HẬU QUẢ PHÁP LÝ KHI KHÔNG TRẢ LẠI TIỀN CHO NGƯỜI KHÁC CHUYỂN KHOẢN NHẦM (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

09/11/2022 - 633 lượt xem

Trong thời đại công nghệ phát triển, các giao dịch tài chính được công nghệ hóa thông qua dịch vụ Internet Banking. Tuy nhiên, dịch vụ này ẩn chứa một số rủi ro nếu khách hàng không cẩn thận khi sử dụng, trong đó việc chuyển tiền nhầm cho số tài khoản của người khác do sơ suất thường xuyên xảy ra. Trong trường hợp này, nhiều chủ tài khoản nhận tiền chuyển khoản nhầm không hoàn trả lại tiền cho người chuyển khoản gây nên thiệt hại đáng kể. Vậy pháp luật có những quy định nào để bảo vệ người chuyển khoản nhầm khi không được hoàn trả khoản tiền này. Công ty Luật HT Legal VN xin chia sẻ những thông tin về vấn đề này đến quý độc giả qua bài viết sau:

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự 2015;

Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;

Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ;

Nội dung

Số tiền chuyển khoản nhầm sang số tài khoản của người khác có đương nhiên trở thành tài sản thuộc quyền sở hữu của người đó?

Căn cứ theo Điều 179 Bộ luật Dân sự 2015, việc một người nắm giữ tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như người có quyền đối với tài sản được gọi là chiếm hữu, việc chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu.

Việc chủ số tài khoản mà bạn đã chuyển tiền nhầm nắm giữ số tiền thuộc quyền sở hữu của bạn được coi là việc chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu và việc chiếm hữu của họ không là căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với số tiền bạn chuyển khoản nhầm theo khoản 2 Điều này quy định, tức bạn vẫn là chủ sở hữu của số tiền đã chuyển khoản nhầm sang tài khoản của người khác.

Đồng thời, việc chiếm hữu tài sản của người khác trong trường hợp trên được coi là việc chiếm hữu không có căn cứ pháp luật vì theo khoản 2 Điều 165 Bộ luật Dân sự 2015 thì các trường hợp không thuộc 6 trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được coi là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật, cụ thể:

“1. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau đây:

a) Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;

b) Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;

c) Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;

d) Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

đ) Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

e) Trường hợp khác do pháp luật quy định.

2. Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.”

Nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu không có căn cứ pháp luật

Căn cứ Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ hoàn trả: Người chiếm hữu tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó. Nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.

Đối chiếu với trường hợp trên, người nhận số tiền bạn chuyển khoản nhầm phải có nghĩa vụ hoàn trả lại cho bạn, nếu không liên lạc được thì phải giao số tiền đó cho cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, người nhận số tiền chuyển khoản nhầm phải hoàn trả toàn bộ số tiền này cho chủ sở hữu theo Điều 580 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản hoàn trả.

Hậu quả pháp lý khi không trả lại số tiền người khác chuyển khoản nhầm

Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm mà sẽ bị xử lý hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

Xử phạt vi phạm hành chính theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ:

Hành vi chiếm giữ tài sản của người khác bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng. Đồng thời người nhận số tiền chuyển khoản nhầm bị buộc phải trả lại số tiền chiếm giữ trái phép theo điểm b khoản 4 Điều này. Riêng đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm này thì bị trục xuất khỏi nước khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo điểm b khoản 3 cùng Điều.

Xử lý hình sự theo Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản:

“1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”

Theo đó, trường hợp số tiền chiếm giữ trái phép từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng thì người chiếm giữ số tiền này bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, đồng thời phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 02 năm. Nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép lên đến 200 triệu đồng thì người chiếm giữ số tiền này bị phạt tù đối đa 5 năm.

Trên đây là một số phân tích liên quan đến những hậu quả pháp lý khi không trả lại tiền của người khác chuyển khoản nhầm của Công ty Luật TNHH HT Legal VN. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề khác có liên quan, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602, Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Tuyết Nhi
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục