Tham gia giao thông khi trong người có nồng độ cồn dù với lượng ít hay nhiều đều ảnh hưởng đến kỹ năng lái xe. Vì vậy, sử dụng rượu, bia là hành vi có nguy cơ cao dẫn đến mất an toàn giao thông. Việc xử phạt liên quan tới nồng độ cồn khi tham gia giao thông hiện nay, bên cạnh đa số ý kiến đồng tình, ủng hộ, thì cũng còn một số ý kiến cho rằng cần linh hoạt hơn.
Sau đây Công ty Luật HT Legal VN xin phép chia sẻ bài viết “Có cần thiết phải thay đổi mức tối thiểu nồng độ cồn bị xử phạt khi tham gia giao thông” cho Quý khách hàng tham khảo.
A. Cơ sở pháp lý
Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt
B. Nội dung
Việt Nam đã có quy định chặt chẽ về kiểm soát nồng độ cồn với người tham gia giao thông. Tuy nhiên, có ý kiến đề xuất cần biện pháp nghiêm khắc hơn, thậm chí xử lý hình sự với người vi phạm nghiêm trọng.
Việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông có thể gây ức chế não bộ, giảm phản xạ và thị lực, ước lượng sai về khoảng cách. Ngoài ra, phần lớn các kỹ năng cơ bản liên quan đến lái xe như tầm nhìn, chuyển hướng, tăng, giảm tốc độ, phanh... đều suy giảm khi nồng độ cồn trong máu tăng lên.
Số liệu khảo sát tại một số quốc gia cho thấy, trong các vụ va chạm giao thông, tỷ lệ lái xe có nồng độ cồn chiếm từ 4% đến 69%. Việc thực hiện nghiêm các quy định, trong đó có kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên với người tham gia giao thông có thể giảm 20% các vụ va chạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn.
Việt Nam đã có các quy định về cấm người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nêu rõ, người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông. Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, có nhiệm vụ chủ phương tiện có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện uống rượu, bia.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP pháp luật cũng quy định về các hình thức xử phạt hành chính với vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe. Chỉ cần phát hiện lái xe có nồng độ cồn đều bị xử phạt, thấp nhất là 6-8 triệu đồng với người đi ô tô, 2-3 triệu đồng với người đi xe máy, cao nhất là tương ứng 30-40 triệu đồng với ô tô và 6-8 triệu đồng với xe máy. Ngoài ra, lái xe còn bị tước giấy phép lái xe trong thời gian từ 10 đến 24 tháng tùy mức độ vi phạm.
Thời gian gần đây, Với việc Cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông đã từng bước được hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng do sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông gây ra.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít người dân chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của rượu, bia, nhất là nguy cơ gây tai nạn giao thông. Để hoàn thiện hơn nữa quy định của pháp luật về lĩnh vực này, HT Legal VN cho rằng nên đa dạng hóa hình thức xử phạt, ví như trừ điểm giấy phép lái xe, phạt lũy tiến khi tái phạm, lao động công ích (trực chốt đèn xanh đèn đỏ), lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe...
Với những vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng thì HT Legal VN đề xuất cần xem xét xử lý hình sự kể cả khi chưa gây hậu quả nghiêm trọng vì đe dọa đến an toàn tính mạng của người khác. Việc tiếp tục thực hiện nghiêm và hiệu quả các giải pháp kiểm soát nồng độ cồn với người tham gia giao thông được đánh giá là giải pháp quan trọng hàng đầu để kéo giảm hơn nữa số người chết, bị thương do tai nạn giao thông.
Trên đây là một số ý kiến của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về vấn đề “Có cần thiết phải thay đổi mức tối thiểu xử phạt nồng độ cồn khi tham gia giao thông” Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề pháp lý có liên quan, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040