề trên qua bài viết sau:

Cơ sở pháp lý

Bộ luật Dân sự 2015;

Nghị định số 21/2021/NĐ-CP về quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ do Chính phủ ban hành ngày 19/3/2021;

Nghị định 102/2017/NÐ-CP đăng ký biện pháp bảo đảm do Chính phủ ban hành ngày 01/09/2017

Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng do Quốc hội ban hành ngày 21/06/2017;

Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 15/05/2018;

Công văn 3022/TCTHADS-NV1 về hướng dẫn nội dung liên quan đến triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 do Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành ngày 15/08/2017.

Nội dung

Xin lưu ý, khoản nợ xấu được áp dụng đối với bài viết này là khoản nợ được hình thành và xác định là nợ xấu trước ngày 15/8/2017 hoặc khoản nợ được hình thành trước ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu.

Chuyển nhượng tài sản bảo đảm khoản nợ xấu là một trong các phương thức để xử lý nợ xấu. Như vậy, để giải đáp vấn đề nộp thuế khi ngân hàng chuyển nhượng tài sản bảo đảm khoản nợ xấu, trước hết chúng ta cần tìm hiểu về tài sản bảo đảm và việc phát mại tài sản bảo đảm được pháp luật quy định như thế nào.

Khái quát về tài sản bảo đảm

Tài sản bảo đảm có thể được hiểu là tài sản được bên bảo đảm dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm thông qua các biện pháp bảo đảm như cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, ký cược, ký quỹ, đặt cọc…

Điều kiện để Ngân hàng thực hiện phát mại tài sản bảo đảm

2.1 Thế nào là phát mại tài sản bảo đảm?

Phát mại tài sản bảo đảm là quá trình ngân hàng hoặc đơn vị cho vay vốn công bố và bán tài sản bảo đảm công khai theo thủ tục do pháp luật quy định để thanh toán nợ. Có thể hiểu phát mại là một trong các biện pháp xử lý tài sản dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ.

2.2 Điều kiện để Ngân hàng phát mại tài sản bảo đảm

Thứ nhất, đáp ứng các điều kiện thu giữ tài sản bảo đảm theo khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14.

Thứ hai, về phương thức phát mại tài sản thì bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm thỏa thuận một trong các phương thức được quy định tại Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015:

Bán đấu giá tài sản;

Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;

Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;

Phương thức khác.

Trong trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm trên thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Thứ ba, Ngân hàng phải thông báo cho bên bảo đảm trước khi xử lý phát mại tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 300 Bộ luật Dân sự 2015:

“Trước khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác.

Đối với tài sản bảo đảm có nguy cơ bị hư hỏng dẫn đến bị giảm sút giá trị hoặc mất toàn bộ giá trị thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý ngay, đồng thời phải thông báo cho bên bảo đảm và các bên nhận bảo đảm khác về việc xử lý tài sản đó.”

Chuyển nhượng tài sản bảo đảm khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng thì có chịu thuế không?

Căn cứ theo Điều 15 Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định về chuyển nhượng tài sản bảo đảm như sau:

"1. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Việc nộp thuế của bên bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế. Bên nhận bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng không phải thực hiện nghĩa vụ thuế, phí khác của bên bảo đảm từ số tiền chuyển nhượng tài sản bảo đảm khi thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm".

Như vậy, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm và bên bảo đảm đều phải thực hiện việc nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Tuy nhiên đối với việc nộp thuế của bên nhận bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng thì không phải thực hiện nghĩa vụ thuế, phí khác của bên bảo đảm từ số tiền chuyển nhượng tài sản bảo đảm khi thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm như phí công chứng hợp đồng chuyển nhượng, thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ hay các loại phí, lệ phí khác.

Trên đây là một số ý kiến của Công ty Luật HT Legal VN liên quan đến vấn đề Chuyển nhượng tài sản bảo đảm khoản nợ xấu của ngân hàng thì có chịu thuế không? Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề pháp lý có liên quan, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040.

Tuyết Nhi
Theo HT Legal VN