Trọng tài thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp thường được các bên khi giao dịch thương mại thỏa thuận lựa chọn áp dụng vì thường nhanh gọn, đơn giản và đỡ tốn kém hơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào phán quyết của trọng tài thương mại cũng được các bên liên quan đồng ý. Thực tế đã có nhiều trường hợp ít nhất một bên đương sự muốn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Vậy liệu phán quyết trọng tài có được yêu cầu Tòa án xem xét hủy? Pháp luật có quy định gì về vấn đề này? Hãy cùng Công ty Luật HT Legal VN tìm hiểu qua các nội dung sau đây.
- Căn cứ pháp lý: Luật Trọng tài thương mại 2010.
- Nội dung:
1. Phán quyết trọng tài thương mại là gì?
Căn cứ Khoản 10 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010, Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài.
Trong phán quyết trọng tài phải nêu rõ cơ sở, lý do để đưa ra phán quyết vì thế sẽ đảm bảo được quyết định trọng tài luôn rõ ràng. Trong bối cảnh phán quyết trọng tài bị tòa án xem xét về hiệu lực (chấp nhận và cho thi hành hoặc tuyên bố hủy phán quyết) thì căn cứ đưa ra phán quyết trọng tài đóng vai trò rất quan trọng.
2. Có được yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài thương mại?
Căn cứ Khoản 5 Điều 61 Luật Trọng tài thương mại 2010: “Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành”.
Phán quyết của trọng tài có hiệu lực kể từ ngày ban hành, sau khi hội đồng trọng tài đưa ra phán quyết trọng tài các bên phải có nghĩa vụ thi hành. Nếu một bên không tự nguyện thi hành thì bên kia có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thi hành phán quyết. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cưỡng chế thi hành phán quyết đó. Tuy nhiên, căn cứ Khoản 1 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010, Khi có đơn yêu cầu của một bên về việc huỷ phán quyết trọng tài thì Tòa án xem xét việc hủy phán quyết.
Căn cứ Điều 69 Luật Trọng tài thương mại 2010, Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài, nếu một bên có đủ căn cứ để chứng minh được rằng Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 của Luật Trọng tài thương mại thì có quyền làm đơn gửi Toà án có thẩm quyền yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài, cụ thể:
a) Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;
b) Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật Trọng tài thương mại;
c) Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ;
d) Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;
đ) Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài phải kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là có căn cứ và hợp pháp, đơn yêu cầu phải có những nội dung được quy định tại Điều 70 Luật Trọng tài thương mại 2010 gồm:
- Ngày, tháng, năm làm đơn;
- Tên và địa chỉ của bên có yêu cầu;
- Yêu cầu và căn cứ huỷ phán quyết trọng tài.
- Kèm theo đơn yêu cầu phải có các giấy tờ sau đây:
- Bản chính hoặc bản sao phán quyết trọng tài đã được chứng thực hợp lệ;
- Bản chính hoặc bản sao thoả thuận trọng tài đã được chứng thực hợp lệ;
- Giấy tờ kèm theo đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được chứng thực hợp lệ.
Trường hợp gửi đơn quá hạn vì sự kiện bất khả kháng thì thời gian có sự kiện bất khả kháng không được tính vào thời hạn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.
Căn cứ Khoản 3 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010, Khi Tòa án xem xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, nghĩa vụ chứng minh được xác định như sau:
a) Bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010 có nghĩa vụ chứng minh Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong các trường hợp đó;
b) Đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010, Tòa án có trách nhiệm chủ động xác minh thu thập chứng cứ để quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài.
3. Quyết định của Tòa án đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài:
Khi xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Hội đồng xét đơn không xem xét lại nội dung tranh chấp, không xem xét lại nội dung vụ tranh chấp, không xem xét lại căn cứ mà bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tại không đưa ra trước đó, mà chỉ kiểm tra những căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010.
Thời gian giải quyết tranh chấp trọng tài, thời gian tiến hành thủ tục hủy phán quyết trọng tài tại Tòa án không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Theo quy định tại khoản 10 Điều 71 của Luật trọng tài thương mại: Quyết định của Tòa án là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành. Như vậy, khi Tòa án giải quyết ban hành quyết định không hủy phán quyết trọng tài thì phán quyết trọng tài có hiêu lực thi hành.
Trường hợp Tòa án ban hành quyết định hủy phán quyết trọng tài thì quyết định này không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm cũng như giám đốc thẩm. Mục đích quy định như vậy là để cho vụ án được kết thúc nhanh cho dù có những trường hợp phán quyết của trọng tài là đúng nhưng lại bị Tòa án hủy không đúng quy định.
3. Thực tiễn việc yêu cầu hủy phán quyết trọng tài tại Việt Nam
Theo thông lệ quốc tế, hủy phán quyết trọng tài là một thủ tục pháp lý do Tòa án thực hiện nhằm xem xét lại phán quyết trọng tài được ban hành có tuân thủ đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục xét xử của trọng tài thương mại theo luật định. Một trong các bên tranh chấp được quyền yêu cầu Tòa án xem xét lại phán quyết trọng tài nếu có đủ căn cứ chứng minh rằng, Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp bị hủy theo quy định của pháp luật. Việc hủy phán quyết trọng tài cũng phải tuân theo trình tự và thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định.
Tính đến hết tháng 01/2019, toàn quốc hiện có 23 Trung tâm trọng tài thương mại với số trọng tài viên là trên 460 người và được phân bố không đồng đều tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đắk Lắk. Số vụ việc tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài thương mại có xu hướng tăng lên (khoảng gần 500 vụ/năm 2018) nhưng vẫn ở mức khiêm tốn so với nhu cầu thực tiễn, chiếm chưa đến 1% trên tổng số vụ tranh chấp thương mại được Tòa án thụ lý, xét xử hàng năm. Trong khi đó, những năm gần đây, tranh chấp quốc tế đang có xu hướng giảm, ngược lại tranh chấp trong nước hiện chiếm khoảng 70% và có xu hướng gia tăng, nhất là ở các doanh nghiệp FDI
Việc số lượng phán quyết trọng tài bị Tòa án tuyên hủy có xu hướng tăng khiến cho không chỉ cộng đồng doanh nghiệp hoang mang, mà ngay chính các trọng tài viên cũng “đứng ngồi không yên”. Do tình trạng số lượng phán quyết trọng tài bị hủy cao, khiến các trọng tài viên lo lắng việc “xử mà không biết phán quyết có bị hủy hay không”. Đây là thực trạng cần khắc phục, vì bản chất Luật Trọng tài thương mại năm 2010 là tạo hành lang pháp lý cho phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài phát triển, nhưng thực tế thì đang đi ngược lại do số phán quyết trọng tài bị tuyên hủy, thậm chí còn nhiều hơn so với giai đoạn trước.
Trên đây là một số nội dung liên quan đến yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Để biết thêm về các vấn đề pháp lý liên quan, xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22).
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040