ĐIỀU KIỆN THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP HỒ CHÍ MINH)

17/10/2022 - 1175 lượt xem

Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thể hiện những quyết định của Đại hội đồng cổ đông trong cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông của công ty. Vì Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông có tính quyết định rất lớn và ảnh hưởng đến hoạt động của công ty nên điều kiện thông qua Nghị quyết của đại hội đồng cổ đông được Luật doanh nghiệp quy định rất chặt chẽ.

Căn cứ pháp lý:

- Luật doanh nghiệp 2020.

Nội dung:

1. Đại hội đồng cổ đông và nghị quyết của đại hội đồng cổ đông?

1.1. Đại hội đồng cổ đông

Theo khoản 1 Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2020, đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần.

1.2. Nghị quyết của đại hội đồng cổ đông

Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần là văn bản thể hiện các quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Các quyết định này được thông qua theo trình tự, thủ tục nhất định tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

Theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 140 Luật Doanh nghiệp 2020, người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải thực hiện việc dự thảo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông theo nội dung dự kiến của cuộc họp, dự thảo này sẽ đươc tiến hành thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông theo một trong hai hình thức gồm biểu quyết hoặc lấy ý kiến bằng văn bản. Để nghị quyết của đại hội đồng cổ đông được xem xét thông qua và có hiệu lực thì nội dung và hình thức thông qua nghị quyết là căn cứ quan trọng cần chú ý.

2. Cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông

Như đã nói, nghị quyết của đại hội đồng cổ đông được thông qua tại cuộc họp của đại hội đồng cổ đông. Do đó, cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông là một vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp cần chú ý. Căn cứ khoản 1 Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2020, họp Đại hội đồng cổ đông có hai hình thức: họp thường niên và họp bất thường. Cả hai cuộc họp này sẽ đều do Hội đồng quản trị của công ty triệu tập họp. Ngoài ra, Điều 139 Luật Doanh nghiệp cũng quy định địa điểm họp Đại hội đồng cổ đông được xác định là nơi chủ tọa tham dự họp và phải ở trên lãnh thổ Việt Nam.

2.1. Họp Đại hội đồng cổ đông thường niên

Căn cứ khoản 1 Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2020, cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên được diễn ra mỗi năm một lần. Khoản 2 Điều luật này cũng quy định Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, Hội đồng quản trị quyết định gia hạn họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong trường hợp cần thiết, nhưng không quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

2.2. Họp Đại hội đồng cổ đông bất thường

Theo quy định tại khoản 1 Điều 140 Luật Doanh nghiệp 2020, Hội đồng quản trị triệu tập họp bất thường Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp sau đây:

- Hội đồng quản trị xét thấy cần thiết vì lợi ích của công ty;

- Số lượng thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát còn lại ít hơn số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của pháp luật;

- Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông nếu Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao hoặc trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty; căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 140, điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020;

- Theo yêu cầu của Ban kiểm soát;

- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

3. Điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông

Theo quy định tại khoản 1 Điều 145 Luật Doanh nghiệp 2020, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định. Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 1 Điều này thì khoản 2 quy định thông báo mời họp lần thứ hai phải được gửi trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện từ 33% tổng số phiếu biểu quyết trở lên; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

Đồng thời, khoản 3 Điều luật trên cũng đề cập đến trường hợp cuộc họp lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 2 Điều này thì thông báo mời họp lần thứ ba phải được gửi trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ hai, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần thứ ba được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.

Chương trình họp của Đại hội đồng cổ đông chỉ có thể được Đại hội đồng cổ đông quyết định thay đổi chương trình họp đã được gửi kèm theo thông báo mời họp theo quy định tại Điều 142 của Luật này.

4. Điều kiện thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông

Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được thông qua khi nhận được biểu quyết tán thành của các cổ đông tham gia dự họp. Đối với mỗi vấn đề nhất định thì việc thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông sẽ yêu cầu tỷ lệ biểu quyết tán thành của cổ đông khác nhau.

Theo quy định tại Điều 148 Luật Doanh nghiệp thì việc thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông công ty được xác định như sau:

- Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông đại diện từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông dự họp tán thành, tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định:

1. Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;

2. Thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh;

3. Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty;

4. Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác;

5. Tổ chức lại, giải thể công ty;

6. Vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định.

- Các nghị quyết được thông qua khi được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 3, 4 và 6 Điều 148 Luật doanh nghiệp; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

- Trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua nếu được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông có quyền biểu quyết tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

- Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về nội dung làm thay đổi bất lợi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi chỉ được thông qua nếu được số cổ đông ưu đãi cùng loại dự họp sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành hoặc được các cổ đông ưu đãi cùng loại sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành trong trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.

Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông phải được thông báo đến cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua; trường hợp công ty có trang thông tin điện tử, việc gửi nghị quyết có thể thay thế bằng việc đăng tải lên trang thông tin điện tử của công ty.

5. Hình thức thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông

Theo quy định tại Điều 147 Luật doanh nghiệp thì Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản.

Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về các vấn đề sau đây phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông:

- Sửa đổi, bổ sung nội dung của Điều lệ công ty;

- Định hướng phát triển công ty;

- Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;

- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát;

- Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác;

- Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;

- Tổ chức lại, giải thể công ty.

6. Hiệu lực thi hành của Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông

Điều 152 Luật doanh nghiệp quy định Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông có hiệu lực kể từ ngày được thông qua hoặc từ thời điểm có hiệu lực ghi tại nghị quyết đó.

Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là hợp pháp và có hiệu lực ngay cả khi trình tự, thủ tục triệu tập họp và thông qua nghị quyết đó vi phạm quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.

Trường hợp có cổ đông, nhóm cổ đông yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại Điều 151 của Luật doanh nghiệp, nghị quyết đó vẫn có hiệu lực thi hành cho đến khi quyết định hủy bỏ nghị quyết đó của Tòa án, Trọng tài có hiệu lực, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Trên đây là những quy định của Luật doanh nghiệp về điều kiện thông qua nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Nếu bạn còn bất cứ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này hoặc bạn cần Luật sư tư vấn doanh nghiệp về thủ tục tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ.

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Thủy Trúc
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục