ĐIỂM MỚI LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TY CỔ PHẦN THEO LUẬT DOANH NGHIỆP NĂM 2020

21/08/2021 - 1495 lượt xem

ĐIỂM MỚI LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TY CỔ PHẦN THEO LUẬT DOANH NGHIỆP NĂM 2020

 

Luật Doanh nghiệp năm 2020 sửa đổi, bổ sung tương đối nhiều nội dung liên quan đến Công ty cổ phần. Tuy nhiên, Công ty Luật Ht Legal Vn xin được đề cập dưới đây về những điểm mới cơ bản, riêng biệt, liên quan đến đặc thù của loại hình doanh nghiệp Công ty cổ phẩn. Cụ thể là:

 

Thứ nhất: Về các loại cổ phần của công ty cổ phần (Điều 114 Luật doanh nghiệp 2020)

 

Kế thừa quy định về các loại cổ phần tại Điều 113 Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định một loại cổ phần mới: “Cổ phần cơ sở”

 

Có thể biết, cổ phần phổ thông được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết.

 

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới và xung quanh Việt Nam đã có cơ chế về Chứng chỉ ký quỹ không có quyền biểu quyết (Non-Voting Depositiry Receipt, viết tắt là NVDR). Người mua NVDR có đầy đủ quyền lợi kinh tế của cổ phiếu tương ứng, nhưng không có quyền biểu quyết. Do đó, NVDR sẽ giúp thu hút vốn đầu nước ngoài trong lĩnh vực mà có giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước do việc nhà đầu tư sở hữu NVDR không có quyền biểu quyết, nên không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này góp phần thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hoá nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và đa dạng hoá thêm sản phẩm giao dịch cho thị trường chứng khoán.

 

Ngoài ra luật doanh nghiệp năm 2020 sửa đổi quy định về cổ phần ưu đãi biểu quyết (khoản 1, Điều 116). Theo đó, cân lưu ý đối với loại cổ phần này như sau:

 

- Chủ thể có quyền nắm giữ: Tổ chức được Chính phủ uỷ quyền; cổ đông sáng lập.

- Thời hạn hưởng ưu đãi:

(i) Đối với cổ đong sáng lập: 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;


(ii) Đối với tổ chức được Chính phủ uỷ quyền: Được quy định cụ thể tại Điều lệ công ty;

- Sau thời hạn hưởng ưu đãi biểu quyết: Cổ phần ưu đãi biểu quyết chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.

 

Thứ hai. Về quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông (Điều 115, Điều 119).

 

Luật doanh nghiệp năm 2020 bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông. Cụ thể:

 

- Xem xét, tra cứu và trích lục thông tin về tên và địa chỉ liên lạc trong danh sách cổ đồng có quyền biểu quyết.

 

Cần lưu ý, Cổ đông phổ thông chỉ có quyền xem xét, tra cứu và trích lục thông tin về tên và địa chỉ liên lạc của cổ đông có quyền biểu quyết, không có quyền xem xét về các thông tin khác.

 

- Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên (hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty) có các quyền quy định khoản 2,3,4 Điều 115.

 

- Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên (hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty) có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát theo quy định tại khoản 5, Điều 115.

 

Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cố phẩn phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 thàng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty để có các quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 114 Luật này. Tuy nhiên, Luật doanh nghiệp 2020, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty sẽ được ghi nhận các quyền nhất định trong quá trình hoạt động của công ty.

 

Bảo vệ cổ đông là một nội dung rất quan trọng nhất của quy định về khung quản trị doanh nghiệp. Luật doanh nghiệp năm 2020 bỏ quy định về thời hạn sở hữu cổ phần phổ thông và giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông, nhóm cổ đông đã tạo điều kiện cho việc trao nhiều quyền hơn cho cổ đông hoặc nhóm cổ đông có phần trăm sở hữu cổ phần phổ thông thấp và không liên tục. Việc hoàn thiện quy định về bảo vệ cổ đông sẽ đóng góp quan trọng làm cho doanh nghiêp trở thành một công cụ kinh doanh an toàn và thông qua đó sẽ thức đâỷ đầu tư, tinh thần đầu tư mà còn giúp huy động đầu tư tốt hơn, đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư.

 

- Bên cạnh những nghĩa vụ của cổ đông được quy định tại Điều 115 Luật doanh nghiệp năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2020 bổ sung nghĩa vụ của cổ đông giúp tăng tính bảo mật liên quan đến các thông tin của công ty. Cụ thể: Việc bảo mật các thông tin được công ty cung cấp được thực hiện theo quy định tại Điều lệ công ty; chỉ sử dụng thông tin được cung cấp để thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nghiêm cấm phát tán hoặc sao, gửi thông tin được công ty cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.

 

Thứ ba. Về điều kiện cháo bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng (Điều 125)

 

Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng như sau:

 

- Không cháo bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng;

- Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

 

Cần lưu ý:

- Công ty quyết định phương án chào bán cổ phần riêng lẻ;

- Cổ đông của công ty có quyền ưu tiên mua cổ phần
(Khoản 2, Điều 124)

- Trường hợp cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua không mua hết thì số cổ phần còn lại được bán cổ phần riêng lẻ với điều kiện không thuận lợi hơn so với điều kiện chào bán cho các cổ đông, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có chấp thuận khác.

 

Thứ tư. Về cơ cấu tổ chức quản lý của công ty cổ phần (Điều 137)

Luật doanh nghiệp năm 2020 kế thừa quy định về cơ cấu tổ chức quản lý công ty đã được quy định tại Điều 134 Luật doanh nghiệp 2014. Theo đó, tồn tại hai mô hình tổ chức quản lý công ty cổ phần:

 

(i) Đại hồi đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc/Tổng giám đốc.

Lưu ý: Công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát.

 

(ii) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc/ Tổng giám đốc

 

Công ty cổ phần tổ chức theo mô hình này phải có ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập, và có Uỷ ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Đây là điểm mới được sửa đổi so với quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2014, theo đó: Thuật ngữ “Uỷ ban kiểm toán” đã thay thế cho “Ban kiểm toán” được quy định tại Điều 134 Luật Doanh nghiệp 2014. Sự thay thế này giúp tránh được sự nhầm lẫn không đáng có giữa bộ phận này (trực thuộc Hội đồng quản trị) với Bộ phận kiểm toán độc lập của công ty.

 

Lưu ý:

- Cớ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban kiểm toán được quy định tại Điều lệ công ty hoặc Quy chế hoạt động của Uỷ ban kiểm toán do Hội đồng quản trị ban hành.

- Luật Doanh nghiệp năm 2020 bổ sung Điều 161 quy định về Uỷ ban kiểm toán.

 

Thứ năm: Về trả nổ tức.

 

Luật doanh nghiệp năm 2020 sửa đổi khoản 3 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2014 thành khoản 5 Điều 4 như sau: “Cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc tài sản khác.”

 

Có thể thấy, so với Luật doanh nghiệp 2014, thì Luật doanh nghiệp 2020 đã bỏ quy định về cổ tức được chi trả bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác: “Từ nguồn lời nhuận còn lại của công ty cổ phần sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính.”. Như vậy, sửa đổi để đảm bảo giải thích từ ngữ này bao quát được và thể hiện đúng khái niệm chung về cổ tức, bao gồm cả loại cổ tức trả cho cổ phần ưu đãi cổ tức. Cổ phần ưu đãi cổ tức được chia hàng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng. Trong đó, cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Do đó, dù Công ty cổ phần chưa chi trả các nghĩa vụ về tài chính thì vẫn phải thực hiện việc chi trả cổ tức cố định.

 

Thứ sáu. Về quyền và nghĩa vụ của Đại hội đồng cổ đông

 

Luật Doanh nghiệp năm 2020 bổ sung các điểm K, l, m khoản 2 Điều 138 về các quyền của Đại hội đồng cổ đông. Cụ thể:

- Quyết định ngân sách hoặc tổng mức thù lao, thưởng và lợi ích khác cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát;

- Phê duyệt quy chế quản trị nội bộ; quy chế hoạt động Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát;

- Phê duyệt danh sách công ty kiểm toán độc lập; quyết định công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm tra hoạt động của công ty, bãi miễm kiểm toán viên độc lập khi xét thấy cần thiết,.

 

Có thể thấy đây là các nội dung quan trọng, có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến quyền và lợi ích của chính các cổ đông. Đại hội cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết và là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Nên theo thông lệ quản trị công ty tốt, thì cổ đông phải có quyền tham gia thảo luận và quyết định về những vấn đề như: Quyết định kiểm toán độc lập, quyết định thù lao và ngân sách hoạt động cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát...

 

Thứ bảy: Về cuộc họp Đại hội đồng cổ đông

- Liên quan đến chương trình và nội dung họp (Điều 142)

 

Luật Doanh nghiệp năm 2020 bổ sung quy định về thời hạn mà người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông có quyền từ chối kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp của tổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên là: Chậm nhất 02 ngày làm việc trước ngày khai mạc cuộc họp. Trường hợp này, người triệu tập họp phải nêu rõ lý do từ chối và lập thành văn bản để trả lời chủ thể đã kiến nghị.

 

- Liên quan đến vấn đề nội dung mời họp Đại hội đồng cổ đông:

 

Luật doanh nghiệp năm 2020 sửa đổi khoản 3 Điều 139 Luật doanh nghiệp 2014 thành khoản 3 Điều 143 như sau:

 

“3. Thông báo mời họp phải được gửi kèm theo các tài liệu sau đây:

  1. Chương trình hop, các tài liệu sử dụng trong cuộc họp và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp;
  2. Phiếu biểu quyết.

 

Lưu ý: Bãi bỏ việc cổ đông chỉ được chỉ định đại diện uỷ quyền theo Mẫu chỉ định đại diện theo uỷ quyền dự họp do doanh nghiệp phát hành. Thay vào đó, cổ đông có quyền thực hiện uỷ quyền theo hình thức phù hợp theo quy định của Pháp luật dân sự.

 

Sửa đổi này nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của cổ đông. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp lạm dụng quy định về ban hành và gửi mẫu chỉ định đại diện uỷ quyền cho cổ đông. Ví dụ, mẫu dự họp thường xuyên thay đổi, gửi mẫu dự họp sát thời gian họp...gây khó khăn hoặc thậm chí khiến cho cổ đông, đặc biệt là cổ đông nước ngoài, không kịp đủ thời gian để uỷ quyền cho người khác dự họp, vì các thủ tục hành chính như uỷ quyền, hợp pháp hoá lãnh sự...tốn nhiều thời gian.

 

- Liên quan đến điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông (Điều 145)

Nội dung này được sửa đổi so với quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 theo hướng: Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện từ “ít nhất 51% thành “trên 50%” tổng số phiếu biểu quyết.

 

Thứ tám. Về điều kiện để nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thông qua

 

Luật Doanh nghiệp năm 2020 bổ sung quy định tại khoản 6, Điều 148 về nội dung liên quan đến cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi như sau:

 

“6. Nghị quyết Đaị hội đồng cổ đông về nôi dung làm thay đổi bất lợi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi chỉ được thông qua nếu được số cổ đông ưu đãi cùng loại dự họp sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đí trở lên tán thành hoặc được các cổ đông ưu đãi cùng loại sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành trong trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.

 

Lưu ý: Công ty cần hết sức chú ý tới tỷ lệ cổ đông tán thành thông qua nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp này. Cụ thể: Nếu nội dung nghị quyết làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi theo hướng bất lợi thì chỉ được thông qua nếu được sự tán thành của ít nhất 75% số cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cùng loại (áp dụng cho cả trường hợp biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc hình thức lấy ý kiến bằng văn bản)

 

Thứ chín: Về biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và biên bản họp Hội đồng quản trị

 

Luật doanh nghiệp năm 2020 bổ sung quy định trong trường hợp chủ toạ và thư ký cuộc họp không hợp tác, không ký biên bản-Làm cho công ty không thể thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết để triển khai các nội dung đã được cuộc họp thông qua, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty. Cụ thể:

 

- Trường hợp chủ toạ, thư ký từ chối ký biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thì biên bản này có hiệu lưc nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng quản trị tham sự họp ký và có đầu đủ nôi dung theo quy định của pháp luật(khoản 1, điều 150);

 

Lưu ý: Biên bản họp ghi rõ việc: “Chủ toạ, thư ký từ chối ký biên bản họp này:.

 

- Trường họp chủ toạ, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp Hội đồng quản trị nhưng nếu được tất thành viên khác của Hội đồng quản trị tham dự họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật (khoản 1, điều 158) thì biên bản này có hiệu lực.

 

Thứ mười. Về giám đốc, Tổng giám độc công ty

 

Luật doanh nghiệp năm 2020 bổ sung khoản 5 Điều 162 về tiêu chuẩn, điều kiện của giám đốc, Tổng giám đốc công ty đại chúng, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Bao gồm:

- Không thuộc đối tượng quy định không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp.

- Không được là người có quân hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ;

- Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty.

 

Thư mười một: Về quyền khởi kiện đối với thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc

 

Luật Doanh nghiệp năm 2020 sửa đổi nội dung này trên cở sở nâng cao và mở rộng quyền của các cổ đông, nhóm cổ đông. Cụ thể: Cổ đông, nhóm cổ đông có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường các thiệt hại cho công ty hoặc người khác trong các trường hợp nhất định (khoản 1, Điều 166).

 

Thứ mười hai. Về chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan (Điều 167)

 

Luật doanh nghiệp 2020 kế thừa về nội dung này được quy định tại Điều 162 Luật doanh nghiệp năm 2014.

Theo đó, Đại hội đồng cổ đông hoặc Hôi đồng quản trị có quyền chấp thuận đối với những hợp đồng, giao dịch nhất định, Phụ thuộc vào nội dung của hợp đồng giao dịch, cũng như chủ thể có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đó. Luật doanh nghiệp năm 2020 bổ sung quy định về hợp đồng, giao dịch thuộc thẩm quyền chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Cụ thể:

Hợp đồng, giao dịch vay, cho vay, bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ phần đó.”

 

Lưu ý:

 

- Hội đồng quản trị: Chấp thuận những hợp đồng, giao dịch có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất (hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn được quy định tại Điều lệ công ty)

- Trừ các hợp đồng, giao dịch giữa công ty với cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên.

 

- Đại hội đồng cổ đông chấp thuận những giao dịch còn lại. Cụ thể:

(i) giao dịch có giá trị từ 35% trở lên giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất;

(ii) giao dịch có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp nếu chủ thể có liên quan là cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết hoặc người có liên quan của cổ phần đó.

 

Công ty Luật HT Legal VN là chuyên gia trong lĩnh vực "tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp"

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ "tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp" xin hãy liên hệ với chúng tôi

Hotline: 09 7117 4040 - 0961614040

Website : www.htlegalvn.com

 

HT LEGAL VN

Cùng chuyên mục