Có được đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền đã công chứng hay không? (Công ty luật tại quận Tân Bình)

05/05/2022 - 2909 lượt xem

Có được đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền đã công chứng hay không?

Trong những giao dịch dân sự thường ngày, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai đang “nóng” hiện nay, không hiếm để bắt gặp những trường hợp các bên xác lập Hợp đồng ủy quyền tại tổ chức hành nghề công chứng. Khi đó, một bên trong quan hệ ủy quyền thực hiện không đúng hợp đồng hoặc bên ủy quyền muốn tự mình thực hiện công việc, lúc này phát sinh mong muốn chấm dứt hợp đồng ủy quyền, tuy nhiên nếu mong muốn này được bên nhận ủy quyền đồng ý thì chúng ta không có nhiều khía cạnh để khai thác nhưng thay vào đó đa số bên nhận ủy quyền sẽ không đồng ý và công chứng viên sẽ từ chối việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền của bạn.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là Bên ủy quyền có được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền đã công chứng hay không?

* Căn cứ pháp lý:

- Bộ luật dân sự 2015;

- Luật công chứng 2014.

* Nội dung:

Hợp đồng ủy quyền là gì?

Căn cứ Điều 562 Bộ Luật dân sự 2015 quy định:

“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Theo đó, các quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền và bên nhận quỷ quyền được quy định từ 564 đến Điều 568 Bộ luật dân sự 2015 thì Điều 569 BLDS 2015 quy định về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền như sau:

“1. Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.

Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.

2. Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.”

Ngoài những quyền và nghĩa vụ trong quan hệ ủy quyền, các bên còn có quyền và nghĩa vụ cơ bản được quy định trong Mục 7 Hợp đồng của Bộ Luật dân sự 2015 (tham khảo từ Điều 385 đến 429 BLDS 2015).

Công chứng và công chứng Hợp đồng ủy quyền được quy định như thế nào?

Căn cứ Khoản 1, Điều 2 Luật Công chứng 2014 quy định:

“1. Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.”

Điều 55 Luật công chứng 2014 quy định về Công chứng hợp đồng ủy quyền như sau:

“1. Khi công chứng các hợp đồng ủy quyền, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền đó cho các bên tham gia.

2. Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.”

Điều 51 Luật công chứng 2014 quy định về việc Công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch như sau:

“1. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.

2. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.

3. Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương này.”

Từ các quy định nêu trên có thể thấy Công chứng là thủ tục chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản. Công chứng được xem là một trong số những hình thức giao dịch bắt buộc trong một số trường hợp, công chứng không mang bản chất của một quy định cấm, hạn chế quyền dân sự. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó (Khoản 2 Điều 119 BLDS 2015), hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định (Khoản 2 Điều 117 BLDS 2015).

Việc công chứng, chứng thực không phải là một hình thức bắt buộc theo quy định của pháp luật đối với hợp đồng ủy quyền, tuy nhiên các bên có quyền yêu cầu công chứng viên công chứng hợp đồng ủy quyền nhằm đảm bảo về mặt pháp lý. Đối với hợp đồng ủy quyền đã được công chứng trước đó khi chúng ta muốn công chứng những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, hoặc hủy bỏ hợp đồng thì phải có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó. Việc công chứng nội dung cần sửa đổi, bổ sung, hoặc hủy bỏ hợp đồng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành.

Quay lại câu chuyện bên ủy quyền muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền nhưng bị công chứng viên từ chối có thể hiểu khi bên ủy quyền đến tổ chức hành nghề công chứng là muốn công chứng văn bản thể hiện sự đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền, trong khi đó Khoản 1, Điều 51 Luật công chứng 2014 chỉ quy định công chứng trong trường hợp sửa đổi, bổ sung, hoặc hủy bỏ hợp đồng không quy định về việc công chứng văn bản thể hiện sự đơn phương chấm dứt hợp đồng của một bên, mặt khác việc công chứng văn bản này công chứng viên không thể xác định được việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền của bên ủy quyền có hợp pháp hay không, điều đó đem lại rất nhiều rủi ro nên tổ chức hành nghề công chứng từ chối việc công chứng là có cơ sở.

Cũng tại Điều 51 Luật công chứng 2014 nêu trên, không quy định về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng. Vì vậy, căn cứ Khoản 2, khoản 3, Điều 4 Bộ luật dân sự 2015 quy định về áp dụng Bộ luật dân sự như sau: “2. Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này. 3. Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản 2 Điều này thì quy định của Bộ luật này được áp dụng.”

Như vậy, căn cứ bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền theo quy định tại Điều 569 BLDS 2015. Lưu ý rằng việc thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền phải được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định của pháp luật thì bên vi phạm sẽ phải chịu các chế tài dân sự như: bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm (nếu có).

Mọi yêu cầu tư vấn vui lòng liên hệ Công ty Luật HT Legal VN:

Email: info@htlegalvn.com                Hotline: 0961614040 - 0945174040

Cùng chuyên mục