[Hỏi - Đáp] Giao dịch mua bán chuyển nhượng cổ phần/ phần vốn góp có bắt buộc lập thành văn bản công chứng, chứng thực hay không?

23/06/2021 - 1671 lượt xem

 

Giao dịch mua bán chuyển nhượng cổ phần/ phần vốn góp có bắt buộc lập thành văn bản công chứng, chứng thực hay không?

Với tình hình kinh tế đang trên đà phát triển hiện nay, các giao dịch mua bán, sáp nhập ngày càng gia tăng, theo đó nhiều vấn đề xung quanh Hợp đồng mua bán phần vốn góp hoặc mua bán cổ phần được đặt ra. Một trong những câu hỏi mà nhiều người vẫn còn đang mơ hồ đó là Giao dịch mua bán chuyển nhượng cổ phần/ phần vốn góp có bắt buộc lập thành văn bản công chứng, chứng thực hay không?

- Căn cứ pháp lý:

  • Luật doanh nghiệp 2020;

  • Luật Đầu tư 2020;

  • Bộ Luật dân sự 2015;

  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021.

- Nội dung:

Việc mua bán phần vốn góp/cổ phần được xem là một giao dịch dân sự, ngoài việc phải chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp thì giao dịch mua bán chuyển nhượng phần vốn góp/cổ phần cũng chịu sự điều chỉnh của Luật đầu tư và Bộ luật dân sự.

Theo đó, Điều 119 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định về hình thức giao dịch dân sự như sau: “1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản. 2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”

Đối với việc mua bán phần vốn góp thì Luật Doanh nghiệp không quy định về việc giao dịch mua bán chuyển nhượng phần vốn góp/cổ phần phải được lập thành văn bản hay phải công chứng chứng thực mới có giá trị pháp lý. 

Tuy nhiên,  tại Khoản 2, Điều 127 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về chuyển nhượng cổ phần: “Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký. Trường hợp giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trình tự, thủ tục chuyển nhượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.”

Dù không đề cập đến hình thức của Giao dịch mua bán chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp nhưng sau khi kết thúc giao dịch mua bán thì nhà đầu tư, tổ chức kinh tế phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên/cổ đông và thay đổi tỷ lệ vốn góp (nếu có) theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư 2020.

Mặt khác, tại các Điều 52, 53, 58 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 hướng dẫn thành phần hồ sơ thực hiện việc đăng ký thay đổi các nội dung nêu trên thì phải cung cấp “Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp hoặc các giấy tờ chứng minh việc hoàn tất chuyển nhượng”.

Như vậy, dù Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ Luật Dân sự  hay các văn bản hướng dẫn đều không quy định cụ thể về hình thức bắt buộc của giao dịch mua bán chuyển nhượng phần vốn góp/cổ phần nhưng thủ tục đăng ký thay đổi là bắt buộc và thành phần hồ sơ đăng ký cũng đã quy định rõ nên giao dịch mua bán chuyển nhượng phần vốn góp/cổ phần phải thành lập bằng văn bản, còn việc công chứng, chứng thực giao dịch này thì chưa có quy định nào bắt buộc phải thực hiện.

Tuy nhiên, để tránh được các rủi ro có thể phát sinh sau này thì việc công chứng, chứng thực là cần thiết. 

Trên đây là nội dung trao đổi của chúng tôi về hình thức của giao dịch  mua bán chuyển nhượng phần vốn góp/cổ phần kính gửi đến bạn đọc tham khảo đóng góp.

Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 0961614040 - 0945174040

Cùng chuyên mục