Tranh chấp hợp đồng tín dụng là những mâu thuẫn phát sinh từ việc thực hiện quyền và nghĩa vụ được ghi nhận trong hợp đồng tín dụng giữa bên cho vay là tổ chức tín dụng và bên vay là cá nhân, tổ chức. Vậy đặc điểm của tranh chấp Hợp đồng tín dụng là thế nào ? Làm sao để bảo vệ quyền lợi của bên vay ? HT Legal VN sẽ giúp bạn giải đáp qua bài viết sau:
Một trong các chủ thể trong quan hệ tranh chấp là tổ chức tín dụng:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, luật sửa đổi bổ sung năm 2017 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 16/6/2010 quy định cụ thể như sau:
“Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tỉn dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vĩ mô và quỹ tín dụng nhân dân”.
Hoạt động tín dụng là hoạt động mang tính nghề nghiệp của tổ chức tín dụng. Ngoài ra, đối với tổ chức tín dụng kinh doanh đa năng tổng hợp ngoài các hoạt động nghiệp vụ truyền thống còn thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh không truyền thống khác như kinh doanh chứng khoán, lĩnh vực bảo hiểm,…
Xét về mặt bản chất thì tổ chức tín dụng là doanh nghiệp. Tuy vậy, tổ chức tín dụng có những đặc điểm riêng mà dựa vào đó có thể nhận biết, phân biệt chúng với các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề khác trong nền kinh tế.
Hợp đồng tín dụng thường là hợp đồng theo mẫu:
Về mặt pháp lý Hợp đồng tín dụng cũng là giao dịch dân sự được thiết lập dựa trên sự bình đẳng thỏa thuận. Tuy nhiên, trên thực tế khi đi vay của tổ chức tín dụng thì người đi vay không thể đàm phán thay đổi điều khoản câu từ nào đã được ấn định sẵn trong hợp đồng tín dụng theo mẫu mặc dù người đi vay thừa biết những điều khoản nào là bất lợi với mình.
Đối với loại hợp đồng theo mẫu do một bên đưa ra, các nhà làm luật cũng dự trù trước được tình huống có những điều khoản gây bất lợi cho bên yếu thế. Theo đó, trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó. Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Hợp đồng mẫu là một loại hợp đồng đặc biệt. Ý chí của hai bên vẫn được thể hiện qua hợp đồng, ý chí chung được thể hiện thông qua việc cả hai bên cùng mong muốn tham gia vào quan hệ hợp đồng và đã chấp nhận giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, ý chí của bên được đề nghị chỉ thể hiện ở sự quyết định tham gia hay không tham gia giao kết hợp đồng. Sự thỏa thuận trong giao dịch chỉ mang tính chất hình thức.
Tính chất theo mẫu. Tính chất “theo mẫu” được thể hiện thông qua các điều khoản của hợp đồng đã được tiêu chuẩn hóa do một bên của hợp đồng chuẩn bị từ trước nhằm mục đích sử dụng nhiều lần và để giao kết với nhiều người.
Để đảm bảo quyền lợi của bên được đề nghị, bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải công khai hợp đồng theo những trình tự và thể thức theo quy định của pháp luật để bên được đề nghị biết về những nội dung của hợp đồng.
Các tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng thường tranh chấp liên quan đến mức lãi suất vay:
Tranh chấp xảy ra nhiều nhất là tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ hoàn trả vốn và lãi, về mức lãi suất vay, về vấn đề bảo đảm. Sở dĩ như vậy bởi vì, những nghĩa vụ này đóng vai trò nòng cốt trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng của các bên và việc thực hiện này có tác động trực tiếp đến quyền lợi của TCTD. Các tranh chấp khác cũng có tác động đến các TCTD nhưng không phải là cơ bản nên ít xảy ra hơn so với tranh chấp về nghĩa vụ hoàn trả vốn và lãi hay tranh chấp về lãi suất, về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng thường là tiền đề phát sinh tranh chấp về giao dịch bảo đảm:
Hợp đồng bảo đảm tiền vay thông qua hình thức cầm cố, thế chấp hoặc bảo lãnh của bên thứ ba. Các TCTD khi tham gia vào hợp đồng tín dụng đều có mục đích lợi nhuận từ việc cho vay đó vì bản chất của TCTD là doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ. Để giảm thiểu rủi ro trong trường hợp bên vay không trả được nợ, thông thường TCTD chỉ đồng ý cho bên đi vay được vay vốn khi họ có cầm cố, thế chấp bằng tài sản hoặc có bảo lãnh của bên thứ ba. Các biện pháp bảo đảm này đóng vai trò là phương pháp dự phòng của TCTD khi rủi ro xảy ra. Khi đó, để đảm bảo cho nghĩa vụ được đảm bảo trong hợp đồng tín dụng thì các bên kí kết hợp đồng bảo đảm cho khoản vay. Tùy từng trường hợp, đó có thể là hợp đồng cầm cố, hợp đồng thế chấp hay là dưới hình thức chứng thư bảo lãnh của bên thứ ba. Những điều khoản về quyền và nghĩa vụ trong các hợp đồng bảo đảm cho nghĩa vụ vay vốn là để bảo đảm cho việc vay vốn, xuất phát từ hợp đồng tín dụng đã được kí kết và mục đích cuối cùng là bảo đảm cho việc trả nợ của bên đi vay.
Tranh chấp hợp đồng tín dụng nếu không thỏa thuận, thương lượng được thì sẽ chuyển sang giai đoạn kiện tụng và thi hành án kéo dài:
Thực tế quá trình bảo vệ bên vay và bên thế chấp, Công ty Luật HT Legal VN nhận thấy rất nhiều tổ chức tín dụng tỏ ra chủ quan hoặc cơ trên trong cách xử lý vụ việc với khách hàng của mình, thường đe dọa sẽ thu giữ tài sản hoặc yêu cầu ra khỏi nhà hoặc tạo ra nhiều tình huống nghiêm trọng nhằm đe dọa khách hàng, nhưng những hành đồng đó chỉ làm cho vụ việc thêm căng thẳng và kéo dài.
Nhiều vụ việc kéo dài từ sơ thẩm, phúc thẩm (thậm chí cả Giám đốc thẩm, tái thẩm) hoặc tranh chấp tại giai đoạn thi hành án, có nhiều vụ kéo dài rất nhiều năm, từ giai đoạn tranh chấp, khiếu nại tại Cơ quan thi hành án, đến định giá, bán tài sản (thường là bán đấu giá) và bàn giao tài sản.
Trên đây là nội dung phân tích về đặc điểm của tranh chấp hợp đồng tín dụng, để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề pháp lý thường xuyên gặp phải, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040