Đặt tên doanh nghiệp sao cho đúng quy định? 

11/08/2021 - 1729 lượt xem

Đặt tên doanh nghiệp sao cho đúng quy định? 

Việc đặt tên doanh nghiệp đó là quyền tự do của doanh nghiệp, tuy nhiên có nhiều trường hợp vẫn bị cơ quan có thẩm quyền trả hồ sơ yêu cầu sửa đổi bổ sung vì đặt sai tên doanh nghiệp hoặc trùng với doanh nghiệp đã đăng ký, thậm chí có những trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng tên doanh nghiệp có dấu hiệu gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã đăng ký sở hữu trí tuệ hoạt động trong cùng ngành nghề kinh doanh nên bị xử phạt vi phạm hành chính và bắt buộc phải đổi tên gây ra thiệt hại không ít cho doanh nghiệp.

Vậy đặt tên doanh nghiệp như thế nào là đúng với quy định của luật doanh nghiệp 2020? 

Trong phạm vi bài viết này chúng tôi hướng dẫn cho bạn cách đặt tên theo quy định pháp luật hiện hành để tránh các trường hợp bất lợi phát sinh ngoài mong muốn.

- Cơ sở pháp lý:

  • Luật Doanh nghiệp năm 2020;

  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký đầu tư;

  • Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/08/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

- Nội dung:

Tên doanh nghiệp bao gồm tên Tiếng Việt, Tên tiếng nước ngoài và Tên viết tắt.

1. Tên tiếng Việt:

Căn cứ Khoản 1 Điều 37 Luật doanh nghiệp 2020

Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự:

TÊN DOANH NGHIỆP = LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP (1) + TÊN RIÊNG (2)

(1) Loại hình doanh nghiệp gồm 04 loại hình sau:

  • “Công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;

  • “Công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần;

  • “Công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh;

  • “Doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.

(2) Tên riêng do doanh nghiệp tự đặt nhưng phải tuân thủ các quy định mà chúng tôi sẽ trình bày tiếp theo, Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu

2. Tên Tiếng nước ngoài

Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài. (Khoản 1 Điều 39 Luật doanh nghiệp 2020)

3. Tên viết tắt

Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài (Khoản 1 Điều 39 Luật doanh nghiệp 2020)

4. Không được vi phạm những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp

4.1 Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp không được đăng ký tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản. Cụ thể được Điều 41 Luật doanh nghiệp 2020 quy định như sau:

- Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký.

- Các trường hợp được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký bao gồm:

a) Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;

b) Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;

c) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;

d) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;

đ) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-”, “_”;

e) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;

g) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”;

h) Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.

  • Lưu ý đặc biệt: Các trường hợp tại điểm d, đ, e, g và h nêu trên về tên gây nhầm lẫn thì không áp dụng đối với công ty con của công ty đã đăng ký. Tức là công ty con của doanh nghiệp đã đăng ký được đặt tên riêng khác với tên riêng của công ty mẹ trong các trường hợp d, đ, e, g và h nêu trên

Ví dụ: Công ty mẹ có tên là Công ty TNHH ABC; Công ty con có thể đặt tên là Công ty TNHH ABC Miền Nam

4.2 Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

4.3 Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

4.4 Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu đó. Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp.

5. Hậu quả pháp lý khi vi phạm việc đặt tên doanh nghiệp

5.1 Bị từ chối tên dự kiến đăng ký

Phòng Đăng ký kinh doanh có quyền chấp thuận hoặc từ chối tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Để tránh tên doanh nghiệp bị trùng, nhầm và vi phạm quy định về đặt tên doanh nghiệp, ý kiến Phòng Đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng. Trường hợp không đồng ý với quyết định của Phòng Đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp có thể khởi kiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính. (Khoản 2 Điều 18 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)

5.2.  Xử phạt vi phạm hành chính

Trường hợp doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhưng tên doanh nghiệp vốn dĩ đã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì:

Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đặt tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì doanh nghiệp có tên vi phạm phải đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp không đổi tên thì khi xảy ra trường hợp chủ thể quyền sở hữu công nghiệp gửi văn bản đề nghị đến Phòng Đăng ký kinh doanh để yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên doanh nghiệp cho phù hợp theo đúng quy định tại Khoản 3 Điều 19 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký đầu tư.

Theo đó, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký đầu tư, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên doanh nghiệp và tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo. Kèm theo thông báo phải có các giấy tờ theo quy định tại khoản 3 Điều 19 nêu trên.

Sau thời hạn trên, nếu doanh nghiệp không đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp theo yêu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, theo đó áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không thực hiện trong thời hạn do pháp luật quy định thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh để yêu cầu doanh nghiệp báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp 2020. Đối với doanh nghiệp không báo cáo, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2020.

Mức xử phạt vi phạm hành chính áp dụng quy định Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/08/2013 đối với các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp theo nguyên tắc sau:

  1. Mức phạt tiền đối với các hành vi tại Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/08/2013 là mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 250.000.000 đồng.
  2. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 500.000.000 đồng.

6. Cách tra cứu tên doanh nghiệp tránh bị vi phạm

6.1 Tra cứu tên doanh nghiệp dự định đặt đã được đăng ký chưa trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Bước 1: Truy cập vào Trang chủ của Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn

Bước 2: Nhập phần tên riêng của công ty dự kiến đăng ký vào ô Tìm doanh nghiệp và nhấp tìm kiếm. Nếu không thấy xuất hiện tên công ty nào thì tên doanh nghiệp dự kiến đặt không bị trùng.

6.2 Tra cứu đối tượng quyền sở hữu công nghiệp chủ yếu là về Nhãn hiệu trên website của Cục Sở hữu trí tuệ theo link sau: http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/Wlogin.php

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về việc đặt tên cho doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020./.

Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 09.7117.4040

Cùng chuyên mục